Đừng để hàng ngàn người mất việc vì sửa đổi Luật kế toán!

12/06/2015 16:05 PM | Nghề nghiệp

Nhiều ý kiến không đồng tình với dự thảo sửa đổi Luật kế toán buộc người hành nghề kế toán phải có trình độ đại học, lập doanh nghiệp, gia nhập hiệp hội...

Dự thảo Luật kế toán sửa đổi đang được Quốc hội bàn thảo có một số quy định mới về điều kiện hành nghề kế toán dự kiến có thể ảnh hưởng đến hàng ngàn người như: muốn hành nghề kế toán thì người hành nghề phải góp vốn tham gia thành lập doanh nghiệp, phải tham gia hội kế toán, phải có trình độ đại học...

Hàng trăm ý kiến bạn đọc đã phản hồi cho rằng quy định của dự thảo trên là không phù hợp thực tế, gây khó khăn cho người hành nghề và cả các doanh nghiệp, đi ngược xu hướng cải cách hành chính nhằm đơn giản thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia, những người đang hành nghề kế toán và cả các học viên đang theo học ngành nghề này.

Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, hiệu trưởng Trường trung cấp Ánh Sáng:

Không chỉ trình độ đại học mới làm được kế toán

Với kinh nghiệm bản thân, tôi khẳng định làm kế toán không cần tới trình độ đại học. Hơn 10 năm trước, tôi chỉ mới tốt nghiệp trung cấp kế toán nhưng đã đủ khả năng làm dịch vụ kế toán cho gần chục công ty khác nhau trong cùng thời điểm.

Các doanh nghiệp do tôi làm kế toán tuyển dụng, giao việc cho tôi là dựa vào kết quả hoàn thành công việc, đạo đức nghề nghiệp và tính trách nhiệm chứ không phải tuyển cái bằng đại học.

Sau đó thì tôi cũng học lên đại học. Nhưng khi tốt nghiệp đại học, tôi không đi làm kế toán nữa mà chuyển sang đi dạy nghiệp vụ kế toán, nghiên cứu và viết sách để truyền kinh nghiệm.

Nếu quy định tất cả những người hành nghề kế toán phải có bằng đại học thì thật sự lãng phí, không cần thiết cho doanh nghiệp và xã hội. Bởi với nghề kế toán thì chỉ có rất ít vị trí cần tới trình độ đại học như dạy học, người làm chính sách kế toán, kế toán tổng hợp, kế toán trưởng của những tập đoàn, công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia.

Nhưng ngay cả ở những công ty rất lớn này thì kế toán viên cũng không cần tới trình độ đại học. Trong khi đó, hiện nay ở Việt Nam phần lớn doanh nghiệp lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thời gian qua có hiện tượng chúng ta quá coi trọng bằng cấp. Bây giờ luật kế toán sửa đổi lại quy định điều kiện bằng cấp cho nghề này chẳng khác nào cổ súy cho việc “sính bằng cấp” và hậu quả sẽ khiến cả xã hội chạy đua với bằng cấp.

Chúng ta cần một xã hội thực học - thực nghiệp chứ không cần một xã hội bằng cấp. Nếu quy định như vậy thì còn ai đi học cao đẳng, trung cấp nghề kế toán. Nghề này ở các trường trung cấp, cao đẳng sẽ “chết” vì không có người học?

Trình độ nào, tới đâu là đủ, làm công việc gì? Hãy để doanh nghiệp quyền lựa chọn và tuyển dụng vì họ mới là những người trả lương cho người làm kế toán.

Chị Nguyễn Thị Huệ, giám đốc một công ty tư vấn tại TP.HCM:

Không nhất thiết phải tham gia hiệp hội

Nhu cầu thuê dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khá lớn. Nếu thuê một kế toán có trình độ đại học về làm kế toán trưởng thì hằng tháng doanh nghiệp phải trả lương ít nhất từ 5 triệu đồng trở lên, nhưng nếu thuê dịch vụ làm báo cáo thuế, báo cáo tài chính thì hằng tháng chỉ mất 1-2 triệu đồng.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện phần lớn chỉ cần tuyển một kế toán viên vừa làm kế toán kiêm luôn các công việc văn phòng và chỉ phải trả 3-4 triệu đồng/tháng cho kế toán viên nhưng cùng lúc được đôi ba công việc. Không doanh nghiệp nào lại bỏ tiền đi thuê một người có trình độ cao nhưng lại không sử dụng hết năng lực của họ.

Việc quy định người làm nghề kế toán phải tham gia hiệp hội nghề nghiệp kế toán mới được hành nghề là không hợp lý. Hiệp hội ngành nghề là một tổ chức xã hội nghề nghiệp và hoàn toàn tự nguyện, người làm kế toán giỏi không nhất thiết phải là thành viên hiệp hội. Cái chính là trách nhiệm của họ với công việc, doanh nghiệp và luật pháp.

Phạm Thị Thanh Thủy, sinh viên nghề kế toán Trường trung cấp Đại Việt TP.HCM:

Vậy sao còn đào tạo trung cấp, cao đẳng?

Tôi cảm thấy bất ngờ và hoang mang với những quy định mới của luật kế toán sửa đổi. Nếu dự thảo luật trở thành quy định chính thức, có hiệu lực thì chúng tôi ra trường không biết phải tìm việc như thế nào?

Nếu chúng tôi hành nghề kế toán theo đúng chuyên ngành mình học thì sẽ trái quy định của pháp luật, còn nếu chúng tôi không hành nghề được thì xem như lãng phí tiền bạc, thời gian và công sức đã theo học nghề này.

Chẳng lẽ nếu muốn theo đúng chuyên ngành chúng tôi phải tiếp tục đợi chờ thêm nhiều năm và phải học lên đại học mới được hành nghề sao?

Vấn đề học lên cao là nhu cầu của bản thân mỗi người. Tuy nhiên ở từng ngành nghề sẽ có những yêu cầu trình độ riêng. Nghề kế toán không nhất thiết phải có bằng đại học mới làm việc tốt. Nếu quy định vậy thì tại sao lại cho phép đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề này?

Buộc vào hiệp hội kế toán: sự áp đặt vô lý

Dịch vụ kế toán hoàn toàn là hoạt động dịch vụ thuần túy và mang tính nghiệp vụ, có thể hoạt động độc lập, vì vậy chỉ cần người có chứng chỉ kế toán đều có thể thực hiện được.

Chưa kể hiện nay việc áp dụng phần mềm kế toán trên máy tính đã làm cho công việc kế toán đỡ phức tạp hơn rất nhiều.

Quy định bắt buộc vào Hội nghề nghiệp kế toán mới được làm nghề thì đây là qui định gây khó khăn, thậm chí mang tính chất áp đặt một cách vô lý cho người hành nghề kế toán.

Như chúng ta biết tham gia hội là quyền của mỗi người, dựa trên tính chất tự nguyện, nếu người tham gia thấy có lợi thì họ tham gia và đóng hội phí, còn không thấy có lợi thì không tham gia. Vì thế nên không thể xem đây là điều kiện bắt buộc.

Việc này dễ dẫn đến tình trạng hội sẽ là “cai đầu dài” nhằm thu phí, gây thêm khó khăn và tốn kém cho người hành nghề kế toán.

Dự thảo luật kế toán sửa đổi cũng đưa ra quy định làm nghề kế toán phải có bằng đại học. Nếu điều kiện này được áp dụng ngay sau khi Luật kế toán có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2016) là không khả thi.

​Nếu muốn đặt ra yêu cầu ngày càng nâng cao trình độ của người làm nghề kế toán thì luật phải đưa ra lộ trình dài hơn, ít nhất là năm năm trở lên kể từ ngày luật có hiệu lực.

Với thời gian này mới đủ để người làm nghề chưa có bằng đại học có thời gian học lên, hoặc chuyển đổi nghề khác thích hợp hơn nếu không đáp ứng được yêu cầu này.

Luật sư VÕ XUÂN TRUNG

Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh

Theo Quang Phương

Cùng chuyên mục
XEM