"Ngày tàn" của các DN bán buôn điện thoại di động đang đến, tiếp theo sẽ là bán lẻ?
Báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2015 của Công ty Cổ phần Thế Giới Số (DWG) tại đại hội cổ đông dự kiến diễn ra ngày 26/4 sắp tới cho thấy doanh thu năm vừa qua chỉ đạt 4.204 tỉ đồng, bị sụt giảm 14% so với năm 2014.
Nguyên nhân chính là do sụt giảm doanh thu của nhãn hàng Microsoft /Nokia chỉ đạt khoảng 1.572 tỉ đồng, sụt giảm 64% so với cùng kì năm trước. DWG cho biết Microsoft/Nokia đã thay đổi chiến lược kinh doanh chuyển từ phần cứng sang phần mềm nên số lượng máy cung cấp cho thị trường sụt giảm mạnh.
Năm 2016, MWG sẽ mất luôn doanh thu từ mảng phân phối di động cho Nokia, điều này sẽ khiến doanh thu giảm hơn 800 tỉ đồng. Để bù đắp, DWG đề ra chỉ tiêu tăng doanh thu phân phối các dòng điện thoại khác từ mức 655 tỉ đồng lên 2.337 tỉ đồng, tương đương tăng 256%.
DWG đặt ra chỉ tiêu con số kinh doanh này dựa trên nền tảng đã trở thành nhà phân phối chính thức của nhiều hãng điện thoại mới như Obi, Intex, Lenovo và Motorola.
Tuy nhiên, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra những dự báo không lạc quan về chiến lược của DWG. Cụ thể, VDSC chỉ ra thị trường điện thoại di động đang bước vào giai đoạn gần như bão hòa tại khu vực thành thị. Đồng thời, sự lớn mạnh rất nhanh của các nhà bán lẻ điện thoại khiến thị phần của công ty phân phối bị sụt giảm và triển vọng dài hạn của các công ty này cũng bị nhà đầu tư quan ngại nhiều hơn.
VDSC nhận định DWG sẽ tập trung khai thác thị trường mà tại đó các nhà bán lẻ lớn khó có thể khai thác được, tức khu vực vùng xa thành thị (các cửa hàng nhỏ lẻ). Thị phần tiêu thụ sản phẩm điện thoại của phân khúc này hiện đang chiếm 50% thị phần toàn thị trường. Do đó, nếu DGW thành công với chiến lược này, hoạt động kinh doanh của DN vẫn có thể phát triển ổn định trong ngắn hạn nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ chỉ ở mức vừa phải.
Đồng cảnh ngộ với DWG là Petrosetco (PET), theo báo cáo của công ty này thì năm 2015 mảng kinh điện thoại và sản phẩm CNTT gặp nhiều khó khăn, trong đó doanh thu mảng điện thoại giảm đến 291 tỷ đồng so với năm 2014.
Nguyên nhân là do cạnh tranh của thị trường ngày càng quyết liệt khi có nhiều thương hiệu điện thoại gia nhập thị trường Việt Nam, trong đó nhiều hãng trực tiếp bán hàng mà không qua nhà phân phối.
Cùng với đó, Petrosetco cũng “đổ lỗi” cho nhóm chuỗi cửa hàng bán lẻ (mua trực tiếp từ hãng) phát triển rất mạnh trong năm 2015 đã khiến thị phần của các đơn vị phân phối sỉ như công ty bị thu hẹp nhiều.
Chủ tịch HĐQT Petrosetco Phùng Tuấn Hà thừa nhận nếu chạy theo các chuỗi bán lẻ như FPT, Thế Giới Di Động thì PET chắc chắn thua. Năm 2016, mảng bán lẻ của PET vẫn tiếp tục gặp khó khăn, ông Hà cho biết trong thời gian tới sẽ hạn chế bán lẻ máy tính, thiết bị văn phòng mà bán lẻ thứ khác.
"Bán lẻ mô hình, mặt hàng nào chưa có ở Việt Nam thì mới làm được, hoặc ít nhất là phải đi đầu thì mới có khả năng phát triển được. Tuy nhiên, PET vẫn không thể bỏ mảng phân phối các mặt hàng truyền thống vì vẫn đem lại lợi nhuận hàng năm", ông Hà nói.