Ngành than vỡ trận, lợi nhuận Vinacomin cắm đầu lao dốc
Tổng công ty Than - Khoáng sản chỉ đạt lợi nhuận 473 tỷ đồng năm 2015, giảm mạnh so với các năm trước. Trong khi đó, ban lãnh đạo công ty hiện nhận lương trên dưới 50 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than. Con số này cao gấp 3 lần lượng than dự kiến cần nhập mà Bộ Công Thương dự báo cho cả năm 2016. Nếu duy trì tốc độ nhập than như hiện tại thì đến cuối năm nay, lượng than nhập về có thể sẽ gấp 4-5 lần dự báo của Bộ.
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là đầu tàu về xuất nhập khẩu than, với doanh thu ổn định 75-80 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, doanh thu không đi kèm với lợi nhuận. Vinacomin năm 2012 lãi gần 2.600 tỷ đồng nhưng đến năm 2014 còn 2.100 tỷ đồng và sang năm 2015 bất ngờ sụt mạnh xuống 473 tỷ đồng.
Sang 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu Vinacomin vẫn ổn định, nhưng lợi nhuận tiếp tục giảm, đạt không tới 200 tỷ đồng, bằng 1/4 so với cùng kỳ.
Trong khi lợi nhuận giảm mạnh, thù lao của ban lãnh đạo Vinacomin vẫn ở mức khá. Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin hiện nhận lương 52,2 triệu đồng/tháng và Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải nhận 50,75 triệu đồng/tháng. Thu nhập các thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc và Kiểm soát viên tại Vinacomin trong khoảng 46-48 triệu đồng/tháng.
Việc nhập khẩu than như ở thời điểm hiện tại là câu chuyện mới. Bởi chỉ vài năm trước, chúng ta vẫn còn dôi dư than để xuất. Giai đoạn 2006-2011 còn là thời điểm "nóng" của việc xuất than, trung bình mỗi năm xuất đi khoảng gần 21 triệu tấn than. Từ vị thế của nhà xuất khẩu "vàng đen" với lượng vài chục tấn than mỗi năm, thì nay chúng ta đã trở thành nhà nhập khẩu với tốc độ tăng đáng ngạc nhiên.
Thực tế thì việc Việt Nam thiếu than không phải là do chúng ta đã khai thác hết. Báo cáo hồi giữa năm của tập đoàn Than khoáng sản (TKV) cho thấy chúng ta tồn kho gần 10 triệu tấn than không bán được. Nguyên nhân là do giá than sản xuất trong nước cao hơn giá than nhập rất nhiều.
Kết quả là tập đoàn than phải nhập than giá rẻ về trộn với than sản xuất để mang đi bán. TKV vừa tồn kho lớn than, vừa trở thành doanh nghiệp phải nhập than nhiều nhất.