[Chuyện nghề] 'Thầy ước rằng tất cả học sinh trên đất nước Việt Nam đều được đến trường'

20/11/2014 09:59 AM | Nhân vật

Ngày nhà giáo 20/11, thầy chỉ có mong ước giản dị như vậy thôi...

Chúng tôi xin gửi đến quý độc giả series mới mang tên "Chuyện nghề". Series là chùm các bài phỏng vấn những người trong cuộc về công việc mà họ đang làm. Đối tượng phỏng vấn thuộc rất nhiều tầng lớp trong xã hội, đang mưu sinh bằng một nghề nào đó, hoặc có thể làm một công việc vì yêu thích.

Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh nghề nghiệp của xã hội. Bởi vậy chúng tôi rất mong có thể nhận được các câu chuyện đóng góp từ quý vị độc giả để làm phong phú thêm nội dung series này.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bài viết mở đầu cho series xin được kể về Thầy giáo H.V.H. (giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự) và những tâm sự nghề của thầy: Nghề dạy học.


Thầy làm giáo viên từ năm 1981, tính đến nay đã 33 năm được đứng trên bục giảng rồi.

Sau khi học phổ thông xong thầy thi đỗ vào trường Học viện kỹ thuật quân sự với số điểm là 24. Hồi đó những người đạt 24 điểm trở lên rất ít nên thầy là một trong số những người được nhà nước cử đi học tập tại Nga. Lúc đó thầy cũng cảm thấy tự hào lắm!

Thầy đến với nghề giáo viên cũng rất tình cờ, sau khi học tập từ Nga trở về thì thầy được trường Học viện kỹ thuật quân sự mời về giảng dạy. Thế là thầy gắn bó với nghề giáo viên từ lúc đó.

Công việc thường ngày của Thầy diễn ra như thế nào à? Thầy bắt đầu ngày mới vào lúc 7h sáng, 7h30 thầy có tiết giảng dạy đầu tiên và  kết thúc vào lúc 17h30. Ngoài ra, khi nào không có tiết dạy thì thầy thường sinh hoạt tại bộ môn cơ khí chế tạo máy ở Học viện Kỹ thuật Quân sự để giúp đỡ các học trò tiếp cận gần với thực tế hơn, như lắp rắp robot hoặc chuẩn bị cho cuộc thi Robocon chẳng hạn.

So với 10, 20 năm trước thì bây giờ khác nhiều! Hồi thầy mới bắt đầu đứng trên bục giảng chỉ có phấn và bảng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn rất nhiều nên thầy phải tự mày mò và học hỏi rất vất vả để có thế giúp các em học sinh hình dung ra cấu tạo của từng bộ phận máy móc, thiết bị là như thế nào, nó hoạt động ra sao.

Còn bây giờ công nghệ đã hiện đại hơn trước, các em học sinh được tiếp cận với thực tế nhiều hơn, được sử dụng các trang thiết bị hiện đại và ứng dụng được nó vào cuộc sống hàng ngày chứ không còn phải hình dung, tưởng tượng như trước nữa.

Về các em học sinh nước mình, thầy thấy rằng các em rất chịu khó mày mò tìm tòi và học hỏi tuy nhiên khả năng làm việc nhóm, chủ động giải quyết vấn đề, giao tiếp còn hạn chế lắm.

Kỷ niệm thời học sinh của thầy thì nhiều lắm. Nhưng hình ảnh mà thầy nhớ nhất là những hôm đang học mà nghe thấy tiếng đài phát thanh vang lên: Đồng bào chú ý! máy bay địch cách hà nội 50 cây số về phía tây, đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn. Lúc đó các thầy cô giáo lại vội vã dìu đám học sinh nhanh chóng chui vào hầm trú ẩn và hồi hộp, nín thở đợi máy bay địch đi qua. Khổ là thế, vất vả là thế mà cả cô và trò ngày nào cũng quyết tâm đến lớp đến trường.

Ngày xưa hồi thời còn bao cấp, việc học tập vô cùng khó khăn, thiếu sách thiếu vở chưa kể đến nếu muốn học còn phải đi xin dầu để thắp đèn. Cơ sở vật chất thiếu thốn vô cùng nhưng ai cũng chăm học, bởi vì học hành là con đường duy nhất để thoát nghèo. Còn bây giờ thời đại thay đổi, các em được tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ thông tin, việc học không còn khó khăn như trước nữa. Ngoài việc học các em còn có thể làm thêm, như bán hàng online để kiếm thêm thu nhập chẳng hạn. Nói chung thời các em bây giờ sướng hơn chúng tôi ngày xưa nhiều lắm.

Theo thầy, học hành là quan trọng nhất! Học, học nữa, học mãi cơ mà. Thế giới đã chỉ ra rằng không phải Đại học mới là con đường duy nhất để tiến tới thành công, giống như Bill Gates chẳng hạn … nhưng tỉ lệ đó là rất nhỏ, học tập vẫn là tiền đề chắc chắn, giúp các em bước vào cuộc sống dễ dàng hơn. Theo thầy, thành công lớn nhất của một con người không phải ở việc anh ta kiếm được bao nhiêu tiền mà nó nằm ở giá trị và nhân cách sống của người đó.

Thầy còn nhớ năm đầu tiên đứng trên bục giảng, ngày 20/11 cả lớp thầy dạy năm đó tặng thầy 1 bông hoa hồng, được gói cẩn thận bằng giấy bóng kính. Đơn giản như vậy thôi nhưng ấm áp tình thầy trò. Tất nhiên thầy không bàn đến khía cạnh khác là có một số bạn học sinh, sinh viên lấy ngày 20/11 để “đút lót hay xin điểm”. Đối với thầy đó là một ấn tượng rất xấu vì nó làm cho tình cảm thầy trò chuyển sang một hướng khác đi và không còn ý nghĩa nữa.

Điều khiến cho thầy vui nhất trong ngày này là được nhìn thấy những lứa học sinh cũ trở về thăm lại trường xưa, vẫn nhớ tới thầy cô giáo cũ của mình. Được tận mắt chứng kiến "lũ học trò" ngày xưa giờ đây đều đã khôn lớn, thành đạt thầy thấy tự hào lắm!

Nếu được chọn lại, thầy có chọn làm Thầy giáo nữa không ư? Thầy nhớ có một câu nói thế này: Khi sống nhất định phải sống hạnh phúc. Cho đến hiện tại, thầy hoàn toàn hạnh phúc khi được là một nhà giáo đứng trên bục giảng. Cho dù có được lựa chọn lần nữa, thầy vẫn sẽ chọn là nhà giáo.

Mong ước của thầy thì nhiều lắm nhưng sức người chỉ có hạn. Điều ước dành cho nền giáo dục thì nhiều quá và lớn quá, thầy chỉ là một nhà giáo bình thường mà thôi. Hiện tại thầy chỉ ước duy nhất một điều, đó là mong cho tất cả các em học sinh trên đất nước Việt Nam đều được đến trường đấy đủ và mùa đông này các em không còn thiếu áo ấm nữa.

Thầy giáo H.V.H - Hà Nội, 20/11/2014

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM