Nếu muốn thành công, hãy học cách suy nghĩ như Leonardo da Vinci

04/04/2018 19:22 PM | Kinh doanh

Như Leonardo da Vinci đã từng tự nhủ, "Hãy tìm tòi nghiên cứu khoa học của nghệ thuật và nghệ thuật của khoa học. Phát triển hết các giác quan của mình – đặc biệt là học cách nhìn. Và bạn sẽ nhận thấy mọi thứ kết nối với mọi thứ khác..

Aristotle gần như khai sinh ra một nửa các lĩnh vực nghiên cứu trong địa hạt triết học. Galileo vừa là nhà vật lý học vừa là kỹ sư khi ông giúp thúc đẩy cách mạng khoa học. Da Vinci có thể còn nổi tiếng hơn với tư cách một nhà sáng chế so với vai trò họa sĩ nếu những ghi chép của ông được công bố từ khi ông còn sống.

Các nhà thông thái nhìn thế giới rất khác biệt. Họ có những kết nối mà chúng tay hay bỏ qua, và họ có lợi thế là cách nhìn nhận vấn đề cực kỳ đặc biệt.

Trong một thế giới đang ngày càng bị máy móc thống trị, phương thức tư duy này sẽ dần trở nên rất có giá trị.

Sự dư thừa của thực tế

Thực tế được phân loại trong trí óc của chúng ta theo ngôn từ. Đó là cách người ta tạo ra các chuyên ngành. Chúng ta chuyển từ một sự quan sát khái quát qua các giác quan của mình, sau đó chia sự quan sát này thành các lĩnh vực như triết học, tâm lý học, kinh tế, nghệ thuật.

Có thể coi thực tế là thân cây, và các cành cây là các chuyên ngành khác nhau và tiếp đó chúng lại trở thành thân cây của chính mình với các nhánh nhỏ hơn.

Những gì các nhà thông thái nhận ra khi nghiên cứu các chuyên ngành khác nhau là nhiều chuyên ngành có cùng một nền tảng, và nếu nền tảng này được hiểu rõ thì tất cả những gì họ cần làm là áp dụng kiến thức gốc rễ đó vào một ngữ cảnh khác.

Thực tế rất dư thừa, và khi bạn học rộng, điều đó sẽ trở nên ngày càng rõ rệt hơn. Càng tìm tòi khám phá được nhiều, thì bạn càng có thể khai thác sự dư thừa ấy của thực tế.

Nếu muốn thành công, hãy học cách suy nghĩ như Leonardo da Vinci - Ảnh 1.

Tốc độ học hỏi nhanh hơn

Điểm khác biệt lớn giữa phương pháp tiếp cận của một nhà thông thái và một chuyên gia là ở chỗ: chuyên gia chọn một điểm và đào sâu vào điểm đó, trái lại nhà thông thái đi trên một con đường liên tục mở rộng.

Hai yếu tố này không loại trừ lẫn nhau, và sự kết hợp lý tưởng là phương pháp dựa trên sự hiểu sâu về các yếu tố cơ bản của nhiều chuyên ngành, với một hoặc vài lĩnh vực cụ thể trong đó bạn có kiến thức chuyên sâu.

Học hỏi – bản thân nó là một kỹ năng, và khi bạn thực hành kỹ năng này ở nhiều lĩnh vực, bạn sẽ được phân loại hết sức khác biệt so với những người đi sâu vào một lĩnh vực.

Bạn học được cách học hỏi nhờ liên tục thử thách bản thân để nắm bắt các khái niệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy điều này sau đó lại cho phép bạn có chuyên môn ở một lĩnh vực khác nhanh hơn khi bạn đã chọn. Và đây là một lợi thế cực kỳ có giá trị. Nó giải thích được tại sao một số các nhà thông thái có khả năng đóng góp rất lớn ở một lĩnh vực chuyên sâu mặc dù ban đầu họ tập trung vào việc khám phá nhiều lĩnh vực.

Từ trước đến nay, ý tưởng chỉ có một sự nghiệp duy nhất trong suốt cuộc đời là hết sức phổ biến. Tuy nhiên, tương lai có vẻ lại có nhiều thay đổi. Một người có thể sẽ làm các ngành nghề khác biệt nhau rất nhiều. Kể cả không như vậy, chúng ta cũng sẽ thấy có ngày càng nhiều các công việc phân theo dự án, và đòi hỏi các kỹ năng tương tự như nhau.

Trong một thế giới như vậy, khả năng học hỏi của một nhà thông thái chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt.

Nếu muốn thành công, hãy học cách suy nghĩ như Leonardo da Vinci - Ảnh 2.

Kết luận

Dù ở thời điểm nào trong lịch sử loài người, thì hầu hết kiến thức cũng đều được chứa đựng bên ngoài các bộ óc cá nhân. Nó nằm ở các nền văn hóa xuất hiện xung quanh chúng ta.

Một phần quan trọng của nền văn hóa hiện đại là Internet. Nó không chỉ là kho kiến thức đồ sộ, mà còn dễ tiếp cận.

Mặc dù chuyên môn hóa vẫn có chỗ đứng của mình, nhưng ranh giới giữa các phương diện của thực tế đang ngày càng mờ dần, và những ai cảm thấy thoải mái khi nắm bắt sự giao thoa đó sẽ vượt lên trên những người khác.

Như Leonardo da Vinci đã từng tự nhủ, "Hãy tìm tòi nghiên cứu khoa học của nghệ thuật và nghệ thuật của khoa học. Phát triển hết các giác quan của mình – đặc biệt là học cách nhìn. Và bạn sẽ nhận thấy mọi thứ kết nối với mọi thứ khác.

Điều khiến thế giới trở nên thú vị chính là sự tương tác giữa các thực thể và phi thực thể ngay bên trong chúng. Nếu chúng ta cứ ngăn cản những tương tác này bằng cách tạo ra thật nhiều ranh giới, thì chúng ta sẽ tước đoạt đi chính khả năng lĩnh hội của mình."

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM