KPMG Việt Nam tiết lộ 5 vòng thi tuyển khốc liệt
100 hồ sơ từ các trường đại học top đầu, chỉ lấy tối đa 4.
>> Phỏng vấn Phó Tổng phụ trách Tuyển dụng của KPMG Việt Nam
Chỗ ngồi trong một công ty kiểm toán thuộc nhóm Big 4 (bốn hãng lớn nhất thế giới) là niềm mơ ước của rất nhiều sinh viên mới ra trường.
Đó là một quá trình tương đối căng thẳng, kéo dài tới vài tháng, và cứ 100 hồ sơ nộp về thì chỉ nhiều nhất 4 người trong số đó có việc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Auvarin Phor (Phó tổng giám đốc Bộ phận Kiểm toán kiêm Phụ trách bộ phận Tuyển dụng, Đào tạo & Phát triển nguồn Nhân lực) về năm vòng thử lửa mà mỗi tân cử nhân cần phải trải qua để có một chỗ trong văn phòng của công ty tư vấn này.
Hãy nghiên cứu kỹ chu trình này trước khi bạn quyết định nộp hồ sơ.
Vòng 1: Hồ sơ có đẹp không?
Thông thường, mùa tuyển dụng của KPMG sẽ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Trung bình sẽ có khoảng 2.500 đến 3.500 đơn ứng tuyển.
Kết quả học tập là một yếu tố quan trọng, nhưng không phải tất cả. Nhiều tiêu chí khác trong CV cũng sẽ được xem xét như các khóa học bạn từng tham gia, những hoạt động ngoại khóa hay câu lạc bộ bạn từng hoạt động khi còn là sinh viên, khả năng lãnh đạo hay cả thư giới thiệu …
Thông qua những thông tin được điền trong Mẫu hồ sơ Online, KPMG có thể sử dụng phần mềm để lọc bớt những hồ sơ không đạt yêu cầu.
Trường hợp bạn nộp hồ sơ và nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng thì xin chúc mừng, bạn đã chiến thắng hơn ít nhất 50% số ứng viên tham dự. Ngay trong vòng 1, gần 2.000 hồ sơ sẽ bị loại và chỉ có khoảng 1.200-1.300 ứng viên còn trụ lại ở vòng 2.
Vòng 2: Tư duy logic và viết luận, hoàn toàn bằng tiếng Anh
Tại vòng 2, các ứng viên sẽ phải làm bài kiểm tra dưới hình thức Logic và IQ hoặc viết luận để đánh giá khả năng tư duy cũng như cách trình bày quan điểm của mình.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Vấn đề là toàn bộ nội dung thử thách trong vòng này đều bằng tiếng Anh, tức bạn phải đọc đề bằng tiếng Anh, trả lời bằng tiếng Anh, cũng như viết luận bằng thứ ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới này. Một bài kiểm tra hoàn toàn bằng tiếng Anh sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng đọc, hiểu và viết của bạn.
Đây là yêu cầu rất quan trọng bởi ở một công ty như KPMG, bạn thường xuyên phải tiếp xúc và làm việc với khách hàng nước ngoài. Không biết sử dụng tiếng Anh đồng nghĩa với việc bạn không thể làm việc ở đây.
Sau bài kiểm tra, thêm một nửa số ứng viên sẽ bị loại. Khoảng 500 – 600 người sẽ đi tiếp vào vòng 3. Đây cũng là vòng mà các ứng viên sẽ nhận được đánh giá trực tiếp bởi đội ngũ KPMG. Vòng 2 được một công ty chuyên về tuyển dụng nhân sự (do KPMG thuê) tổ chức.
Vòng 3: Mô phỏng công việc
Dù đang cạnh tranh quyết liệt để giành một vé vào vòng trong, nhưng nếu thành viên nào trong nhóm thể hiện thái độ như trên, nhiều khả năng sẽ bị loại thẳng cánh. Ngoài thể hiện bản thân, nên nhớ làm việc nhóm còn là lắng nghe và giúp người khác lên tiếng. |
Trong vòng 3, các ứng viên sẽ được trải nghiệm cảm giác là một nhân viên KPMG thực thụ. Họ sẽ được chọn ngẫu nhiên vào các nhóm với số lượng thành viên 8 người mỗi nhóm.
Mỗi nhóm sẽ phải giải quyết 2 vấn đề (case study) mà một nhân viên KPMG chính thức phải đối mặt. Đó là gặp gỡ khách hàng, nghe những vấn đề của họ và tìm ra cách giải quyết. Sau khi đọc tình huống, các nhóm sẽ có khoảng 30-45 phútđể đưa ra giải pháp của nhóm mình cho 1 vấn đề. Hội đồng giám khảo sẽ lắng nghe ứng viên thuyết trình và đặt câu hỏi.
Hội đồng giám khảo sẽ bao gồm những thành viên cấp cao của KPMG, thường là ở cấp Trưởng phòng hay Trưởng phòng cao cấp. Hội đồng vừa đóng vai khách hàng, vừa là giám khảo.
Mục đích của bài kiểm tra là để đánh giá khả năng làm việc nhóm của các ứng viên. 8 người sẽ phải tự phân công nhau để làm việc hiệu quả nhất: ai sẽ là trưởng nhóm, ai sẽ là người thuyết trình và ai sẽ là người hỗ trợ. Một nhóm tốt cần tạo điều kiện cho mọi thành viên nói lên ý kiến của mình. Việc lắng nghe những ý kiến của người khác cũng sẽ giúp các ứng viên hoàn thiện quan điểm cá nhân.
Sẽ chỉ còn 300 người đi tiếp vào vòng sau.
Vòng 4: Có nói được tiếng Anh không?
Bộ phận nhân sự của KPMG sẽ có mặt và phỏng vấn các ứng viên. Những câu hỏi được đặt ra với 2 mục đích chính:
Đầu tiên, đó là đánh giá khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Trong vòng thi IQ và Logic, ứng viên đã được kiểm tra khả năng đọc, hiểu và viết tiếng Anh, giờ là lúc đánh giá kỹ năng nói. Thứ hai, tất nhiên vẫn là lược bớt những ứng viên không phù hợp.
Những câu hỏi đặt ra cho các ứng viên sẽ không quá khó. Đó là những câu hỏi truyền thống như mục tiêu cao nhất của bạn là gì, tại sao bạn chọn KPMG, nhược điểm của bạn là gì…
Hãy đưa ra câu trả lời giản dị và thật thà, thay vì trả lời “nhược điểm của tôi là quá chăm chỉ, quá cầu toàn, quá trách nhiệm”.
Vòng 4 được coi là vòng “thư giãn” hơn so với 3 vòng trước đó. Số người bị loại cũng không nhiều. Thông thường sẽ có từ 200 – 250 người qua vòng 4 để tới vòng cuối cùng.
Vòng quyết định: Phỏng vấn với lãnh đạo cấp cao nhất
Tại vòng thi cuối cùng, các ứng viên sẽ ngồi lại và trả lời phỏng vấn với các lãnh đạo cao cấp nhất của KPMG. Người phỏng vấn thường ở cấp Director (Giám đốc) và cao hơn là Partner (Phó Tổng giám đốc hay Thành viên điều hành). Cũng giống như vòng trước, cuộc phỏng vấn sẽ được tiến hành bằng tiếng Anh.
Theo ông Auvarin, tốt nhất là ứng viên nên thẳng thắn và trung thực, vì thực sự họ có rất ít cơ hội qua mặt được những chiến binh có tới 15-20 năm kinh nghiệm như ở cấp Partner/ Director.
Đây được đánh giá là vòng khó nhất nhưng các ứng viên cũng không nên quá căng thẳng. Thay vì hỏi những câu hỏi cao siêu về kiến thức kinh tế hay những câu hỏi bẫy, những nhà quản lý cao cấp thích giành nhiều thời gian để nói chuyện với các ứng viên.
Những câu hỏi của họ sẽ xoay quanh những vấn đề, sự kiện diễn ra hàng ngày trên thị trường tài chính. Nhà tuyển dụng quan tâm tới kiến thức của bạn, nhưng họ cũng phải chắc rằng bạn biết đến những vấn đề nóng đang diễn ra hàng ngày, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Chẳng hạn như họ có thể hỏi bạn nghĩ gì về suy thoái kinh tế ở châu Âu, và tác động của nó tới Việt Nam là như thế nào.
Cuộc nói chuyện giúp nhà tuyển dụng đảm bảo các ứng viên là người có kiến thức, và có tư duy toàn cầu.
Dù đã đi tới vòng cuối cùng, nhưng nếu không thể hiện tốt hơn 50% các ứng viên còn lại, bạn vẫn sẽ trượt. Trong số hơn 200 người còn trụ lại tới vòng cuối này, khoảng 100 người sẽ trở thành nhân viên chính thức của KPMG.
Nếu không nhận được thư mời thì xin cũng đừng quá phiền lòng, vì tới hơn 95% số người dự tuyển từ những trường đại học top đầu cũng sẽ phải đọc bức thư “cảm ơn đã tham dự, chúc bạn may mắn lần sau.”
>> Vào phòng giám đốc mà thấy con cóc ngậm đồng tiền, làm thế nào để bán con cóc
Minh Tuấn - Trang Lam