Chạy đua Tiến sĩ, Giáo sư để tránh bị giảm biên chế?

24/03/2014 14:53 PM | Nghề nghiệp

Đã có không ít trường hợp cố chạy theo học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ không phải vì trình độ mà chỉ ‘đối phó’ với giảm biên chế.

GS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia đã nói thẳng điều này bằng chính những gì ông chứng kiến qua suốt năm tháng làm việc của mình.

Cuộc chạy đua học hàm và tinh giảm biên chế

Từng có nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực hành chính, TS Tri hiểu gốc rễ của vấn đề chất lượng và số lượng bộ máy, cán bộ công chức hiện nay.

Ông kể lại, cá nhân ông đã chứng kiến nhiều trường hợp chỉ vì muốn tránh bị xếp vào diện tinh giảm biên chế mà đã phải cố tìm mọi cách để có cái học hàm, học vị mà không hề ý thức phục vụ thực sự cho chuyên môn của mình.

“ Hiện chúng ta đang có chủ trương kéo dài thời gian làm việc như: phụ nữ sẽ nghỉ hưu cao tuổi hơn hay người có học hàm học vị cũng được kéo dài thời gian làm việc nên ai cũng chạy theo học hàm, học vị. Ví dụ tiến sĩ được kéo dài thời gian làm việc thêm 5 năm, phó giáo sư 7 năm và giáo sư được làm việc thêm 10 năm. Chính điều này khiến họ chạy theo danh vọng và chứng chỉ để ăn lương nhà nước”, TS Tri nói.

Không ít người chạy đua theo danh vọng để hưởng lương nhà nước
Không ít người chạy đua theo danh vọng để hưởng lương nhà nước

Chính thực tế này khiến TS Tri không tin rằng việc giảm biên chế lần này sẽ thành công.

“Tôi không tin lần này việc tinh giảm bộ máy sẽ thành công như mong đợi. Nguyên nhân là vì chúng ra vẫn đang giải quyết vấn đề theo kiểu giật gấu vá vai”.

Tức là để tinh giảm biên chế có kết quả, trước hết phải xem xét lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Phải rà soát lại xem trong từng bộ, ngành từ trung ương đến cơ sở; rồi các cục, vụ, viện, ban, phòng cái nào cần thiết để lại, cái nào có thể kết hợp, cái nào có thể loại bỏ; rà soát lại sự liên thông, thống nhất giữa các cơ quan với nhau, khắc phục chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị.

Sau khi sắp xếp lại bộ máy hành chính khoa học, gọn nhẹ, tiến hành xác định tiêu chí cho từng vị trí, nhiệm vụ và sắp xếp nhân lực phù hợp; chỗ nào thừa thì cắt bớt, chỗ nào thiếu thì bổ sung. Đằng này chúng ta đã không làm như vậy mà “giảm ngược”

Có một nghịch lý là thời gian qua sau 4 lần sắp xếp tổ chức, tinh giảm biên chế nhưng sau 2-3 năm lại thấy bộ máy tăng gấp đôi (!?). Mỗi đời lãnh đạo lên lại thấy phải thay đổi và bổ sung thêm lực lượng. Nên số người bị thay thì chuyển sang cơ quan khác, còn bổ sung thêm lại là số mới. Và như thế bộ máy phình lên mà không thể kiểm soát”, TS Tri phân tích.

Giảm biên chế - phải hỏi Bộ Nội vụ!

Đưa các ý kiến phản ánh này tới Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga ông cho rằng: "Việc giảm biên chế là trách nhiệm của Bộ Nội vụ".

Còn việc đào tạo tiến sĩ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo quy chế đào tạo tiến sĩ, có quy chế hẳn hoi”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Theo TS Tri gợi ý, có nhiều cách để sử dụng nhân tài khi cần thay vì quy định kéo dài thời gian làm việc đối với những người có học hàm, học vị như hiện nay. Bởi vô hình chung chính sách này đã tạo kẽ hở và sức ép lên chất lượng đội ngũ cán bộ.

“Nếu nhà nước muốn sử dụng nhân tài thực sự thì chỉ cần ký thêm hợp đồng sau khi học đã đến tuổi nghỉ hưu chứ không nên có những cam kết kiểu như có trình độ tiến sĩ là năm năm, phó giáo sư là bảy năm và giáo sư là 10 năm. Như vậy sẽ khó chọn lọc được khi muốn dùng người tài thật sự”, TS Tri thẳng thắn góp ý.

Việc tinh giảm biên chế cần hướng đến mục tiêu nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng của bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Theo các chuyên gia, để đánh giá đúng năng lực của cán bộ, công chức cần có bộ tiêu chí đánh giá khoa học và hợp lý, dựa trên sự đánh giá hiệu quả công việc cụ thể thay vì những tiêu chuẩn có thể “chạy” được.

Theo Bích Ngọc

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM