Nếu nghĩ việc đọc 2 cuốn sách/tuần là bất khả thi, bạn đã nhầm: Tôi đã làm được và thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình mà chẳng tốn chút thời gian
Tôi nhận ra rằng, trước khi có thể xây dựng được tủ sách cho riêng mình, tôi cần phải thiết lập những thói quen đọc sách tốt trước.
Tôi là người rất coi trọng việc đọc sách. Năm 2008, tôi đã đọc được 88 cuốn sách. Năm 2019, con số đó là 77. Việc đọc được hơn 165 cuốn sách chỉ trong vòng 24 tháng đã thay đổi cuộc đời tôi theo rất nhiều hướng khác nhau.
Khi tôi kể với mọi người, họ thường phản ứng kiểu "Chắc hẳn bạn dành mọi thời gian để đọc sách". Đúng là tôi có dành nhiều thời gian để đọc (nếu không thì tôi chẳng thể đọc hơn 75 cuốn sách/năm, nhưng tôi lại không có cảm giác tiêu tốn quá nhiều thời gian nhờ những thói quen bổ ích này.
Đọc sách 10 phút/ngày
Nếu đặt mục tiêu đọc vài tiếng/ngày, bạn sẽ dễ cảm thấy bị choáng ngợp. Do đó, hãy bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ hơn: cam kết đọc 10 phút mỗi ngày. Nếu cảm thấy vô cùng chán nản sau 10 phút, bạn được phép dừng đọc sách - tuy nhiên, điều này là ít có khả năng xảy ra. Sau này, việc thay đổi từ 10 phút lên 1 tiếng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Đọc nhiều cuốn sách một lúc
Tất cả những người yêu sách đều biết, nếu chỉ đọc một cuốn một lần, bạn sẽ nhanh chóng kiệt sức trước khi nhận ra. Con người là những biến số phức tạp - chúng ta chẳng bao giờ có tâm trạng để đọc cùng một loại sách ngày qua ngày. Nếu bắt bản thân đọc một cuốn sách về hóa học mỗi ngày, bạn sẽ dần cảm thấy ghét bản thân mình.
Thay vào đó, hãy đọc nhiều loại sách khác nhau vào bất cứ lúc nào. Chẳng hạn, trong cùng một khoảng thời gian, tôi sẽ đọc 1-2 cuốn sách về phát triển bản thân, 1 cuốn sách về chủ đề văn minh (thần học, kinh tế học, chính trị…), 1 cuốn về tâm lý học và 1 cuốn về lịch sử.
Các thể loại sách mà bạn đang đọc nên được lựa chọn tùy thuộc vào sở thích cá nhân của bạn: Bạn đang thích đọc gì? Bạn muốn đọc thêm những tác phẩm như thế nào? Hãy chọn những cuốn sách đó cho danh sách đọc của mình.
Đừng bắt bản thân đọc những cuốn sách mà bản thân không có hứng thú
Ngày bé, tôi là một đứa trẻ kén ăn, chỉ thích ăn lườn gà và bánh brownie trước khi ăn bữa chính. Do đó, cha mẹ bắt tôi phải ăn một chút đậu trước khi rời khỏi bàn. Tôi đã mè nheo, thậm chí là bật khóc và la hét, nhưng cuối cùng vẫn phải cố ăn một ít. Sau này, khi được quyền tự chọn đồ ăn, tôi đã không động tới chút rau nào nữa, cho mãi tới tận khi quá lo lắng về chế độ ăn uống thiếu vitamin của mình. Chỉ vì bị ép ăn rau hồi bé, tôi đã sinh ra cảm giác ghét bỏ rau, coi đó là một hình phạt với mình.
Việc đọc sách cũng như vậy. Hầu hết trẻ con đều thích đọc sách, cho đến khi chúng bị ép đọc những cuốn mà mình không thích ở trường. Từ một thói quen giải trí, đọc sách biến thành một hình phạt, khiến trẻ ghét bỏ sách đến mức kể cả khi lớn lên cũng không chịu đọc.
Không ai có thể bắt bản thân đọc 75 cuốn sách/năm. Nếu muốn đọc 75 cuốn sách/năm, bạn phải thực sự có hứng thú. Và bạn chỉ có hứng thú nếu tự nguyện đọc thay vì ép buộc bản thân.
Vì thế, nếu cảm thấy cuốn sách đang đọc không còn hấp dẫn nữa, đừng cố ép bản thân phải hoàn thành. Thay vào đó, hãy chọn một cuốn sách khác để đọc.
Đừng lên kế hoạch trước
Một số người thích mua hàng đống sách cùng lúc và nghĩ rằng mình có thể đọc hết tất cả. Họ tự nhủ với bản thân: "Tôi sẽ đọc, rồi tôi sẽ đọc, rồi tôi sẽ đọc...".
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi biết rằng điều đó là bất khả thi. Đôi khi, tôi lên danh sách đọc từ trước nhưng rồi lại nhận ra những cuốn đó không phù hợp với mình bởi nhiều lý do.
Có lúc, sau khi đọc một cuốn sách, tôi cảm thấy đã có đủ kiến thức về chủ đề này và không cần đọc thêm bất cứ thứ gì tương tự.
Có lúc, sau khi đọc một cuốn sách, tôi cảm thấy chủ đề này thật buồn tẻ và muốn đọc một thứ gì đó mới mẻ.
Có lúc, tôi hào hứng với cuốn sách mình vừa đọc đến mức muốn tiếp tục đọc những cuốn sách khác cùng tác giả.
Bạn sẽ không bao giờ đoán được mình muốn đọc gì trong vòng 1-2 tuần tiếp theo. Vì thế, hãy dẹp bỏ danh sách đọc và tập trung xem đâu là cuốn mà mình muốn tìm hiểu nhất trong thời điểm hiện tại. Hãy lựa chọn một vài tựa sách mà bạn có thể sẽ đọc trong tương lai và chỉ đọc nó khi cảm thấy bản thân đã sẵn sàng.
Thay thế một thói quen vô bổ
Sự thật là: Nếu muốn đọc 75 cuốn sách/năm, bạn cần hy sinh một vài thói quen vô bổ.
Lý do duy nhất khiến tôi có thể đọc hơn 75 cuốn sách trong một năm (bên cạnh việc tập thể dục, thiền, đi chơi…) là vì tôi không dùng mạng xã hội, không xem TV, không chơi trò chơi điện tử và mua hàng online thay vì đi ra ngoài. Tôi chẳng bận gì ngoại trừ ngồi nhà và đọc sách.
Tất nhiên, bạn không phải từ bỏ mọi thứ như tôi. Điều tôi muốn nói là: Nếu bạn định đọc hết 75 cuốn sách/năm, nếu muốn thay đổi bản thân bằng những hoạt động có ích, hãy bỏ ngay những thói quen đang khiến bạn lãng phí thời gian.
Lựa chọn khôn ngoan nhất là dùng thời gian lên mạng xã hội để đọc sách. Nếu bạn chuyển ứng dụng mạng xã hội ra khỏi màn hình chờ trên điện thoại, bạn hoàn toàn có thể có thêm 10 phút nữa để đọc sách.
Làm quen với sách điện tử (e-book)
Dù ai cũng thích đọc sách giấy hơn vì bìa đẹp, mùi giấy thơm và cảm giác lật trang, bạn vẫn nên đọc vài cuốn sách điện tử vì nó sẽ giúp bạn hoàn thành mục tiêu 75 cuốn/năm.
Sách điện tử không những rẻ hơn mà còn có kho nội dung rất đa dạng và phong phú. Chưa kể, bạn có thể đọc mọi lúc mọi nơi mà không cần mang theo những cuốn sách dày và nặng.
Không có thói quen nào tự dưng biến bạn thành một người đọc sách chăm chỉ, ngoại trừ chính quyết tâm của bản thân bạn. Kể cả đứa trẻ ở một quốc gia nghèo đói cũng có thể trở thành người đọc giỏi nếu cô bé hoặc cậu bé đủ quyết tâm để thực hiện.
Tuy nhiên, bạn không phải là một đứa trẻ. Bạn là một người trưởng thành được tiếp cận với Internet, vì thế việc xây dựng các thói quen cần thiết để trở thành một người chăm chỉ đọc sách là hoàn toàn dễ dàng.
Bài chia sẻ của Meghan Holstein - nhà văn chuyên viết sách về năng suất làm việc, sức mạnh tinh thần và triết lý cá nhân. Cô cũng là cây bút quen thuộc của Medium, Thought Catalog và Your Tango.
Theo Medium