Hé lộ kế hoạch tuyển dụng phi công Việt của Vietnam Airlines

04/11/2014 09:31 AM | Nghề nghiệp

Kế hoạch tăng phi công Việt sẽ giúp hãng này đáp ứng được chiến lược phát triển bay đường dài đồng thời tiết giảm chi phí nhân công ở mức hợp lý.

Đường băng trải rộng

Hàng không vốn là ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi khủng hoảng kinh tế. Theo số liệu của Hiệp hội vận tải hàng không thế giới IATA, tăng trưởng biên lợi nhuận của ngành này sụt giảm mạnh từ mức gần 4% vào năm 2007 xuống chỉ còn khoảng -4% trong năm 2008. Tuy nhiên kể từ năm 2009, ngành hàng không thế giới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Tới năm 2013, doanh thu ngành này đạt mức 708 tỷ USD, tăng 4,3% so với 2012, chiếm 1% GDP toàn thế giới.

Theo công ty chứng khoán ngân hàng đầu tư BIDV (BSC), ngành hàng không Việt Nam cũng được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi này và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra hoạt động đầu tư và du lịch tăng trưởng nhanh, thu nhập người dân được cải thiện đặc biệt là tầng lớp trung lưu cũng là động lực giúp ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng. Trước xu hướng phát triển của ngành, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng có kế hoạch mở rộng phát triển. Gần đây, sự kiện IPO Vietnam Airlines thu hút được sự quan tâm của công chúng.

Theo kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines công bố trong bản công bố thông tin chào bán cổ phần lần đầu trên sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, hãng hàng không này sẽ đổi mới đội bay đồng thời tăng lượng phi công từ gấp 1,5 lần từ mức 734 người năm 2014 lên 1128 năm 2018. Trong đó lượng phi công Việt năm tăng từ 535 lên 796 người.

Chính sách kiểm soát chi phí

Phi công được xem là nguồn nhân lực quan trọng nhất của Vietnam Airlines, đặc biệt là khi hãng chuyển sang khai thác các thế hệ máy bay mới (B787, A350) trong thời gian tới. Tuy nhiên tiền lương phi công luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí nhân công của Vietnam Airlines. Theo báo cáo của BSC, khoản chi phí này chiếm tới 72%.

Với một doanh nghiệp, để tăng lợi nhuận, việc quản lý chi phí là điều vô cùng quan trọng. Đối với ngành hàng không, cựu CEO Singapore Airlines Cheong Choong Kong từng phát biểu: "Kiểm soát chi phí là một tiêu chuẩn vàng trong quản lý của SIA. Không phải chỉ khi lâm vào tình cảnh khó khăn chúng tôi mới chuyển sang chế độ cắt giảm chi phí." Báo cáo của BSC cho biết Vietnam Airlines cũng theo đuổi chính sách kiểm soát chi phí. Theo số báo cáo tài chính của Vietnam Airlines, chi phí nhân công là khoản chi phí lớn thứ 3 trong cơ cấu chi phí chiếm khoảng 8-9%.

Cơ cấu chi phí Vietnam Airlines. Nguồn: Báo cáo phân tích doanh nghiệp Vietnam Airlines- BSC

Cơ cấu chi phí Vietnam Airlines. Nguồn: Báo cáo phân tích doanh nghiệp Vietnam Airlines- BSC

Khoản chi phí này được hãng định hướng tiết giảm theo chính sách tiết kiệm và tăng năng suất lao động. Việc tăng tỷ trọng phi công người Việt sẽ giúp Vietnam Airlines tiết kiệm được một khoản chi phí nhân công đáng kể. Tỷ trọng chi phí nhân công của Vietnam Airlines vẫn thấp hơn các hãng hàng không khác trong khu vực, nơi con số này chiếm tới hơn 10-15%.

Ước tính tiền lương phi công Vietnam Airlines với giả định tỷ lệ chiếm 72% chi phí nhân công. Nguồn: BSC.

Ước tính tiền lương phi công Vietnam Airlines với giả định tỷ lệ chiếm 72% chi phí nhân công. Nguồn: BSC.

Trong kế hoạch công bố, Vietnam Airlines sẽ duy trì tỷ lệ phi công Việt Nam trên 70% trong giai đoạn 2014-2018. Cụ thể năm 2014 hãng hàng không này lên kế hoạch có 535 phi công người Việt gấp gần 2,7 lần con số 199 phi công nước ngoài. Đến năm 2018 con số phi công người Việt tăng gấp rưỡi lên 796 người, phi công nước ngoài là 332 người.

Nguồn nhân lực phi công được Vietnam Airlines đặc biệt phát triển là phi công đối với các máy bay cỡ lớn 250-280 ghế. Năm 2014 lượng phi công người Việt đối với dòng máy bay này là 242 người, sau 4 năm sẽ tăng lên 470 người, gần gấp đôi. Trong khi đó phi công người Việt với dòng máy bay 150-180 ghế  năm 2018 dự tính đạt 255 người, tăng 19%. Thậm chí với dòng 70 ghế giảm từ mức 78 người xuống còn 71 người năm 2018.

Điều này cũng phù hợp với chiến lược phát triển tập trung đầu tư máy bay thân rộng của Vietnam Airlines. Theo kế hoạch, hãng này sẽ tăng quy mô đội bay lên 116 chiếc vào năm 2018 (số máy bay thân rộng tăng từ 19 lên 38 chiếc và thanh lý các máy bay trên 15 tuổi). Tổng số máy bay khai thác sẽ thực hiện tiếp nhận trong giai đoạn 2014-2018 chủ yếu gồm 7 tàu bay A321, 19 tàu bay B797-9 và 12 tàu bay A350.

Kế hoạch nguồn nhân lực phi công của Vietnam Airlines giai đoạn 2014-2018. Nguồn: Bản công bố thông tin chào bán cổ phần lần đầu.

Kế hoạch nguồn nhân lực phi công của Vietnam Airlines giai đoạn 2014-2018. Nguồn: Bản công bố thông tin chào bán cổ phần lần đầu.

Việc tăng máy bay thân rộng của Vietnam Airlines nhằm đáp ứng chiến lược tăng tần suất các đường bay hiệu quả quốc tế như việc sẽ tập trung tăng tần suất khai thác, hoàn thiện sản phẩm 2 chuyến/ngày với các đường bay Đông Bắc Á và Đông Nam Á, hoàn thiện mạng bay đến châu Âu. Như vậy kế hoạch tăng phi công Việt sẽ giúp hãng này đáp ứng được chiến lược phát triển bay đường dài, đồng thời tiết giảm chi phí nhân công ở mức hợp lý.

>> Cựu CEO Singapore Airlines: 'Tôi không phải kẻ bán hàng láu cá'

Kim Thủy

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM