Nếu kinh tế Mỹ thực sự suy thoái, Trung Quốc sẽ là nguyên nhân chính
Sự hội nhập và đóng góp của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới đã thúc đẩy ba thập kỷ tăng trưởng. Nhưng điều này đã kết thúc.
Tuần trước, đường cong lợi suất đã chính thức hoàn toàn đảo ngược, đồng nghĩa với việc một trong những tín hiệu đáng tin cậy nhất của suy thoái đang phát ra các dấu hiệu cảnh báo.
Đường cong lợi suất đảo ngược thể hiện việc các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ giảm, và điều này thường xảy ra khi nền kinh tế suy yếu, mặc dù so với suy thoái thì nó có độ trễ khoảng 12 – 18 tháng. Dùng quy tắc "ngón tay cái" để tính toán thì một cuộc suy thoái có thể sẽ xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 2 năm 2021. Nhưng thậm chí có thể đường cong lợi suất vẫn có khả năng đưa ra các tín hiệu sai lệch. Bởi vậy, mặc dù đảo ngược đường cong lợi suất không phải là tin tốt, nhưng nó không nên là nguyên nhân cho sự hoảng loạn diện rộng. Hiện tại, dữ liệu kinh tế của Mỹ về doanh số bán lẻ và tình hình thất nghiệp vẫn là những con số khả quan.
Dù sao, một đường cong lợi suất đảo ngược chỉ đơn thuần là một tín hiệu – bản thân nó không gây ra suy thoái, cũng như việc gà trống gáy vào buổi sáng không phải là nguyên nhân mặt trời mọc. Một số ý kiến cho rằng sự đảo ngược có thể là một lời tiên tri tự trở thành hiện thực, gây ra sự bi quan và khiến các công ty cắt giảm chi tiêu, từ đó dẫn đến suy thoái thực sự. Nhưng sự gia tăng bi quan khi đường cong lãi suất đảo ngược trong thời gian ngắn đầu năm nay đã không phá hoại nền kinh tế, và do đó khó có thể thấy một kịch bản khác sẽ diễn ra lần này.
Do đó, nếu một cuộc suy thoái xảy ra, nó có thể sẽ là tổng hợp kết quả của một vài cú sốc khác nhau. Nhưng đó có thể là gì? Theo Paul Krugman, đó có thể là sự tích tụ của các yếu tố như chiến tranh thương mại, sự yếu kém trong thị trường nhà đất, sự chấm dứt gia tăng nhu cầu từ việc cắt giảm thuế, v.v.
Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nhiều yếu tố trong số đó là đặc trưng cho Mỹ. Trong khi đó, mối bận tâm lớn hơn cả là nền kinh tế toàn cầu có vẻ còn yếu hơn cả Trung Quốc và Đức, hai cường quốc về xuất khẩu và là đối tác thương mại lớn của Mỹ dù tốc độ tăng trưởng đang chậm lại rất nhiều.
Tăng trưởng của cả Trung Quốc và Châu Âu đều suy giảm nghiêm trọng (Nguồn: Bloomberg)
Điều này cho thấy rằng nếu một cuộc suy thoái ở xảy ra ở Mỹ, nó sẽ trở thành một phần của suy thoái thế giới. Người Mỹ có xu hướng tin rằng thị trường và sự tiêu dùng của chính họ là động lực của cả sự bùng nổ và suy thoái. Tuy vậy trong khoảng thời gian này, điều đó không còn chính xác nữa.
Thay vào đó, bất kỳ suy thoái đều có thể là do Trung Quốc gây ra. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và điều này dự kiến sẽ tiếp tục trong những năm tới.
Trung Quốc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều hơn bất kỳ Quốc gia nào khác (Nguồn: Bloomberg).
Do đó, một khi Trung Quốc bất ổn, cả thế giới có thể sẽ phải trở mình theo. Từ năm 2010 đến 2017, Trung Quốc đóng góp 31% vào tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu và một số công ty đã đặt mục tiêu về tương lai sẽ có một tỷ người tiêu dùng Trung Quốc mua sản phẩm của họ. Việc Trung Quốc giảm sức mua không chỉ khiến doanh số của các doanh nghiệp ở Mỹ và các nước phát triển khác sụt giảm theo, mà còn khiến các công ty đa quốc gia phải cắt giảm kế hoạch đầu tư.
Có một số yếu tố đang đe dọa sự tăng trưởng của Trung Quốc. Hiển nhiên nhất là cuộc chiến thương mại. Một đến hai đòn trừng phạt thuế quan của Mỹ và sự hạn chế xuất khẩu sang các công ty công nghệ Trung Quốc dường như đã khiến các nhà sản xuất Trung Quốc thận trọng hơn về đầu tư cho tương lai.
Nhưng cũng còn tiềm tàng một số nhân tố dài hạn. Để vượt qua cuộc Đại suy thoái, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm từ sản xuất định hướng xuất khẩu sang bất động sản và cơ sở hạ tầng, và từ các công ty tư nhân sang các doanh nghiệp nhà nước. Điều này có thể dẫn đến tăng trưởng năng suất chậm lại. Trong khi đó, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc hiện đang bị thu hẹp và nguồn cung lao động nông thôn dư thừa nay đã cạn kiệt. Tái cấu trúc lại nền kinh tế nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cắt giảm khí thải nhà kính cũng là nguyên nhân cho sự tăng trưởng chậm lại, ngay cả khi hiệu ứng môi trường dài hạn là xứng đáng để đánh đổi.
Nhưng không chỉ một mình cuộc suy thoái của Trung Quốc sẽ đe dọa nền kinh tế thế giới. Cuộc chiến thương mại, cùng với những căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc dự kiến sẽ khắc sâu thêm rạn nứt giữa Trung Quốc và phần còn lại của nền kinh tế thế giới. Các nhà sản xuất toàn cầu tranh giành nhằm dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam và Bangladesh. Các công ty, của cả Trung Quốc và các Quốc gia khác, đang buộc phải quyết định có nên hợp nhất chuỗi cung ứng của họ bên trong Trung Quốc hay đi đến nơi khác.
Sự chia tách này có thể sẽ kéo dài và gây tốn kém. 30 năm qua đã chứng kiến việc xây dựng một hệ thống thương mại toàn cầu tập trung quanh trục Trung Quốc - Mỹ, và bây giờ cấu trúc đó đang bị phá vỡ. Ngoài chi phí cơ cấu lại chuỗi cung ứng và sự kém hiệu quả kinh tế do tách biệt, các công ty đang phải đối mặt với sự không chắc chắn về nơi họ sẽ có thể tìm nguồn đầu vào và bán sản phẩm của mình.
Bởi vậy, đường cong lợi suất đảo ngược của Mỹ có thể báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc suy thoái kéo dài, khi sự mở rộng toàn cầu có sự tham gia của một Trung Quốc phát triển vượt bậc đã chấm dứt. Điều này sẽ kết hợp với tác động trực tiếp của thuế quan gây tổn hại sâu sắc cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng những ảnh hưởng đó lên phần còn lại của thế giới, và đặc biệt là ở Trung Quốc có thể còn nghiêm trọng hơn. Và trong tất cả các lý do có thể giải thích tại sao một cuộc suy thoái đang diễn ra, đây có thể được coi là điều đáng quan tâm nhất và hợp lý nhất.