Ngành dệt may đã chuẩn bị như thế nào trước tác động của các FTA?
Đầu tư phát triển lĩnh vực sợi và dệt nhuộm, đào tạo con người, tổ chức liên kết các doanh nghiệp trong ngành theo chuỗi,... là nhiều việc ngành dệt may đang triển khai nhằm chuẩn bị cho việc thực thi các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đang mong muốn Việt Nam tham gia và ký kết thêm nhiều FTA. Bởi lẽ, FTA là động lực giúp ngành dệt may phát triển hơn nữa.
“Là thành viên WTO, chúng ta có thị trường mang tính toàn cầu. Nhưng một số nước vẫn đặt ra một số dòng thuế đối với sản phẩm dệt may Việt Nam. Nếu có thêm các FTA tốt hơn nữa thì đó là động lực để phát triển ngành dệt may gắn kết giữa phát triển công nghiệp đi đôi với phát triển về thương hiệu” – ông Vũ Đức Giang nói.
Theo ông Giang, trước việc thực hiện các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết, ngành dệt may trong nước đã cùng lúc chuẩn bị 3 điều:
Thứ nhất, triển khai đầu tư phát triển lĩnh vực sợi, dệt nhuộm. Không chỉ có doanh nghiệp trong nước xây dựng nhà máy, doanh nghiệp FDI cũng đã được thu hút tham gia đầu tư vào Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Trong vai trò của mình, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phối hợp với các trường để đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ các nhà quản trị công nghệ trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần.
Thứ ba, xây dựng chuỗi liên kết. Việc xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác 3 bên: doanh nghiệp may, doanh nghiệp sản xuất sợi, doanh nghiệp dệt nhuộm. Việc xây dựng chuỗi giữa các doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. “Nếu chúng ta dùng vải ở trong nước thì sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn so với việc nhập khẩu sản phẩm tương tự từ nước ngoài” – ông Giang lấy ví dụ.
Thực tế, việc thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm của Việt Nam có tính cạnh tranh không cao. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp trong ngành chỉ có quy mô vừa và nhỏ, không có tiềm lực tài chính mạnh.
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 86% vải được nhập khẩu để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Điều này càng cho thấy tính cấp thiết của việc đầu tư công nghệ, liên kết chuỗi để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, số lượng. Từ đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng sản phẩm được sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu.
Chia sẻ về vấn đề liên kết chuỗi, ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng đây là việc bình thường đối với các thành viên trong Tập đoàn. Trong khi nhà cung cấp đi tìm chuỗi để tham gia thì chuỗi liên kết cũng đang tìm kiếm nhà cung cấp để kết nạp.
“Hiện nay chuỗi rất nhiều, nhưng doanh nghiệp có gì để tham gia? Doanh nghiệp luôn luôn phải nghĩ là mình có hàng hóa gì, có đủ sức cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng, giá hay không. Có khả năng chuỗi sẽ từ chối doanh nghiệp bởi mức giá quá cao, sản phẩm không phù hợp. Cho nên, thực ra bây giờ chuỗi đang đi tìm nhà cung cấp và nhà cung cấp đi tìm chuỗi. Đây là hai cái luôn đồng hành với nhau” – ông Hoàng Vệ Dũng nói.