Một nửa ngân hàng tuyên bố “không tuyển thêm nhân sự trong năm 2013”
Trong các ngân hàng dự kiến tăng số lượng nhân viên, 90% cho biết “mức độ tăng sẽ không nhiều”.
Nội dung nổi bật:
- 46% ngân hàng nói sẽ không tăng số lượng nhân viên trong năm 2013. Xu hướng tăng nhân sự ngân hàng chóng mặt như giai đoạn 2005-2011 là “ngược chiều với xu thế của thế giới”
- 33% ngân hàng Việt Nam nói “đã tuân thủ” một đạo luật chống gian lận thuế của Mỹ. Tuy vậy, KPMG Việt Nam nói “không biết bất kỳ ngân hàng nào trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương” đã tuân thủ đạo luật nói trên.
- Hệ thống ngân hàng đang phấn đấu tuân thủ Hiệp ước về vốn Basel II (ra đời năm 2004), nhưng phần lớn lại chọn phương pháp đơn giản nhất, vốn không khác mấy Hiệp ước Basel I (ra đời năm 1988). Về hiệp ước về vốn mới nhất (Basel III, ra đời năm 2010): “đừng nghĩ đến nó trong vòng 5-7 năm nữa.”
“Ở nhiều chi nhánh, cán bộ nhà băng còn đông hơn khách hàng,” ông Trần Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam chia sẻ trong hội thảo công bố kết quả khảo sát về ngành ngân hàng năm 2013 do công ty tư vấn này thực hiện.
Trong sáu năm từ 2005 đến 2011, số lượng nhân viên ngân hàng đã tăng gần gấp đôi, từ khoảng 125.000 người lên hơn 200.000 người. Tuy vậy, có lẽ xu hướng này (hoặc ít nhất là sự ấn tượng của nó) sẽ không tiếp diễn.
46% số ngân hàng được hỏi tuyên bố sẽ không tăng số lượng nhân viên trong năm 2013. Đáng chú ý hơn, trong số 54% ngân hàng dự kiến tăng số lượng nhân viên, có đến 90% cho biết “mức độ tăng sẽ không nhiều”. Trong nhiều trường hợp, cái “tăng không nhiều” trên lại là do việc mở thêm chi nhánh đã được cấp phép từ năm ngoái.
Các số liệu trên cho thấy, triển vọng nhân sự ngân hàng (ít nhất là trên khía cạnh số lượng) sẽ kém sáng sủa trong ít nhất là vài năm tới.
KPMG không cho biết bất kỳ đặc điểm nào của các ngân hàng thuộc về từng nhóm câu trả lời kể trên. Nhưng theo thống kê của người viết từ BCTC các ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm, hàng loạt ông lớn đã cắt giảm nhân sự như Vietinbank, BIDV, ACB và Eximbank.
Giải thích cho hiện tượng trên, lý do được dẫn ra nhiều nhất là việc hình kinh tế đi xuống, ngân hàng nhà nước hạn chế cho phép các ngân hàng mở rộng mạng lưới hay cả chuyện các “đại gia” đã “sợ lắm rồi” sau khi nhận ra sở hữu và điều hành một ngân hàng không dễ dàng như họ tưởng.
Thẻ thanh toán, tablet và smartphone sẽ thay thế nhân viên ngân hàng.Bên cạnh đó, báo cáo của KPMG còn chỉ ra một nguyên nhân nữa, đó là xu hướng tăng số lượng nhân viên của các ngân hàng Việt Nam là ngược chiều với xu thế của thế giới. Trong khi các ngân hàng quốc tế đang đẩy mạnh các loại dịch vụ không cần cung cấp qua chi nhánh như internet banking, mobile banking, thì các ngân hàng Việt Nam mới đang loay hoay phát triển sản phẩm và chưa phổ cập được dịch vụ tới đại bộ phận khách hàng. Khi giai đoạn “loay hoay” này chấm dứt và các dịch vụ trên trở nên phổ biến, có lẽ tốc độ mở chi nhánh (và cả số nhân sự tuyển mới) sẽ càng hạn chế.
Ấn tượng có kiểm soát
67% số ngân hàng được hỏi đánh giá “NHNN đã đủ chủ động trong công tác cải tổ hệ thống ngân hàng”. 13% chọn đáp án “không rõ”. Tuy vậy, cũng chừng ấy ngân hàng (67%) cho rằng mục tiêu đến năm 2015 giảm số lượng ngân hàng trong nước còn 15-17 ngân hàng là “không khả thi”. Chỉ có 7% nghĩ mục tiêu này là “có khả thi”.
Về tình hình kinh doanh, có 73% số ngân hàng cho biết triển vọng tài chính của ngân hàng mình “khá khả quan” và 80% nói doanh thu sẽ “tăng nhẹ”. Đặc biệt, có tới 80% ngân hàng trả lời họ kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng mình sẽ vượt 10%.
“Chắc các anh chị tick nhầm”
Đạo luật về Tuân thủ thuế đối với các chủ tài khoản nước ngoài của chính phủ Hoa Kỳ (FATCA) được ban hành nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế của người Mỹ ở nước ngoài. Đến năm 2014, FATCA mới có hiệu lực và thời gian để các tổ chức tài chính “làm quen” với FATCA kéo dài tới tận năm 2017. Tuy vậy, 1/3 số ngân hàng được hỏi cho biết mình “đã tuân thủ FATCA”.
Báo cáo của KPMG nhận xét con số này là “rất đáng ngạc nhiên”. KPMG giải thích thêm: “Chúng tôi không biết có bất kỳ ngân hàng nào trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã hoàn toàn tuân thủ theo các yêu cầu của FATCA”.
Ông Trần Đình Vinh thì có cách giải thích ‘vui vẻ’ hơn: “Chắc các anh chị tick nhầm…” Có lẽ là vậy thật, vì tới quá nửa (54%) số ngân hàng thừa nhận “không rõ” về FATCA. Nếu không tuân thủ FATCA, ngân hàng có thể bị buộc phải rời khỏi thị trường tài chính Mỹ hoặc không được đầu tư vào các tài sản ở Mỹ.
Toàn ngành ngân hàng ‘dè dặt’ phấn đấu đạt chuẩn Basel II
Nhìn những câu trả lời lạc quan kể trên, thiết tưởng phải đến 90% ngân hàng trả lời “có” khi được hỏi “Anh/chị có hài lòng với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ hiện tại không?”. Trái với dự đoán, câu trả lời “có”chỉ chiếm 47%.
Báo cáo của KPMG cho biết thêm hầu như toàn bộ các ngân hàng Việt Nam sử dụng chung một mô hình Xếp hạng tín dụng nội bộ trong khi chiến lược phát triển của họ đôi khi lại khác hẳn nhau. Bản thân mô hình này lại đã được triển khai từ 4-5 năm trước và trong thời gian ấy đã “góp phần không nhỏ” vào tỷ lệ nợ khó đòi cao hiện nay.
Tin mừng là 100% các ngân hàng được hỏi đều dự định sẽ tăng chi dành cho các giải pháp/cơ cấu về quản lý rủi ro (20% tăng mạnh và 73% tăng nhẹ) và dành cho xây dựng quy trình quản trị rủi ro tín dụng tiên tiến hơn (27% tăng mạnh và 67% tăng nhẹ).
Tin ít mừng hơn là có tới 20% ngân hàng “không có nhận thức” về việc NHNN đang lập kế hoạch thực hiện Khung giám sát theo Hiệp ước về vốn Basel II. 47% cho biết họ sẽ chọn phương pháp Tiêu chuẩn (dễ triển khai nhất và không khác gì so với Basel I có từ năm 1988). Chỉ 1/3 số ngân hàng Việt Nam chọn phương pháp IRB-Cơ bản và không có ngân hàng nào nghĩ tới IRB-Cao cấp trong khi trên bình diện quốc tế, có tới 80% ngân hàng đang dùng một trong hai phương pháp IRB-Cơ bản hoặc IRB-Cao cấp.
Hiện mối quan tâm của các ngân hàng trên thế giới đã chuyển sang chuẩn Basel III. Nhưng nói về khả năng áp dụng chuẩn này tại Việt Nam, ông Steve Punch, Giám đốc bộ phận Tư vấn Quản trị rủi ro tài chính tại KPMG, nói thẳng: “Với hiện trạng bây giờ của các ngân hàng, đây là chuyện phi thực tế. Đừng nghĩ đến nó trong vòng 5-7 năm nữa …”
Minh Tuấn