Ngắm cây cầu bằng thép Eiffel hơn 100 tuổi ở Sài Gòn trước ngày "khai tử", kinh phí tháo dỡ tốn 14,8 tỷ đồng
Do người Pháp xây dựng theo dạng dàn thép Eiffel và dàn vòm từ năm 1913, cầu Phú Long đến nay đã hơn 100 năm tuổi nên xuống cấp và phải tháo dỡ. Cầu bắt qua sông Sài Gòn nối TP. HCM với Bình Dương, khi hay tin sắp tháo dỡ cây cầu này, nhiều người cảm thấy tiếc nuối.
Cầu Phú Long bắc qua sông Sài Gòn nối quận 12 (TP. HCM) và thị xã Thuận An (Bình Dương) nên được xem là một trong những tuyến giao thông chủ đạo vì lượng phương tiện xe máy qua lại giữa 2 tỉnh thành rất tấp nập mỗi ngày.
Cây cầu do người Pháp xây dựng từ năm 1913, đến nay có tuổi đời là 106 năm nên gắn bó với nhiều thế hệ người dân hai bên bờ sông Sài Gòn. Mới đây, đơn vị quản lý đã ra thông báo ngày 20/4 sẽ chính thức tháo dỡ cầu này khiến nhiều người dân rất tiếc nuối.
Người dân hai đầu cầu cho biết, theo thời gian cầu cũng đã xuống cấp đôi chỗ nhưng vẫn còn đảm bảo cho người đi bộ, xe đạp và xe máy qua lại đường.
Clip: Ngắm cây cầu bằng thép Eiffel hơn 100 tuổi ở Sài Gòn trước ngày khai tử - TH: Tứ Quý.
Cầu sắt Phú Long nhìn từ trên cao giống cầu sắt Trường Tiền (Huế). Cầu Phú Long có chiều dài 251,71m được làm dạng dàn thép Eiffel và dàn vòm. Phía đằng xa song song với cầu sắt là cầu Phú Long mới đưa vào sử dụng năm 2012.
"Cầu đã cấm ô tô, chỉ còn phương tiện 2 bánh và người đi bộ di chuyển qua lại hàng ngày. Tôi thấy cầu này rất tiện lợi, giải quyết được phần nào kẹt xe, nếu tháo dỡ để di chuyển toàn bộ sang cầu Phú Long mới thì chắc sẽ ùn tắc lắm, đồng thời người dân đi đường vòng cũng rất xa. Cầu tháo dỡ khiến chúng tôi buồn lắm vì gắn bó quá quen thuộc rồi", một người dân ở bên đầu cầu thị xã Thuận An chia sẻ.
Theo người dân tại đây, gầm cầu thấp khiến tàu thuyền qua lại khó khăn nên họ mong muốn được nâng cấp, tu sửa cầu chứ không muốn tháo dỡ.
Người dân cũng chia sẻ thêm, vào những năm 1950 - 1970, cầu bị đánh sập mấy nhịp giữa sông, phải làm lại nhiều lần. Đến sau năm 1980, ngành giao thông cho làm vỉ sắt đổ bê tông lớp mặt nên việc đi lại thuận lợi hơn. Tuy nhiên hiện nay một phần mặt đường bên đầu cầu thuộc quận 12 vẫn còn vỉ sắt.
Kết cấu phần dưới có mố, trụ cầu bằng bê tông cốt thép và trụ chống va.
"Mỗi lần xe máy chạy phát ra tiếng rung lắc rất lớn, như muốn rơi rụng xuống sông. Một số hạng mục sắt cũng gỉ sét hết rồi nên mới rung lắc như vậy. Tháo dỡ cũng tiếc vì chứng nhân lịch sử mà nhưng cầu đã xuống cấp phải chấp nhập bỏ thôi", người dân bên đầu cầu quận 12 cho hay.
Hiện tại cầu Phú Long do Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (thuộc Sở Giao thông vận tải TP. HCM) quản lý.
Theo đơn vị này, sau thời gian dài hoạt động do mặt cầu hẹp, tĩnh không thông thuyền thấp và trong tình trạng xuống cấp nên không đáp ứng được nhu cầu di chuyển của các phương tiện. Cầu Phú Long cũ có thiết kế độ cao 3m so với mặt nước, trong khi theo cấp sông tại vị trí đó thì phải là cao độ 7m nên buộc phải tháo dỡ.
Được biết, cơ quan chức năng TP. HCM và Bình Dương sẽ phối hợp tháo dỡ toàn bộ kết cấu nhịp và các trụ cầu. Tổng kinh phí khi tháo dỡ cầu Phú Long là khoảng 14,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của TP. HCM.
Phương tiện đi lại qua cầu chủ yếu là xe máy..
Cầu có thiết kế độ cao 3m so với mặt nước, trong khi theo cấp sông tại vị trí đó thì phải là cao độ 7m nên buộc phải tháo dỡ để đảm bảo tàu thuyền đi lại an toàn.
Dưới gầm cầu được xây dựng bằng thép rất chắc chắn, không thấy có dấu hiệu gỉ sét.
Cơ quan chức năng thông báo từ ngày 20/4 tới đây sẽ cấm phương tiện để tháo dỡ cầu khiến nhiều người tiếc nuối.
Trước khi tháo dỡ, để đảm bảo an toàn cho người dân cầu được gắn bảng chú ý mặt cầu trơn trượt tại 2 đầu cầu để cảnh báo.
Cấm ô tô và xe 3 bánh nên cơ quan chức năng lắp đặt 2 trụ ở giữa tại hai đầu cầu. Tuy nhiên người đi xe máy chở hàng cồng kềnh lại gặp nhiều khó khăn vì chui không lọt, nguy cơ tai nạn rất cao.
Cầu được thiết kế mái vòm sắt khá đẹp mắt theo kiểu kiến trúc cầu của Pháp.
Trên thành cầu vẫn còn dấu tích năm xây dựng cầu là 1913.
Lượng phương tiện xe máy qua cầu luôn đông đúc và tấp nập hàng ngày nên tháo dỡ sẽ gặp nhiều khó khăn khi di chuyển qua lại hai địa phương của người dân.
Vỉ sắt vẫn còn dùng trên bề mặt, mỗi lần xe máy chạy qua thì phát ra tiếng kêu rung lắc dữ dội.
Do phơi nắng mưa rất lâu nên nhiều sắt thép trên thành cầu đã hư hỏng, gỉ sét, tụ điện để thắp sáng đèn cũng không còn hoạt động.
Điểm tiếp nối giữa hai dầm cầu mặt đường bằng vỉ sắt và bê tông đã gỉ sét, xuống cấp nặng nguy cơ rơi rụng.
Khe giản nhiệt trên cầu nhét đầy đất đá, rác thải, cốt sắt lộ thiên.
Hai bên mố cầu được gia cố thêm 2 thanh sắt trên bệ thành cầu để bảo vệ cầu.
Kết cấu mái vòm thép Eiffel trường tồn theo thời gian hơn 100 năm nhưng vẫn trông rất chắc chắn.