Ngày đầu năm Mậu Tuất, các doanh nghiệp địa ốc mong điều gì?

17/02/2018 11:14 AM | Kinh doanh

"Cá chép vượt vũ môn hoá rồng" là cụm từ thích hợp nhất để mô tả về những thế lực mới khá im ắng để chuẩn bị nguồn lực trong suốt thời gian qua và bùng nổ trong năm 2018.

Nhân dịp mừng xuân Mậu Tuất 2018, chúng tôi đã xông đất một số doanh nghiệp BĐS tiêu biểu tại thị trường TP.HCM, từ đó hiểu được tâm tư, nguyện vọng cũng như tinh thần chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh mới.

Đến với Tập đoàn Tuần Châu, ông Đào Hồng Tuyển cho biết các báo cáo kinh tế vĩ mô đều cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, trong đó lĩnh vực BĐS vẫn được ưu tiên cao. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã đến tìm hiểu, bắt tay hợp tác với các đối tác trong nước để phát triển các khu đô thi quy mô khá lớn cả về vốn lẫn số lượng căn hộ. Xu thế này vẫn tiếp tục phát triển mạnh từ nay cho đến giai đoạn 2020.

Riêng với thị trường BĐS TP.HCM, nguồn cung thuộc mọi phân khúc vẫn còn thiếu hụt so với nhu cầu mua nhà để ở của người dân trong và ngoài nước. TP.HCM đang thực hiện nhiều quy hoạch liên kết vùng, mở rộng "Vùng đô thị" đến các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, điều này sẽ là đòn bẫy rất to lớn để phát triển nhiều khu đô thị vệ tinh trong tương lai.

Trong đó, khu vực các huyện vùng ven TP.HCM như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm rót vốn để xây dựng các khu đô thị mới theo đúng định hướng quy hoạch mới của thành phố. "Tuy nhiên, vấn đề giải quyết thủ tục pháp lý đầu tư nhanh chóng là điều mà hàng loạt doanh nghiệp đều mong đợi. Bởi chúng ta đã thực hiện công cuộc cải cách hành chính gần 10 năm qua nhưng vẫn còn nhiều "thủ tục con" đang làm doanh nghiệp đánh mất cơ hội thị trường", ông Tuyển nói thêm.

Còn với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, thì một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất với người làm kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực BĐS là giấy phép. Theo ông Quyết, riêng một dự án chẳng hạn như FLC Sầm Sơn đã cần tối thiểu hàng chục giấy phép con. Chưa nói đến việc không ít trong số đó liệu có thực sự hợp lý và cần thiết, nhưng chỉ riêng khối lượng công sức và quỹ thời gian có thể lên tới hàng năm trời để hoàn thành bằng đó thủ tục hành chính, chắc chắn đã đủ sức làm nản lòng cả doanh nghiệp và địa phương đón nhận dự án.

"Trong kinh doanh, thời gian cũng chính là vốn và cơ hội. Điều còn đúng trong năm ngoái, không chắc năm nay còn đúng nữa. Với không ít trường hợp, "vượt rào" trở thành một lựa chọn cực chẳng đã trước những hàng rào tầng tầng lớp lớp, khi mà phía sau mỗi doanh nghiệp và địa phương còn là số phận hàng nghìn người lao động và những người thân của họ", ông Quyết nói.

Bước sang năm 2018, vị này mong rằng trước những động thái cắt bỏ giấy phép con quyết liệt gần đây của Thủ tướng và Chính phủ, như nhiều doanh nhân khác, cá nhân ông rất vui mừng và hy vọng. Mong sao môi trường kinh doanh của chúng ta sẽ ngày càng bớt đi nỗi ám ảnh về những hàng rào được áp đặt bất hợp lý mà muốn đi qua, đôi khi các doanh nghiệp chỉ còn cách "vượt".

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai chia sẻ: "Một giấy phép đầu tư nhiều khi phải mất đến từ 9 tháng đến gần 2 năm mới được cấp đã làm cho nhiều doanh nghiệp mất hết kiên nhẫn chờ đời. Cơ hội thị trường chỉ đến một lần cho bất kỳ ai biết nắm bắt nhưng cứ ngồi chờ đầy đủ các thủ tục pháp lý dự án thì cơ hội đã "vụt qua".

Nói về thị trường địa ốc năm 2018, ông Cường cho biết giao dịch nhà đất sẽ rất nóng trong năm nay, bởi nhiều lý do nhưng quan trọng nhất vẫn là nguồn cung sẽ không nhiều như năm 2017 vì các cơ quan chức năng đang siết lại quá trình cấp phép đầu tư dự án mới. Trong năm nay, những doanh nghiệp nào có quỹ đất sạch, đầy đủ thủ tục sẽ nhanh chóng ra hàng để chiếm thị phần. "Đến giai đoạn 2019-2020, theo tôi thị trường nhà đất sẽ có dấu hiệu chững lại, tốc độ giao dịch sẽ không nóng sốt như năm 2018", vị này đưa ra dự báo.

Còn theo ông Hoàng Đức Khương, Giám đốc Marketing An Gia Investment, cho rằng năm 2018, thị trường nhà ở phân khúc cao cấp sẽ bị chậm lại, tuy nhiên, do nhu cầu thật vẫn còn nên nguồn cung vẫn tăng, những dự án này sẽ nằm ở những vị trí đặc biệt. Dự án chung cư trung bình khá sẽ được các chủ đầu tư ưu ái. Năm 2018, giá sản phẩm phân khúc trung và cao cấp không biến động nhiều, khả năng tăng giá là rất thấp.

"Thị trường BĐS năm 2018 dự báo sẽ tốt hơn năm 2017 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có chính sách. Nghị định liên quan đến vấn đề quy hoạch, dự án mới và đặc biệt là phân khúc từng thị trường BĐS sẽ hợp lý hơn", ông Khương nhấn mạnh.

Ông Phan Công Chánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư Phú Vinh thì cho rằng 2018 sẽ là năm bản lề của thị trường với những cơn sốt cục bộ nhưng giai đoạn 2019, 2020 sẽ lại đi vào trầm lắng và một kịch bản rất dễ xảy ra theo chu kỳ phát triển 7-8 năm 1 lần.

Trong năm qua, tốc độ GDP tăng vượt chỉ tiêu đạt mức 6,8%, vốn FDI thu hút 36 tỷ USD, tín dụng tiêu dùng có một năm đột phá nên bất động sản tiêu dùng (để ở) và bất động sản đầu tư (cho thuê, lãi vốn) vẫn sẽ là hai phân khúc dẫn dắt thị trường trong năm 2018. Bên cạnh nhà ở vừa túi tiền thì bất động sản bán lẻ, văn phòng, đất nền và nhà phố sẽ là 4 phân khúc sôi động nhất theo dự bán của cá nhân tôi.

"Thị trường đang rất nhạy cảm. Nhưng theo những dấu hiện tôi đang quan sát, khả năng những cơn sốt sẽ có thể quay lại vào sau dịp Tết Nguyên đán, tức là khoảng quý 2 của năm 2018", ông Chánh cho biết thêm.

Trong bối cảnh thị trường TP.HCM bội thực nguồn cung nhà ở hạng sang và cao cấp, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp.) khẳng định rằng đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp biết theo đuổi phân khúc nhà ở "vừa túi tiền". Bởi theo ông, trong số hơn 10 triệu dân của TP.HCM thì hàng triệu người thuộc tầng lớp trí thức, cán bộ công chức, người lao động chưa đủ khả năng hiện thực hóa giấc mơ an cư. Phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ tiếp tục "cháy hàng" trong năm 2018 này.

"Trong cộng đồng doanh nghiệp địa ốc, có nhiều người nói tôi may mắn, nhưng câu chuyện 15 năm đưa công ty đi lên thì may mắn không phải yếu tố quyết định, mà bởi chúng tôi biết cách đặt khách hàng lên trên hết. Ai cũng muốn thị trường BĐS phát triển bền vững, vì vậy, sản phẩm của chúng ta phải phù hợp, được khách đầu tư lẫn người mua để ở chấp nhận. Bảo vệ khách hàng chính là để bảo vệ doanh nghiệp - đó phải là phương châm kinh doanh thời đại công nghiệp 4.0", ông Trung, mở đầu câu chuyện về doanh nghiệp của mình như vậy.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng Giám Đốc Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), cũng chia sẻ thêm trong ngày đầu năm mới rằng do nhiều công ty quốc tế vẫn thích văn phòng tại các khu vực trung tâm với chất lượng cao, không chỉ vì thuận tiện mà nó còn phản ánh thương hiêụ doanh nghiệp.

Theo xu thế hội nhập, khu vực trung tâm với các tòa nhà hạng A, chất lượng cao sẽ được nhiều khách thuê quan tâm, đặc biệt là những công ty đa quốc gia. Nguồn cung trong tương lai còn hạn chế, do vậy giá của phân khúc này trong thời gian tới sẽ có xu hướng tăng, nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ ráo riết thâu tóm các dự án cao ốc văn phòng khu trung tâm để tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam.

Theo Đăng Khải

Cùng chuyên mục
XEM