Nếu hôm nay phải ngồi viết cáo phó cho mình thì bạn muốn viết gì vào đấy?

28/12/2016 08:15 AM | Kinh tế vĩ mô

Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, thì tôi có làm những điều mà tôi đã muốn làm trong ngày hôm nay?

Cuộc đời này liệu có vô hạn?

Viết cáo phó cho chính mình? Bạn không đọc nhầm đâu! Để tôi đoán xem việc đầu tiên trong ngày của bạn là gì nhé, mở điện thoại và kiểm tra xem trên News Feed có gì mới, bức ảnh vừa đăng lên thêm được bao nhiêu like qua một đêm ngủ dậy?

Một ngày mới bắt đầu và kết thúc quen thuộc như thể cuộc đời này là vô hạn. Bạn, tôi và hàng triệu người đều thế nhưng có những người trân trọng từng khoảnh khắc của ngày mới. Đầu tiên là Steve Jobs. Chắc không cần nói ai cũng biết ông là ai.

"Khi tôi 17 tuổi, tôi đã đọc được một câu trích dẫn: "Nếu bạn sống mỗi ngày như đó là ngày cuối cùng của bạn, một ngày nào đó, điều này chắc chắn sẽ đúng". Nó đã thực sự tạo ấn tượng với tôi, và kể từ đó, 33 năm qua, tôi đã nhìn vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi mình: "Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, thì tôi có làm những điều mà tôi đã muốn làm trong ngày hôm nay?". Và bất cứ khi nào câu trả lời sẽ là: "Không" trong nhiều ngày liên tiếp, tôi biết là tôi cần phải thay đổi nhiều thứ" - Câu hỏi này khiến Steve Jobs sống hết mình vì đam mê và làm được những điều vĩ đại.

Để tôi kể tiếp một cái tên khác lạ hơn: Austin Kleon, một nghệ sĩ đồng thời là tác giả của cuốn sách Show Your Work! (Tên tiếng Việt: Nghệ thuật PR bản thân).

Một trong những chiến thuật lấy sáng tạo làm trọng tâm có phần kì quặc của Kleon là để cho cái chết tạo quan điểm cho sự sống – mỗi buổi sáng, Kleon sẽ bắt đầu ngày mới bằng cách đọc những bài cáo phó trên báo. Một thói quen lạ lùng của Kleon nhưng thực ra đó là một công cụ đặc biệt để có thể giúp anh xác định rõ ưu tiên của một cá nhân là gì. Bằng cách trích lại một quan sát đáng ghi nhận của Maira Kalman rằng "mỗi bài cáo phó sẽ đều nói lên con người đó đã sống cuộc đời cao quý và anh dũng như thế nào", Kleon viết:

"Bài cáo phó giống như những trải nghiệm cận kề cái chết dành cho những kẻ hèn nhát. Đọc nó là một cách giúp tôi có thể nghĩ về cái chết, trong khi vẫn tránh nó thật xa. Cáo phó không thực sự nói về cái chết; chúng nói về cuộc sống… Đọc về những người đã mất và những gì họ đã làm trong đời họ khiến tôi muốn vùng dậy và làm điều gì đó khiến cho cuộc đời tôi đáng quý. Mỗi buổi sáng, nghĩ về cái chết tạo cho tôi động lực để sống."

Hôm nay bạn sẽ viết thêm gì vào cáo phó của mình để khác ngày hôm qua?

Thời gian là tiền bạc

Không chỉ những nghệ sĩ, nhà sáng tạo mới trân trọng thời gian, các nhà kinh tế học cũng thừa nhận điều này. Giả sử bà ngoại bạn vừa trúng số Vietlott, cho bạn 10 tỷ đồng và bạn chưa biết chi tiêu thế nào nên quyết định gửi vào ngân hàng. Dù không phải suy nghĩ gì nhưng một vài tháng sau, bạn sẽ nhận được hơn 10 tỷ đồng. Rõ ràng những gì bạn bỏ ra trong hiện tại phải sinh lời, lớn hơn trong tương lai.

Câu khẩu hiệu "Thời gian là tiền bạc" bắt nguồn từ Benjamin Franklin. Ông là một trong người lập nên nước Mỹ hiện nay, là người duy nhất không phải Tổng thống được xuất hiện trên tờ Đô la Mỹ. Đôi khi, nó được gắn liền với phong cách sống và văn hóa Mỹ. Người Mỹ – ít nhất trong con mắt của người nước ngoài – luôn rất vội vã, cả khi đi làm lẫn khi đi chơi. Khi đi làm, một lượng lớn nguồn lực có thể bị lãng phí, nhiều khi chỉ dưới dạng lãng phí thời gian chứ không phải là lãng phí tiền bạc.

Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là các cuộc họp công ty. Dựa vào tính toán chi phí-giá trị sau đây, chúng ta có thể thấy các cuộc họp đắt đỏ đến nhường nào.

Paul Strassman từng ước tính rằng một cuộc họp nhân viên công ty thường gồm 12 người. Thời gian mà người khởi xướng cuộc họp đầu tư vào tương đương khoảng 4.000 USD. Chi phí cho thời gian tổ chức cuộc họp khoảng 1.000 USD. Tổng thời gian mà những người tham gia bỏ ra trị giá khoảng 7.000 USD. Do đó, tổng chi phí là 13.000 USD, tương đương 55 USD/phút với một cuộc họp kéo dài 1 giờ. Strassman nhấn mạnh, "Một công ty sản xuất sẽ phải tăng doanh thu thêm ít nhất 150.000 USD mới có thể tạo ra đủ biên lợi nhuận gộp nhằm bù đắp những chi phí này." Có bao nhiêu cuộc họp tạo ra giá trị gia tăng bằng với 150.000 USD doanh thu tăng thêm?

Một ví dụ dễ hiểu hơn bạn bỏ ra 100 nghìn đi uống cà phê, tán dóc 1 tiếng đồng hồ. Cùng thời gian đó bạn có thể viết một bài đăng báo có nhuận bút 300 nghìn đồng thì rõ ràng bạn đã mất đi 400 nghìn đồng. Tất nhiên tôi không bảo bạn đóng sập cửa với thế giới này mà hãy cân nhắc tới giá trị thời gian của bạn thay vì để nó trôi qua một cách vô nghĩa.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM