Đây có lẽ là dấu chấm hết cho ngành than
Mặc dù hội nghị về môi trường và khí hậu tại Paris mới đây có thể không đem lại nhiều kết quả, nhưng rõ ràng ngành than đang mất dần thị phần trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Hội nghị về môi trường và khí hậu toàn cầu vào đầu tháng 12/2015 với sự tham dự của nguyên thủ 195 quốc gia đã tập trung vào vấn đề cắt giảm khí thải nhà kính và đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu.
Đây có thể là thông tin xấu đối với ngành than khi loại nhiên liệu này tạo ra một lượng lớn khí các bon khi tiêu thụ và được cho là một trong những nguyên nhân chủ chốt cho sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Thậm chí, Liên hiệp quốc (UN) đã kêu gọi các nước ngừng việc sử dụng không hạn chế nhiên liệu than vào năm 2100.
Số liệu của Bernstein cho thấy việc tiêu thụ than đóng góp 90% vào tổng số khí thải do đốt cháy nhiên liệu tại Trung Quốc, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Ấn Độ. Trong đó, Trung Quốc và Mỹ là hai nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới và chiếm gần 50% tổng số khí thải CO2 toàn cầu.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng ngành công nghiệp khai thác than đang gặp nhiều khó khăn bởi áp lực từ những nguồn năng lượng mới cũng như giá dầu ở mức thấp.
Tuy vậy, những nước đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện vấn đề này. Lợi thế giá rẻ vẫn đang khiến than trở thành loại nhiên liệu lý tưởng cho các ngành kinh tế cũng như tiêu dùng ở nhiều nước đang phát triển.
Đồng tình với quan điểm của UN, tổ chức OECD cho rằng các quốc gia nên chi tiêu ít hơn cho nhiên liệu than và chuyển sang những loại năng lượng sạch hơn.
Số liệu của OECD cho thấy thế giới đang chi 600 tỷ USD mỗi năm cho nhiên liệu hóa thạch, bao gồm than, dầu mỏ và khí đốt. Trong đó, riêng các quốc gia phát triển và nền kinh tế mới nổi đã chiếm 200 tỷ USD. Con số 600 tỷ USD trên cao gấp 5 lần số tiền 112 tỷ USD các nước dùng để hỗ trợ phát triển năng lượng sạch.
Ngoài ra, chính sách thuế của nhiều nước cũng đã thất bại trong việc giới hạn sử dụng than. Đây là loại nhiên liệu gây ô nhiễm nhiều nhất nhưng lại được đánh thuế nhẹ nhất so với các nguồn năng lượng khác.
Tổ chức OECD cho biết khoảng 85% lượng than đang sử dụng tại các nước phát triển và mới nổi không bị đánh thuế và mức thuế trung bình hiện nay cho nhiên liệu này là chưa đến 2 Euro cho mỗi tấn CO2 thải ra.
Ngành than suy giảm
Mặc dù hội nghị về môi trường và khí hậu tại Paris mới đây có thể không đem lại nhiều kết quả, nhưng rõ ràng ngành than đang mất dần thị phần trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Goldman Sachs cho biết than hiện chiếm 35% thị phần quốc tế, giảm 9 điểm phần trăm so với năm 2009. Thậm chí, nhiều chuyên gia ước tính tỷ lệ này sẽ giảm xuống 33% vào năm 2018. Tại Mỹ, cổ phiếu của 4 nhà máy than lớn nhất đã mất 90% giá trị từ đầu năm 2015 đến nay.
Nguyên nhân chính là nhiều nhà máy nhiệt điện lâu năm đã phải đóng cửa do các quy định về khí thải ngày càng chặt chẽ hơn, giá dầu xuống thấp và sự gia tăng của những nguồn năng lượng tái sinh. Do đó, nhu cầu về than bắt đầu suy giảm.
Bên cạnh đó, chính phủ Anh cũng tuyên bố kế hoạch đóng cửa toàn bộ nhà máy nhiệt điện vào năm 2025.
Tại thị trường tiêu thụ khoảng 50% số than toàn cầu là Trung Quốc, việc sử dụng loại nhiên liệu ô nhiễm môi trường này đang bị suy giảm đáng kể. Hãng Greenpeace cho biết chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng cải thiện tình hình môi trường thông qua các biện pháp mạnh tay nhằm hạn chế ngành than cũng như các nhà máy nhiệt điện.
Số liệu của Bernstein cũng cho thấy nỗ lực của nước này khi chi 80 tỷ USD cho các dự án năng lượng tái sinh trong năm 2014.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn chưa thể hoàn toàn loại bỏ vai trò to lớn của ngành than trong kinh tế cũng như tiêu dùng.
Trong khi đó, Ấn Độ lại không mấy nhiệt tình với kế hoạch cắt giảm tiêu thụ than khi 70% năng lượng của nước này đến từ nhiệt điện. Chính quyền Mumbai đã tuyên bố rõ rằng họ không đồng ý với kế hoạch cắt giảm sử dụng than của UN.