Chuyện ít biết về TS Phan Kinh Quốc và quá trình sáng chế viên thuốc Berberin "huyền thoại"

20/08/2019 11:27 AM | Xã hội

Khi đó, ông mới là một dược sĩ trẻ chưa có tên tuổi. Nhưng viên thuốc Berberin của ông được Giáo sư Tôn Thất Tùng trực tiếp dùng và công nhận tác dụng, sau đó giúp dập tắt dịch lỵ ở miền Bắc những năm 70.

Dược sĩ Phan Quốc Kinh, cha đẻ của thuốc Berberin, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nền Y Dược nước nhà đã từ trần vào ngày 16-8. Ông ra đi để lại niềm xót thương cho biết bao thế hệ. "Cho tôi thời gian, tôi sẽ có hàng chục triệu viên thuốc chữa dịch lỵ cho Việt Nam" - gần nửa thế kỷ trước, câu nói của DS Phan Quốc Kinh khiến nhiều người nghi ngờ; nhưng ít lâu sau thuốc Berberin đã được bào chế thành công, GS Tôn Thất Tùng chính là người dùng thử đầu tiên.

Chế thuốc dập dịch trong 3 tháng

Năm 1970, miền Bắc bị "tấn công" bởi dịch kiết lỵ lan rộng trong điều kiện thuốc men thiếu thốn do cấm vận. Năm 1972, dịch lỵ tràn ngập miền Bắc. Bệnh viện Thái Nguyên mỗi ngày có 70 người nhập viện thì 35 người chết. Bộ Y tế đặt ra đầu bài cho các nhà dược học ở khắp nơi nhưng không có thuốc thì giải quyết thế nào?.

Trong cuộc họp, TS Kinh - lúc đó 35 tuổi - đứng lên: "Cho tôi thử, cho tôi thời gian, tôi sẽ có hàng chục triệu viên thuốc chữa dịch lỵ". Câu nói đầy tự tin của nhà nghiên cứu trẻ chưa có tên tuổi khiến nhiều người nghi ngờ, thậm chí cho là gàn dở. Không bận tâm đến sự gièm pha, ông tập trung bào chế thuốc.

 Chuyện ít biết về TS Phan Kinh Quốc và quá trình sáng chế viên thuốc Berberin huyền thoại  - Ảnh 1.

TS Phan Quốc Kinh, người sáng chế ra Berberin.


Thời gian đầu, ông chọn ra 20 cây thuốc từ hàng trăm bài thuốc dân gian có khả năng chống vi sinh vật gây bệnh lỵ để thử tác dụng kháng sinh. Qua kết quả thử nghiệm, TS Kinh xác định một số cây cỏ và hoạt chất có tác dụng chống vi khuẩn và amíp gây lỵ như cây cỏ sữa lá lớn, hoàng liên gai, hoàng bá, hoàng đằng… Ông dùng chúng để bào chế hai loại thuốc là Condanxit và Berberin, chỉ trong vòng 3 tháng sau cuộc họp kể trên. GS Tôn Thất Tùng là một trong những bệnh nhân lỵ đầu tiên dùng thử Berberin.

GS Tùng vốn không chuộng thuốc Nam nhưng khi TS Kinh chế được Berberin, ông đã uống, thấy khỏi hẳn bệnh lỵ nên cũng cho bệnh nhân dùng, kết quả đều rất tốt. GS đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định thuốc hiệu quả, không độc. Sau đó, thuốc được sản xuất hàng loạt.

Có lần, TS Kinh đến một bệnh viện ở Hưng Yên, có gia đình 5 người đứng chờ gặp ông. Họ khóc, nói: "Xung quanh người ta chết vì không được dùng thuốc của ông. Gia đình tôi dùng Beberin nên mới qua được. Trăm lần cảm ơn ông". Theo ước tính của ngành y tế, sự ra đời của viên thuốc này đã tránh cho hàng triệu người khỏi cái chết do bệnh lỵ. Từ đó đến nay, Beberin vẫn có mặt trong tủ thuốc của nhiều gia đình Việt, được sử dụng cả ở Campuchia và một số nước khác.

 Chuyện ít biết về TS Phan Kinh Quốc và quá trình sáng chế viên thuốc Berberin huyền thoại  - Ảnh 2.

Mong ước cao đẹp của nhà khoa học vừa có tài vừa có tâm.


Sau này, khi được tham gia báo cáo về các hợp chất thiên nhiên ở Việt Nam trong hội thảo khoa học tại trường ĐH Hoàng Đế London (trường ĐH cổ nhất nước Anh), TS Phan Quốc Kinh đều không quên nói về việc dập tắt dịch lỵ bằng thuốc Berberin được bào chế từ cây cỏ Việt Nam. Câu chuyện của ông đã làm cả hội nghị đi từ chỗ ngạc nhiên cho đến khó tin bởi chỉ với 1USD lúc bấy giờ có thể mua được 1.000 viên berberin.

Kẻ hậu bối "to gan"

TS Phan Quốc Kinh sinh ở làng quê hiền hòa bên bến Tam Soa (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Tuy có năng khiếu vượt trội về các môn tự nhiên như toán, lý, hóa, nhưng ông cũng rất mê thơ. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ.

Chọn học dược, chàng trai Hà Tĩnh vượt qua thời sinh viên khốn khó bằng nghề cắt tóc, thỉnh thoảng đi dạy thêm. PGS-TS Hà Duy Kế - từng công tác tại Viện Hóa sinh, bạn của TS Kinh từ thời chân ướt chân ráo ra Hà Nội - kể: "Anh Kinh cực kỳ chịu khó trong việc học và vượt qua hoàn cảnh, nghèo nhưng rộng rãi với bạn bè. Tiền kiếm được từ việc cắt tóc thuê ở bến xe Kim Liên, anh chắt chiu từng đồng để giúp người bạn ở cùng mình".

Bận học và kiếm tiền nhưng chàng sinh viên vẫn dành được thời gian luyện ngoại ngữ (ông có thể sử dụng tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh) và nghiên cứu cây thuốc Nam. Sau này, khi đã tốt nghiệp và làm trong ngành dược, trong thời gian sang Liên Xô (cũ) tu nghiệp, ông cũng mang theo củ bình vôi để nghiên cứu và phát hiện ra nhà khoa học Nhật Bản Kondo đã sai khi công bố củ bình vôi có hoạt chất chính là rotundin với cấu trúc hóa học 3 vòng. Theo nghiên cứu của ông, hoạt chất chính của củ bình vôi phải là tetrahydropalmatin với cấu trúc 4 vòng.

Khi về Việt Nam, ông báo cáo kết quả này với Bộ Y tế thì không nhận được sự đồng tình. Họ bảo ông to gan, dám bảo nhà bác học nổi tiếng thế giới sai, rằng kết luận của ông là vớ vẩn, không có căn cứ chứng minh và rất có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.

Không hề lung lay, ông tự tin đáp lại: "Tôi chắn chắn kết quả nghiên cứu của tôi là đúng và sẽ được đăng trên các tờ báo nước ngoài". Quả vậy, ít lâu sau, các báo của Liên Xô đăng thông tin về kết quả nghiên cứu của Phan Quốc Kinh và ngay cả tờ "Các hợp chất thiên nhiên" của Nhật Bản cũng đăng tải.

 Chuyện ít biết về TS Phan Kinh Quốc và quá trình sáng chế viên thuốc Berberin huyền thoại  - Ảnh 3.

TS Phan Quốc Kinh khi sinh thời.


Tinh thần phản biện, không biết "ngợp" trước tên tuổi lớn, dám tin vào phát hiện của mình ngay cả khi đi ngược với niềm tin của đa số… là phẩm chất làm nên nhà khoa học Phan Quốc Kinh và các công trình của ông. Ông đã có nhiều phản biện nổi tiếng về đề tài thuốc prostaglandin từ san hô mềm, về các thuốc cai nghiện ma túy từ dược liệu…

GS-TS Nguyễn Lân Dũng - Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết: "Tôi quen TS-DS Phan Quốc Kinh từ hồi ông còn là sinh viên ở Việt Nam, lúc nào tôi cũng thấy ông trăn trở về cây thuốc Việt Nam. Ông là một người có tài và có tâm, một trong những nhà khoa học tiêu biểu của Việt Nam lấy sự cống hiến làm lẽ sống và niềm vui của mình. Không chấp nhận thói xấu trong khoa học và trong quản lý, TS Kinh có tinh thần đấu tranh rất mạnh để bảo vệ lẽ phải, góp ích cho đời".

Còn GS-TS Trần Mạnh Bình - nguyên giảng viên Đại học Dược Hà Nội thì cho hay: "TS Phan Quốc Kinh đã sống một đời thanh bạch. Tôi biết rằng hồi nghiên cứu thuốc chữa dịch lỵ, anh cần bao nhiêu tiền để nghiên cứu mà nếu đề xuất chắc chắn sẽ được cung ứng ngay, nhưng anh không hề xin một xu nào. Người ta cấp xe cho, anh cũng không nhận mà chỉ gắn bó với chiếc xe đạp đã cũ".

TS-DS Phan Quốc Kinh sinh năm 1937 tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1954, ông học tại khoa Dược, Đại học Y - Dược Hà Nội (tiền thân của Đại học Dược Hà Nội và Đại học Y Hà Nội hiện nay).

Năm 1963, ông đi du học tại Liên Xô. Sau đó 3 năm, khi trở về nước, ông nhận công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Dược Hà Nội.

Ngoài 2 loại thuốc Condanxit và Berberin gắn liền với tên tuổi TS-DS Phan Quốc Kinh, ông còn là tác giả của các đề tài nghiên cứu về sản xuất thuốc ngủ, thuốc an thần, chiết xuất nuciferin từ lá sen, từng báo cáo về các công trình nghiên cứu của mình ở Ba Lan, Mỹ, Anh, Bungari.

TS-DS Phan Quốc Kinh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng về nghiên cứu khoa học năm 1975, đồng giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000 và nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế.

Theo Thế Hưng

Cùng chuyên mục
XEM