Ngày càng nhiều Gen Z dựa dẫm vào cha mẹ: Được hỗ trợ hơn 35 triệu đồng/tháng, ở chung không cần đóng phí sinh hoạt

08/07/2024 15:13 PM | Kinh doanh

Tỷ lệ những người từ 25 đến 34 tuổi sống cùng cha mẹ đã tăng 87% trong 2 thập kỷ qua.

 Ở tuổi 24, David Nuñez vẫn sống cùng nhà với bố mẹ ở Tampa, Florida, góp phần đẩy tăng hóa đơn điện thoại, thuê bao Netflix và tiền tạp hóa, song không phải trả bất kỳ khoản tiền nào.

Trái ngược với suy nghĩ của một số người, Nuñez không phải là kẻ ăn bám thất nghiệp. Anh chàng vẫn có một công việc toàn thời gian trong ngành tiếp thị, song mức lương hàng năm 33.000 USD hầu như không đủ để chi trả cho giá thuê nhà đang tăng cao phi mã. Anh cho biết một căn hộ một phòng ngủ hiện có giá hơn 2.000 USD/tháng.

“Tôi thật may mắn khi gia đình hiểu rằng đây là thời điểm khá khó khăn”, anh nói.

Thị trường việc làm đang phát triển mạnh mẽ, song nhiều người thuộc thế hệ Z vẫn đang phải dựa vào bố mẹ để trang trải cuộc sống. Một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện vào mùa thu năm ngoái cho thấy chỉ có 16% người từ 18 đến 24 tuổi hoàn toàn độc lập về tài chính.

Trong thập kỷ qua, tỷ lệ phụ huynh hỗ trợ con cái trưởng thành đã tăng gấp đôi, lên khoảng 60% vào năm 2023. Một số phụ huynh cho biết họ đã chi trung bình 1.400 USD/tháng (hơn 35 triệu đồng/tháng) để giúp con cái mua sắm thực phẩm, học phí, v.v.

Chuẩn mực mới khiến các bậc phụ huynh khá bối rối. Trả tiền học phí đại học là một chuyện, song nhiều người không biết đối mặt với tình cảnh của con mình như thế nào. Chúng đều đã lớn nhưng vẫn phải dựa dẫm vào các bậc sinh thành. Đến lúc nào cha mẹ nên cắt viện trợ?

Theo Business Insider, Gen Z đang phải đối mặt với nhiều rào cản tài chính đáng kể.

Một là khoản nợ vay sinh viên. Trong 20 năm qua, khoản nợ trung bình của sinh viên đã tăng gấp đôi, lên hơn 37.000 USD/người. “Ngày càng có nhiều người trẻ tìm kiếm giáo dục đại học”, Monica Kirkpatrick Johnson, giáo sư xã hội học tại Đại học Tiểu bang Washington, cho biết. “Họ ở lại trường lâu hơn, và vì thế, trì hoãn khả năng kiếm tiền của mình”.

Chi phí nhà ở tăng cao là một rào cản khác. Zillow ước tính năm nay, mọi người cần thêm 80% thu nhập để có thể thoải mái mua nhà so với 4 năm trước. Tiền thuê nhà trung bình ở Mỹ đã tăng 60% kể từ năm 2015.

Trong khi đó, tiền lương không theo kịp lạm phát. Nhiều người trẻ tuổi đang tham gia những công việc không cho phép họ tự chủ. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm sự trợ giúp từ bố mẹ.

Theo BI, tỷ lệ những người từ 25 đến 34 tuổi sống cùng cha mẹ ở Mỹ đã tăng 87% trong 2 thập kỷ qua. Những cột mốc khác, chẳng hạn như kết hôn và lập gia đình, đang diễn ra ngày càng muộn hơn.

Ngày càng nhiều Gen Z dựa dẫm vào cha mẹ: Được hỗ trợ hơn 35 triệu đồng/tháng, ở chung không cần đóng phí sinh hoạt- Ảnh 1.

Trong cuốn The Oxford Handbook of Emerging Adulthood, Jeffrey Jensen Arnett, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Clark, định nghĩa tuổi trưởng thành là việc chịu trách nhiệm, đưa ra quyết định và trở nên độc lập về tài chính. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người không đạt được định nghĩa đó ngay cả khi đã gần 30.

Một số phụ huynh vui vẻ trợ cấp cho con. Jo Clark, 50 tuổi, luôn biết rằng mình sẽ tiếp tục chu cấp cho 2 cô con gái sau khi chúng vào học đại học. “Tôi luôn nghĩ rằng sẽ hỗ trợ các con gái của mình bất cứ khi nào có thể”, bà nói.

Cô con gái lớn của Clark, 26 tuổi, đã sống ở nhà một thời gian ngắn. Cô con gái út 24 tuổi cũng quyết định giống chị. Bà Clark không yêu cầu các con phải đóng sinh hoạt phí song chúng vẫn khăng khăng góp 150 bảng Anh/tháng để đỡ mẹ. “Tôi muốn các con có cơ hội để tiết kiệm cho tương lai của mình”, Clark nói. “Mục tiêu của tôi là các con có thể tiết kiệm đủ tiền đặt cọc mua nhà riêng”.

Teresa Bailey, một chiến lược gia tài chính cấp cao tại Waddell & Associates, lập luận rằng cha mẹ thế hệ X là những người đầu tiên thể hiện sự cởi mở trong việc cung cấp tài chính hỗ trợ con. “Thế hệ cha mẹ này đã trải qua năm 2008, 2009, 2010 khi còn khá trẻ và họ thực sự đã trải qua khó khăn về tài chính. Theo nhiều cách, họ muốn mọi thứ trở nên khác biệt đối với con cái họ”.

Ali Lupo, bà mẹ một con đang sống tại phía bắc New York, đồng ý rằng một phần của xu hướng hướng tới sự hỗ trợ nhiều hơn là do sự thay đổi trong phong cách nuôi dạy con cái. “Mỗi thế hệ đều cố gắng cải thiện và làm tốt hơn. Thế hệ ông bà tôi, họ đuổi bọn trẻ ra khỏi nhà vào mùa hè và đưa cho chúng một chiếc bánh sandwich qua cửa. Thế hệ cha mẹ tôi bảo vệ con nhiều hơn”.

Khảo sát của Pew vào mùa thu năm ngoái cho thấy 71% phụ huynh đồng tình rằng thành công và thất bại của con cái phản ánh những điều họ đã làm với tư cách là cha mẹ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một số phụ huynh phải rút tiền tiết kiệm hưu trí để giúp đỡ con.

Chuyên gia lo ngại rằng việc bố mẹ giúp đỡ con cái quá nhiều sẽ khiến chúng trở nên bị phụ thuộc. Báo cáo năm 2019 từ Viện Đô thị phát hiện ra rằng trong một mẫu thanh niên từ 25 đến 34 tuổi trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2005, chỉ có khoảng 68% những người sống với cha mẹ đạt được cuộc sống tự lập một thập kỷ sau đó.

Điều này thôi thúc cặp bố mẹ Cody và Erika Archie có một cách tiếp cận khác.

Cặp đôi người Texas này bắt đầu tính phí thuê nhà của con gái họ là 200 USD/tháng ngay sau khi cô bé tốt nghiệp trung học vào năm 2022. “Không phải là tiền thuê nhà quá cao đến mức cô bé không đủ khả năng chi trả. Chúng tôi muốn con bé có cảm giác khi phải trả tiền sinh hoạt”, Cody Archie cho biết.

India Anderson là một ví dụ khác.

Ngày cô bé tròn 20 tuổi và quyết định chuyển đến sống cùng bạn trai, mẹ đã cắt hầu hết các khoản hỗ trợ tài chính. Là một sinh viên toàn thời gian ở Orlando, Anderson cần tìm cách thanh toán các hóa đơn của mình và vì vậy, bắt đầu kinh doanh dịch vụ tết tóc thuê trong khuôn viên.

Theo: Business Insider

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM