ĐBQH Cao Sĩ Kiêm: Thu nhập của Bộ trưởng cao gấp nghìn lần mức lương
Trao đổi với chúng tôi TS. Cao Sĩ Kiêm, ĐBQH tỉnh Thái Bình nói thẳng: "Nếu nói mức lương của Bộ trưởng hiện nay khó sống thì rất vô cùng. Thực tế thì không ai khó sống, mà lại sống rất đoàng hoàng…”.
Nội dung nổi bật:
- Thực tế thì không ai khó sống, mà lại sống rất đoàng hoàng so với tiêu pha, thu nhập “thực” của họ, tôi biết, gấp xa nghìn lần mức lương mà họ đang hưởng nên số liệu đó không phản ánh chính xác thực tế.
- Sở dĩ tồn tại thực tế này là do 3 nguyên do. Thứ nhất, việc kê khai thu nhập của họ không chính xác mà mình cũng không kiểm soát được. Chưa kể, các cơ quan thực hiện việc thu thuế đã không kiên quyết, triệt để và ráo riết trong việc thu thuế, mà còn nể nang, né tránh. Và nguyên do thứ 3 là bản thân một số đối tượng này có biểu hiện trốn tránh, che giấu mà cơ quan quản lý, kiểm tra không phát hiện ra được.
Trước quan điểm cho rằng, với mức lương Bộ trưởng, trưởng ngành hiện nay chỉ trên 14 triệu đồng/tháng thì rất … khó sống, trao đổi với chúng tôi TS. Cao Sĩ Kiêm, ĐBQH tỉnh Thái Bình nói thẳng: “Nếu nói mức lương của Bộ trưởng hiện nay khó sống thì rất vô cùng. Thực tế thì không ai khó sống, mà lại sống rất đoàng hoàng…”.
Theo Bộ Nội vụ, lương và phụ cấp của Bộ trưởng hiện chỉ khoảng 14,4 triệu/tháng và với mức lương này rất khó sống. Ông có tin đây mức lương của các Bộ trưởng như vậy là khó sống?
Nếu nói mức lương của Bộ trưởng hiện nay khó sống thì rất vô cùng. Thực tế thì không ai khó sống, mà lại sống rất đoàng hoàng so với tiêu pha, thu nhập “thực” của họ, tôi biết, gấp xa nghìn lần mức lương mà họ đang hưởng nên số liệu đó không phản ánh chính xác thực tế. Vì còn nhiều khoản thu nhập … ngoài không được kê khai, tính vào lương mà mình không biết, không thống kê được. Cơ chế kiểm soát của ta không quản lý được. Người làm chân chính nhận đúng đồng lương và phụ cấp như thế không có nhiều.
Có những công nhân 2-4 triệu đồng/tháng họ vẫn sống được thì tại sao lại nói lương trưởng ngành gấp 6-7 lần lại không sống được? chưa kể các vị còn nhận được nhiều chế độ đãi ngộ, ưu đãi khác nữa…
Cũng vì lương của trưởng ngành, Bộ trưởng hay người đứng đầu một tỉnh chỉ trên chục triệu/tháng nên số lượng người đóng cũng như khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân đối với các đối tượng đóng trên là rất ít. Ông có tin vào thực tế này?
Sở dĩ tồn tại thực tế này là do 3 nguyên do. Thứ nhất, việc kê khai thu nhập của họ không chính xác mà mình cũng không kiểm soát được. Họ muốn khai bao nhiêu thì khai. Nhưng có thực tế, chắc chắn mức thu nhập giữa việc khai và thực tế là khác xa nhau.
Chưa kể, các cơ quan thực hiện việc thu thuế đã không kiên quyết, triệt để và ráo riết trong việc thu thuế, mà còn nể nang, né tránh.
Và nguyên do thứ 3 là bản thân một số đối tượng này có biểu hiện trốn tránh, che giấu mà cơ quan quản lý, kiểm tra không phát hiện ra được. Tính tự giác của họ không có, vì thế nên mới có hiện tượng méo mó, sai lệch, không phản ánh đúng thực tế và không công bằng. Cũng chính vì lẽ đó mà người dân và xã hội mất lòng tin khi có những ông chủ tịch kêu khó khăn, song thực tế có tới 3-4 nhà…
Nhưng chúng ta đã có cơ chế buộc minh bạch kê khai tài sản, thu nhập thưa ông?
Nói là kê khai đấy, nhưng thực tế có làm được đâu, có ai kiểm soát đâu. Hồ sơ kê khai thì “ông” tổ chức cán bộ giữ, họ “nhờ vả” nhau thì sao chúng ta kiểm soát được. Vì thế, nên số bị phát hiện có tài sản “khủng” rất ít.
Ông cảm thấy ra sao trước hình ảnh ở nhiều tỉnh, thành được cho là khó khăn của đất nước nhưng vẫn có những quan tỉnh có nhà lầu, xe hơi..., trong khi cuộc sống người dân lại chật vật, khó khăn?
Đó là hình ảnh xót xa, là sự bất lực trong quản lý cán bộ, thu nhập. Đó cũng là cái giá phải trả cho việc kỷ luật, kỷ cương không chặt. Vì thế, mới có tình trạng quan nói nhưng dân bác, không tin.
Vậy theo ông chúng ta phải có sự chấn chỉnh như thế nào?
Lâu nay chúng ta cứ nói chung chung, cứ kêu nhưng khi đề nghị chỉ ra “địa chỉ” cụ thể thì không ai dám lên tiếng. Tôi cho rằng, phải công khai từ trên xuống dưới, từ quan chức cấp cao tới cán bộ cấp dưới… Mọi người phải có trách nhiệm tự giác, phát hiện…
Theo báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn của Quốc hội của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, hạn chế hiện tại là mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng hiện hành mới đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân 2,6 triệu đồng/tháng năm 2015 của khu vực doanh nghiệp.
Điều này dẫn đến các mức lương ngạch, bậc, chức vụ thấp theo, tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự khoảng 3,58 triệu đồng/tháng. Lương Bộ trưởng cũng chỉ khoảng 14,4 triệu đồng/tháng. Vì thế, Bộ trưởng Nội vụ đánh giá, lương Bộ trưởng, trưởng ngành, những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn.