Ngạc nhiên chưa: Những xác ướp cổ nhất thế giới không phải của người Ai Cập

04/05/2019 12:29 PM | Xã hội

Xác ướp tưởng như là một khái niệm đặc quyền của người Ai Cập. Nhưng không, kỹ thuật ướp xác có mặt ở nhiều nền văn hóa khác nữa. Và đặc biệt, những xác ướp cổ nhất thì không phải của Ai Cập.

Chẳng biết từ khi nào mà xác ướp giống như một khái niệm dành riêng cho người Ai Cập vậy. Kim tự tháp và xác ướp Ai Cập, cả hai đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà làm phim và tiểu thuyết gia nhiều năm qua.

Ngạc nhiên chưa: Những xác ướp cổ nhất thế giới không phải của người Ai Cập - Ảnh 1.

Tuy nhiên, kỹ thuật ướp xác đã từng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa trong lịch sử chứ không riêng gì Ai Cập. Mà trên thực tế, những xác ướp cổ xưa nhất thế giới cũng không phải do họ làm ra.

Chúng ta đang nhắc đến người Chinchorro - nền văn hóa từng tồn tại ở Atacama, sa mạc khô hạn nhất thế giới nay thuộc Chile. Họ đã sinh sống ở đây từ 7000 năm TCN, sau đó phát triển kỹ thuật ướp xác vào khoảng năm 5000 TCN.

Ngạc nhiên chưa: Những xác ướp cổ nhất thế giới không phải của người Ai Cập - Ảnh 2.

Xác ướp của người Chinchorro


Hay nói cách khác, họ đã biết ướp xác trước người Ai Cập những 2000 năm. Khác biệt nằm ở chỗ, trong khi người Ai Cập ướp xác để tôn vinh những người có địa vị cao (như pharaoh), thì người Chinchorro tri ân người đã khuất một cách công bằng, bất kể địa vị.

Điều kỳ lạ nằm ở chỗ xác ướp Chinchorro dù cổ xưa như thế lại chưa khi nào được dư luận quan tâm, cũng như nhận được sự bảo vệ của các tổ chức bảo tồn di sản thế giới như UNESCO.

Ngạc nhiên chưa: Những xác ướp cổ nhất thế giới không phải của người Ai Cập - Ảnh 3.

Bảo tàng San Muguel de Azapa


Để giải đáp câu hỏi này, Mark Johanson - phóng viên của CNN đã đến thành phố Arica của Chile, tiến vào thung lũng Azapa và ghé thăm bảo tàng khảo cổ San Miguel de Azapa. Đây là nơi đang cất giữ hơn 300 xác ướp của người Chinchorro, nhưng chỉ trưng bày 10% cho công chúng. Mà họ có muốn bày hơn cũng không được vì diện tích bảo tàng không đủ, cũng như không có cách nào bảo quản những hiện vật vô giá này.

"Đây là bộ sưu tập hết sức linh thiêng, vì hầu hết đều liên quan đến tang lễ thời xưa" - Mariela Santos, nhà bảo tồn học và cũng là người giám sát bảo tàng cho biết.

Đen và đỏ

Kỹ thuật ướp xác của người Chinchorro ban đầu dành cho trẻ sơ sinh và thai nhi (có thể do môi trường sa mạc giàu arsen khiến tỷ lệ sảy thai và tử vong ở trẻ em cao), sau đó mới được áp dụng lên người lớn. Trải qua 4000 năm, người Chinchorro có cả thảy 5 phương pháp ướp xác, nhưng loại phổ biến nhất là xác ướp đen và đỏ.

Ngạc nhiên chưa: Những xác ướp cổ nhất thế giới không phải của người Ai Cập - Ảnh 4.

Kỹ thuật ướp xác ban đầu dành cho trẻ sơ sinh, rồi mới đến người lớn


Trong đó, xác ướp đen liên quan đến việc thi thể người chết bị tách rời hoàn toàn, sau đó xử lý khử trùng rồi ghép lại. Còn xác ướp đỏ là khi thi thể còn nguyên vẹn, chỉ rạch một đường nhỏ để lấy nội tạng, sau đó làm khử trùng và làm khô.

Cả hai loại đều được nhồi cành khô và lau sậy, đội tóc giả và đeo mặt nạ bằng đất sét. Mặt nạ của xác ướp đen được sơn màu bằng mangan, trong khi xác ướp đỏ thì dùng thổ hoàng.

Mọi chuyện sẽ sớm thay đổi

Sau khi ngắm nhìn các xác ướp, Johanson tự hỏi rằng tại sao dù sở hữu cả giá trị lịch sử lẫn văn hóa, vậy mà xác ướp Chinchorro chưa khi nào nhận được sự quan tâm giống với xác ướp Ai Cập? Santos cho biết nguyên nhân có thể là do chính bản thân người Chile cũng không dành cho kho báu của họ một sự quan tâm đúng mực.

Ngạc nhiên chưa: Những xác ướp cổ nhất thế giới không phải của người Ai Cập - Ảnh 5.

Xác ướp trong bảo tàng


Nhưng dù vậy, mọi chuyện cũng dần thay đổi. Santos cho biết chính phủ Chile đã đề đạt với UNESCO để công nhận các di chỉ của người Chinchorro là Di sản Thế giới vào năm 2020. Từ giờ cho đến thời hạn đó, chính quyền địa phương đang rất nỗ lực thúc đẩy du lịch khảo cổ, cũng như trao quyền cho người dân sống gần đó trông coi các khu mộ đầy giá trị này.

Một con đường mới sẽ được mở ra, cho phép du khách đi từ bảo tàng San Miguel de Azapa đến các di tích khảo cổ gần Arica, và tại bãi biển Caleta Camerones cách đó hơn 110km. Ngoài ra, họ cũng đang đề xuất xây dựng một bảo tàng mới để trưng bày thêm 35% số xác ướp trong kho.

Ngạc nhiên chưa: Những xác ướp cổ nhất thế giới không phải của người Ai Cập - Ảnh 6.

Tượng của người Chinchorro xưa kia đang nằm trong sa mạc Atacama


Theo Bernardo Arriaza - chuyên gia khảo cổ học nghiên cứu về xác ướp Chinchorro, ông hy vọng rằng khi người Chile tôn trọng những giá trị văn hóa mình đang sở hữu, cả thế giới cũng sẽ thay đổi theo. Được biết, Arriaza cũng chính là người có vai trò quan trọng trong việc đề đạt các khu di tích này lên UNESCO.

"Chúng tôi muốn chỉ ra rằng nơi đây không chỉ có những bằng chứng cổ xưa nhất về kỹ thuật ướp xác, mà còn là nơi hoang sơ nhất vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay," - Arriaza chia sẻ.

"Họ là những người sớm nhất đến Atacama, và tôi muốn gọi họ là những người tiên phong. Có thể không sở hữu công nghệ tiên tiến đáng nể, nhưng văn hóa tôn vinh người chết của họ thì rất phức tạp."

Nóng bức và khô hạn - yếu tố làm nên những xác ướp cổ xưa nhất

Hơn 1 thế kỷ trước, Max Uhle - nhà khảo cổ học người Đức - là người đầu tiên tìm ra những xác ướp người Chinchorro tại bãi biển cùng tên của Arica (Chile). Và kể từ đó, rất nhiều xác ướp thuộc dạng lâu đời nhất cũng dần lộ diện.

Như El Morro - ngọn đồi phẳng cạnh Arica là nơi tìm ra những xác ướp phức tạp nhất. Hiện tại, 32 xác ướp ở đây đã được chuyển đến bảo quản trong bảo tàng Museo de Sitio Colón. Chính bản thân thành phố Arica cũng nằm trên một khu mộ khổng lồ của người Chinchorro. Tuy vậy, di tích cổ nhất lại thuộc về bãi biển Caleta Camarones, với các bằng chứng ướp xác từ cách đây 7000 năm.

Ngạc nhiên chưa: Những xác ướp cổ nhất thế giới không phải của người Ai Cập - Ảnh 7.

Ngọn đồi nơi tìm ra 32 xác ướp


Bên cạnh Arica, Caleta Camarones cũng là di tích nằm trong danh sách đệ trình lên UNESCO. Các xác ướp ở đây có niên đại từ năm 5000 TCN, được khám phá vào năm 1978. Lý do giúp các xác ướp này tồn tại qua hàng ngàn năm lại không hẳn là nhờ kỹ thuật ướp, mà còn vì môi trường khí hậu.

Ngạc nhiên chưa: Những xác ướp cổ nhất thế giới không phải của người Ai Cập - Ảnh 8.

Atacama là sa mạc khô hạn nhất thế giới. Cộng thêm không khí có lượng muối không nhỏ do nằm sát biển, tất cả tạo thành môi trường tuyệt vời để bảo quản xác ướp. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu có khiến câu chuyện này thay đổi hay không thì hãy còn hạ hồi phân giải.

Như tháng 2/2019, một trận bão (điều rất hiếm gặp) đã quét qua nơi đây và để lộ ra nhiều cổ vật, trong đó có cả xương người. Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết họ chỉ phủ đất lên đó để ngăn những kẻ trộm mộ, chứ không hề hay biết đó là những di sản vô giá của nhân loại.

Ngạc nhiên chưa: Những xác ướp cổ nhất thế giới không phải của người Ai Cập - Ảnh 9.

Trận bão đã hé lộ rất nhiều cổ vật mới, bao gồm cả xương người


Xét cho cùng, các bảo tàng không còn đủ chỗ chứa, di tích thì chưa được UNESCO công nhận, nên việc người dân không hiểu họ đang có thứ gì cũng là điều đã được dự đoán trước.

Theo Johanson, phần lớn các khu vực liên quan đến văn hóa Chinchorro vẫn còn bị chôn vùi dưới cát sa mạc. Điều này có nghĩa rằng nếu như nhận được đầu tư đúng đắn, đây sẽ là nơi mang tiềm năng du lịch khổng lồ, không thua kém gì Ai Cập với những kim tự tháp đâu.


Theo J.D

Cùng chuyên mục
XEM