"Bi kịch" sinh viên mới ra trường: Trẻ tuổi, có học và… thất nghiệp

24/11/2015 08:10 AM | Nghề nghiệp

Hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng cầm một tấm bằng đại học trong tay là đủ bước qua cánh cửa của mọi công ty. Đó là chuyện của những năm… 1980.

Đầu năm 2015, nước Mỹ đón nhận thêm 2,8 triệu người tham gia vào lực lượng lao động, bao gồm cả những người có bằng đại học, thạc sỹ và tiến sỹ. Tuy nhiên, thống kê tính đến tháng 5/2015 cho thấy vẫn có 13,8% người trong độ tuổi từ 18 - 29 không có việc làm.

Một phụ nữ 25 tuổi có bằng thạc sỹ, đang sống tại Washington đã trả lời phỏng vấn tờ Newsweek rằng cô ấy đang làm bồi bàn trong khi chờ một công việc tốt hơn và phù hợp hơn với khả năng. “Tìm việc thật sự khó. Nhà tuyển dụng không muốn trả nhiều hơn chỉ bởi vì bạn có bằng thạc sỹ. Hiện có quá nhiều người có bằng thạc sỹ rồi”.

Nghiên cứu mới của trung tâm Carnevale cho thấy, tỷ lệ người trẻ tuổi trong độ tuổi từ 21 - 25 có việc làm tại Mỹ giảm từ 84% trong năm 2000 xuống còn 72% trong năm 2012.

Năm ngoái, câu chuyện về chàng sinh viên Eric M.Ruiz không khỏi khiến nhiều người xót xa. Eric tốt nghiệp Đại học bang San Diego vào năm 2010 đúng hạn. Cứ tưởng sẽ bắt đầu được một sự nghiệp sáng giá phía trước trong ngành sale hay quản trị quốc tế. Nhưng cuối cùng anh đã hoàn toàn vỡ mộng.

Eric nhớ lại anh đã hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng cầm một tấm bằng đại học trong tay là đủ bước qua cánh cửa của mọi công ty. Đó là chuyện của những năm… 1980.

Một chàng trai 28 tuổi khác đang chật vật tìm kiếm việc làm (xin được giấu tên) cũng có chia sẻ tương tự. Anh này nói rằng: “Tôi đã nộp đơn xin việc cho khoảng 30 vị trí và chỉ nhận lại được 2 phản hồi. Đa phần là do không đáp ứng được yêu cầu về kinh nghiệm. Vấn đề là, dù hoàn toàn là những công việc đơn giản nhưng đều là những người có kinh nghiệm được tuyển dụng”. Thậm chí, anh này còn nói thêm rằng bạn bè cùng lớp trung bình phải nộp đơn ứng tuyển vào 60 vị trí trước khi tìm được 1 công việc chính thức.

Tại Việt Nam, tình trạng này cũng không khá hơn. Bản tin cập nhật thị trường lao động quý 1/2015 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất vẫn ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, chiếm khoảng 7%.

Như vậy, với quy mô đào tạo đại học tại Việt Nam hiện nay, mỗi năm có 400.000 người nhưng khoảng 170.000 sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học không có việc làm là điều rất đáng suy ngẫm.

Giải pháp là gì?

Trở lại với câu chuyện của Eric kể trên. Trước tình trạng thất nghiệp, Eric đã bắt bản thân tự bồi dưỡng lại kiến thức, thói quen giúp anh có cơ hội vươn tới công việc trong mơ. Ngoài việc lao vào đọc sách, Eric còn không ngần ngại gặp gỡ bạn bè để xin chia sẻ kinh nghiệm xin việc. Kết quả là 3 tháng sau đó, anh đã tìm được việc tại một công ty khởi nghiệp.

Ngoài ra, kỹ năng xin việc cũng cực kỳ quan trọng. Steve Jobs đã từng nhấc điện thoại và gọi trực tiếp cho chủ tịch hãng máy tính HP để xin một số thiết bị còn thiếu cho một phát minh mới của ông. Sau đó, không những nhận được những gì mình cần, Jobs còn nhận được lời mời thực tập ở công ty này những tháng hè.

Nhìn chung, mọi chuyện chỉ là tạm thời. Tình trạng hiện tại dù có tốt hay xấu thế nào cũng không thể kéo dài mãi mãi. Nếu luôn biết cách trau dồi kiến thức cho bản thân, suy nghĩ tích cực và đặc biệt có niềm tin thì chắc chắn cuối cùng bạn cũng gặp hái được thành công.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM