Tiến sĩ Nhật lương 1 yen ở Việt Nam

08/02/2014 16:04 PM |

Là chuyên gia hàng đầu về an toàn hầm mỏ, song tiến sĩ Isei Takehiro đã đệ đơn tình nguyện sang làm việc tại Việt Nam với mong muốn được góp phần giảm những tai nạn luôn rình rập những người thợ lò

Là chuyên gia hàng đầu tại Nhật Bản và thế giới về an toàn hầm mỏ, song tiến sĩ Isei Takehiro đã đệ đơn tình nguyện sang làm việc tại Việt Nam với mong muốn được góp phần giảm những tai nạn luôn rình rập những người thợ lò. “Chúng tôi thường gọi đùa bác Isei là tiến sĩ Nhật lương 1 yen/năm” - ông Phạm Xuân Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm  An toàn mỏ Việt Nam tại Quảng Ninh - nói.

“Hay ông phải lòng ai đó ở Việt Nam?”

Tiến sĩ Isei là tình nguyện viên cao cấp đầu tiên trong lĩnh vực an toàn mỏ do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phái cử sang Việt Nam. Chương trình này được JICA triển khai thực hiện từ năm 2001, đến nay đã phái cử được hơn 140 tình nguyện viên cao cấp.

Theo đánh giá của JICA, ông là một trong những chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất của Nhật Bản về an toàn mỏ và đã tham gia hàng loạt đề tài nghiên cứu và giảng dạy tại hơn 20 quốc gia về nguyên nhân tai nạn mỏ trong số hơn 40 quốc gia ông tới thăm.

Tiến sĩ Isei nhớ lại duyên nợ đầu tiên đã gắn bó ông với Việt Nam: “Năm 2001, Chính phủ Nhật đề nghị tôi đảm nhận cương vị Cố vấn trưởng Dự án trung tâm quản lý an toàn khí mỏ Việt Nam tại Quảng Ninh và hỗ trợ xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành Phòng Nghiên cứu an toàn mỏ. Tôi đã làm việc tại đây trong 5 năm (2001-2006) và tham gia gây dựng trung tâm từ viên gạch đầu tiên” - tiến sĩ Isei nói.

Theo ông Phạm Xuân Thanh, tiến sĩ Isei là người đầu tiên ở Nhật ký quyết định kiểm định phòng nổ mỏ năm 1966 và cũng là người đầu tiên đặt bút ký vào quyết định này ở VN năm 2001.

Khi kết thúc dự án JICA và trở về Nhật năm 2006, tiến sĩ Isei vẫn thường xuyên tư vấn qua điện thoại và thư điện tử cho những người bạn và đồng nghiệp của ông ở Việt Nam mỗi khi có trục trặc hay tai nạn xảy ra.

Trong suốt những năm sau đó, tiến sĩ Isei thường xuyên tự bỏ tiền vé máy bay sang Việt Nam mỗi năm 2 đến 3 lần để tư vấn về an toàn mỏ và theo dõi sự phát triển của trung tâm. Đến mức, có lúc vợ ông phiền lòng: “Hay ông phải lòng ai đó ở Việt Nam rồi?'' . “Đúng là tôi phải lòng, nhưng mà là phải lòng Việt Nam chứ chẳng có cô nào cả” - ông hóm hỉnh.

Biết JICA bắt đầu chương trình tình nguyện viên cao cấp tại Việt Nam, tiến sĩ Isei đã đề nghị được tham dự. Và cũng trùng hợp khi Trung tâm An toàn khí mỏ tại Quảng Ninh cũng gửi thư mong JICA cử tình nguyện viên giúp trung tâm tăng cường năng lực.

Và JICA một lần nữa đã làm cầu nối đưa tiến sĩ Isei trở lại với “người yêu dấu” Việt Nam. “Chúng tôi thường nói đùa Tiến sĩ nổi tiếng nhất ở Nhật về an toàn hầm mỏ, nhưng lại xin sang Việt Nam làm việc với đồng lương chỉ 1 yen/năm” - ông Thanh nói. 

Người Nhật nói và ghi, người Việt nói... rồi quên

Với vai trò tình nguyện viên cao cấp, tiến sĩ Isei giúp lắp đặt và vận hành phòng thí nghiệm nghiên cứu cháy nổ, củng cố các kỹ thuật phát hiện sớm nguy cơ và phòng, chống cháy nổ tự nhiên, hay còn gọi là than tự cháy tại Trung tâm An toàn mỏ Uông Bí cho các cán bộ công nhân viên tại tâm. Giáo sư cũng tư vấn các phương pháp quản lý an toàn, kỹ thuật tại hiện trường... đề phòng cháy nổ tự nhiên và các tai nạn khác diễn ra tại các hầm khai thác mỏ.

Tiến sĩ Isei cho rằng, kiểm soát an toàn mỏ rất quan trọng và có thể giúp ngăn chặn tai nạn. “Theo nghiên cứu của chúng tôi, tai nạn mỏ hay xảy ra vào sáng thứ hai; vì sau kỳ nghỉ cuối tuần hoặc kỳ nghỉ dài, một số cán bộ đã không tuân thủ kỹ việc kiểm soát an toàn tại một số điểm, dẫn đến dễ xảy ra sai sót. Tai nạn mỏ tại Đồng Mông xảy ra sau khi mỏ than không hoạt động 10 ngày, còn tai nạn mỏ Mạo Khê cũng xảy ra vào 8h sáng thứ hai, sau kỳ nghỉ cuối tuần".

Theo tiến sĩ, mỗi tai nạn đều có lý do rõ ràng. “Điều cần làm là phải ghi lại rõ ràng từng dấu vết và phân tích để có thể ngăn ngừa việc tái lặp. Tôi hy vọng, năng lực phòng, chống nổ mỏ tại Việt Nam sẽ được tăng cường hằng năm và trung tâm sẽ giúp giảm được nhiều tai nạn” - tiến sĩ kỳ vọng. 

Theo ông Phạm Xuân Thanh, người Nhật - mà đơn cử là tiến sĩ Isei - làm việc rất kỷ luật, tỉ mỉ và cẩn thận. Trước khi bắt tay vào triển khai bất cứ công việc gì, tiến sĩ đều lên kế hoạch trước một cách khoa học, có mục đích, nội dung, thời gian cụ thể và dựa vào chương trình đó để thực hiện.

“Tiến sĩ luôn có một quyển sổ. Mỗi lần làm gì, ông đều ghi lại các thông tin, dữ liệu để sau đó có thể tập hợp, so sánh, đối chiếu. Còn người Việt Nam thường ít quan tâm đến việc lưu lại dữ liệu và làm mất đi chính nguồn thông tin của mình” - ông nhận định.

Ông Thanh đánh giá: “Làm với các chuyên gia mới thấy sự hiểu biết của chúng ta còn thấp và hạn chế khiến hoạt động, phân tích đánh giá tình huống không chuẩn, dễ dẫn đến tai nạn”.

Mỗi ngày 10.000 bước, 13 lần leo Yên Tử

“Bác Isei có đến 80% là người Việt Nam rồi?” - ông Thanh cười vui vẻ nhìn vị tiến sĩ Nhật 70 tuổi. Ông kể, tiến sĩ Isei hòa nhập gần như hoàn toàn vào đời sống Việt Nam, món gì cũng thích ăn, món gì cũng thấy ngon - từ trứng vịt lộn, tiết canh, mắm tôm đến món thịt cầy.

Tiến sĩ Isei tâm sự: “Trong số 45 quốc gia mà tôi đã đặt chân đến, có 3 nơi tôi thích nhất. Một là Canada, lãnh thổ nước ngoài đầu tiên tôi tới. Thứ hai là Hungary - nơi tôi đã có thời gian nghiên cứu và giảng dạy về an toàn mỏ trong 5 năm và quốc gia thứ ba là Việt Nam, nơi tôi đã dành đến gần 10 năm trong cuộc đời” - ông nói.

Không chỉ nêu gương về kỷ luật làm việc, tiến sĩ Isei còn khiến cả Trung tâm An toàn mỏ khâm phục về tinh thần thể dục và kỷ luật cá nhân. Cứ đúng 5h sáng, ông thức dậy và xuống sân khu tập thể trung tâm để đi bộ, trong tay cầm theo thiết bị đo nhịp tim và đếm bước chân. Chương trình thể dục buổi sáng của tiến sĩ Isei chỉ dừng lại khi thiết bị kêu bíp bíp báo số bước chân đã đến 10.000 nhịp.

Sân tập thể của Trung tâm An toàn khí mỏ chưa bao giờ vắng tiếng chân khởi động một ngày mới của tiến sĩ Isei, dù ngày đó nắng hay mưa. Lắc đầu thán phục, Phó Giám đốc trung tâm Phạm Xuân Thanh nói: “Tôi chào thua tinh thần thể thao và kỷ luật cá nhân của giáo sư. Đến nhiều thanh niên còn theo không kịp”.

Ông Thanh kể thêm: Ông sinh ra ở đất Phật Yên Tử, song có lẽ cả đời chưa tự trèo được lên đến đỉnh thiền viện Trúc Lâm nổi 2 lần. Nhưng vào dịp Tết âm lịch nào tiến sĩ Isei cũng leo bộ lên đỉnh Yên Tử. “Có năm, tiến sĩ trèo đỉnh Yên Tử đến 4 lần, bởi ông tìm thấy sự thanh tịnh trong tâm hồn. Đó là sự gương mẫu của người thầy” - ông Thanh nhận định.

Tiến sĩ Isei trong một lần lên đất Phật Yên Tử. 

Gia đình tiến sĩ Isei rất hiểu tình yêu Việt Nam và nguyện vọng của ông được cống hiến cho sự an toàn hầm lò tại địa phương. Tiến sĩ Isei hiện còn một người mẹ già 94 tuổi và vợ ông sống tại đảo Kyushu.

Tôi sẽ không thể cống hiến tâm nguyện và kiến thức cho Việt Nam nếu không có sự ủng hộ của vợ tôi. Bà ấy cũng rất yêu Việt Nam và từng sang đây 10 lần. Mẹ tôi cũng đến Việt Nam 3 lần. Cả con trai và con gái tôi cũng rất yêu Việt Nam” - ông kể.  

Tiến sĩ Isei cho rằng Việt Nam vẫn còn giữ nhiều truyền thống tốt. “Ở Nhật, thế hệ trẻ hiện nay không còn giữ sự nhường nhịn, kính trọng với người già. Còn nếu như tôi lên xe buýt ở Việt Nam, một người trẻ tuổi hơn luôn đứng dậy và nhường chỗ cho tôi” - ông so sánh. Tiến sĩ Isei tự hào: Tôi đã đi nhiều nơi, khám phá nhiều phong tục tại Việt Nam từ Bắc đến Nam; có lẽ còn nhiều hơn rất nhiều người Việt Nam đấy – ông khoe.

Có một điều mà ông không hài lòng là vốn tiếng Việt của mình, dù đã ở Việt Nam gần một thập niên. “Chắc do tôi học khi đã già và tiếng Việt phát âm khó quá, nên đến giờ vốn từ của tôi cũng chỉ đủ dùng để đi chợ và mặc cả thôi” - ông cười.


Theo Tô Phương Thủy

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM