Bất động sản: Tan băng, 'khát' nhân sự
Năm 2015, có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm, trong đó có ngân hàng, tài chính và hoạt động kinh doanh BĐS.
Nội dung nổi bật:
- Bước vào năm 2015, với kế hoạch triển khai hàng loạt dự án, các DN BĐS đã đưa ra kế hoạch tuyển dụng một lượng lớn nhân sự ở hầu hết các bộ phận.
- Trung tâm Dự báo và thông tin thị trường lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) dự báo trong báo cáo về xu hướng việc làm cách đây 4 năm, rằng năm 2015, có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm, trong đó có ngân hàng, tài chính và hoạt động kinh doanh BĐS.
Khác với lĩnh vực tiêu dùng nhanh hay sản xuất với nhu cầu tuyển dụng tương đối ổn định hằng năm, nhân sự trong ngành bất động sản (BĐS) lại chịu cảnh “nóng - lạnh” theo độ lên xuống của thị trường.
Còn nhớ, năm 2006 - 2007, thời điểm BĐS nóng hầm hập, nhân viên kinh doanh của các công ty được thưởng Tết 4 - 5 tháng lương là chuyện bình thường, nhưng giai đoạn ảm đạm, từ 2009 - 2012, việc DN cắt giảm gần 50% để tinh gọn bộ máy, giảm thiểu chi phí điều hành DN cũng không phải là vấn đề to tát.
Thậm chí, một công ty nghiên cứu, tư vấn thị trường nước ngoài có tiếng tại thị trường Việt Nam đã cắt hẳn bộ phận kinh doanh căn hộ. Những công ty trong nước như Bất động sản Phúc Đức, nổi bật một thời tại TP.HCM, nhưng đến năm 2012, khi chúng tôi có dịp gặp lại người sáng lập công ty này thì được biết, DN đã cắt giảm gần như hoàn toàn bộ phận môi giới bán hàng, tinh giảm hơn 50% nhân sự.
Song, sang đầu năm 2014, với sự hồi phục của thị trường BĐS, nhân sự ngành BĐS cũng bắt đầu “có giá” trở lại. Theo Manpower Group, nếu năm 2013, BĐS không nằm trong Top 10 ngành tuyển dụng nhiều nhất thì 5 tháng đầu 2014, BĐS đã vọt lên vị trí thứ 4, chủ yếu rơi vào các vị trí như kinh doanh, marketing online, tư vấn BĐS.
Trong đó, mức lương của nhân viên kinh doanh dao động từ 8 - 15 triệu đồng/người (cộng thêm hoa hồng bán hàng). Mức độ thu hút của lĩnh vực BĐS diễn ra mạnh mẽ vào quý III, IV/2014, đặc biệt là vị trí quản lý cấp trung, cao cấp khi một số ngân hàng hình thành bộ phận đầu tư, xử lý nợ xấu (bất động sản thế chấp); cũng như sự gia nhập thị trường của nhiều quỹ đầu tư ngoại đã săn lùng ráo riết nhân sự có kinh nghiệm quản lý lẫn khả năng tìm kiếm, thương lượng mua bán dự án.
Và chắc chắn thị trường sẽ không quên việc 1 trong 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn của Việt Nam đã “cuỗm” gần hết bộ phận phân tích, tư vấn, kinh doanh tại thị trường TP.HCM của một công ty tư vấn ngoại.
Bước vào năm 2015, với kế hoạch triển khai hàng loạt dự án, các DN BĐS đã đưa ra kế hoạch tuyển dụng một lượng lớn nhân sự ở hầu hết các bộ phận.
Điều này đã được Trung tâm Dự báo và thông tin thị trường lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) dự báo trong báo cáo về xu hướng việc làm cách đây 4 năm, rằng năm 2015, có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm, trong đó có ngân hàng, tài chính và hoạt động kinh doanh BĐS.
Nói về kế hoạch tuyển dụng nhân sự sau Tết, ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Novaland Group, cho biết, hầu như DN nào cũng có kế hoạch tuyển thêm nhân sự cho năm mới để phát triển dự án.
Ngay như Novaland, cuối 2010, có 100 nhân viên, năm 2013, con số này đã tăng lên 400 và cuối 2014 là 1.000. Mức độ tuyển dụng của công ty BĐS này diễn ra liên tục, khoảng 100 người/tháng cho tất cả các bộ phận từ tài chính, đầu tư, kế toán cho đến nhân viên kinh doanh.
Năm 2015 này, với việc triển khai khoảng 17 dự án tại TP.HCM, số lượng nhân viên của Novaland sẽ tăng dự kiến 2.800 người.
Theo ông Huy, hiện nay, hầu như các vị trí đều khó tuyển dụng bởi 2 nguyên nhân, thứ nhất là trong thời gian vừa qua, nhiều DN ngừng xây dựng dự án, Novaland đã “thu nạp” ồ ạt những người có kinh nghiệm trong ngành; hai là các DN BĐS lớn khác cũng tung ra nhiều chính sách để thu hút nhân tài. Nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng không phải lúc nào các DN cũng tuyển được người như ý muốn.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2014, có 4.825 lượt đăng tuyển nhưng chỉ có 803 hồ sơ ứng tuyển. Ngoài ra, BĐS cũng là ngành có mức độ đào thải khắc nghiệt, cụ thể, với những DN lớn, tỷ lệ sa thải người ở khoảng 30%, trong khi những DN cỡ trung khoảng 10%.
Tỷ lệ này không bao gồm bộ phận kinh doanh vì với những DN có quy mô lớn thì sau 2 tháng được tuyển, nếu kết quả kinh doanh không đạt là nhân sự đã phải nói lời “giã từ” DN.
Cũng liên quan hoạt động tuyển nhân sự sau Tết, ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Thăng Long Real tiết lộ, năm 2015, Công ty sẽ triển khai ít nhất 3 dự án lớn ở khu Đông TP nên cần khoảng 100 - 120 người cho các vị trí quản lý cấp cao, giám đốc sàn, phát triển kinh doanh - marketing, nhân viên kinh doanh.
Tuy nhiên, chuyện cạnh tranh nhân sự trong ngành hiện nay diễn ra khá mạnh mẽ, cấp càng cao thì càng khó tuyển dụng. Trong khi đó, việc tuyển nhân viên kinh doanh cũng không hề dễ dàng do các DN lớn tung chiêu “càng quét” nên để có được nhân viên đủ kinh nghiệm, DN cần đáp ứng được chính sách lương, thưởng, hoa hồng tốt và có sản phẩm phù hợp, liên tục tung ra thị trường.
Theo ông Tuấn Anh, đây là hai yếu tố tối quan trọng để kéo nhân viên kinh doanh giỏi.
>> Gói 50.000 tỷ đồng cho bất động sản: Sợ vết xe đổ
Theo HỒNG NGA - NGUYÊN BẢ