Nếu Donald Trump làm đúng những gì ông cam kết, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ có thể giảm 25% ngay trong năm đầu tiên

10/11/2016 15:29 PM | Xã hội

Nhiều chuyên gia lo ngại quan điểm chỉ trích Trung Quốc và tự do thương mại của ông Trump sẽ đẩy nền kinh tế nhiều nước Châu Á phụ thuộc vào chính quyền Bắc Kinh hơn.

Trong nhiều thập niên qua, nước Mỹ luôn xây dựng các chính sách của mình dựa trên 3 quan điểm chính là mở rộng thương mại cũng như tận dùng sự giàu có mà chúng mang lại, tạo nên các liên minh mạnh mẽ chính thức và phi chính thức trên toàn cầu và thúc đẩy các giá trị dân chủ.

Tuy nhiên, những quan điểm tranh cử của vị tổng thống mới đắc cử Donald Trump dường như sẽ hủy hoại cả 3 nền tảng trên. Hiện chưa rõ yếu tố nào sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng dù ông Trump muốn “khai đao” với yếu tố nào trước thì mối quan hệ thương mại Mỹ-Châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Hiệp định Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có lẽ sẽ được nhiều nhà đầu tư Châu Á quan tâm nhất. Dù hiệp định này gặp nhiều ý kiến trái chiều tại Mỹ nhưng dưới thời tổng thống Obama, thỏa thuận này vẫn được hy vọng sẽ được nghị viện thông qua.

Tuy vậy, mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu ông Trump làm tổng thống bởi vị tỷ phú này có quan điểm bảo hộ người lao động Mỹ và chống tự do thương mại.

Ngay từ khi vận động tranh cử, ông Trump đã chỉ trích việc mở cửa thương mại với Trung Quốc khiến hàng hóa tràn vào Mỹ, gây ảnh hưởng cho các doanh nghiệp cũng như người lao động. Thậm chí vị ứng cử viên mới đắc cử này còn tuyên bố sẽ đánh thuế tới 45% cho các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Những chính sách như vậy sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ cũng như tạo nên các động thái trả đũa từ Châu Á, đồng thời phá hủy hệ thống sản xuất tại khu vực này, vốn đã được tăng cường nhờ tự do thương mại. Ngân hàng CBA dự đoán xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm khoảng 25% trong năm đầu tiên nếu Mỹ áp mức thuế như ông Trump cam kết.


Ông Trump muốn hạn chế hàng Trung Quốc

Ông Trump muốn hạn chế hàng Trung Quốc

Khơi mào chiến tranh kinh tế

Ông Peter Navarro, chuyên gia kinh tế duy nhất trong số các cố vấn của ông Trump (những người còn lại đều là doanh nhân) cho rằng chính Trung Quốc là thủ phạm hủy hoại ngành sản xuất của Mỹ và sự mất cân bằng cán cân thương mại là nguyên nhân chính khiến kinh tế toàn cầu gặp trục trặc. Ông Navarro cũng cho rằng việc nhiều nước kiểm soát và điều chỉnh tỷ giá cũng khiến cho tự do thương mại trở thành yếu tố tiêu cực với kinh tế Mỹ.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Trump đã tuyên bố sẽ rút khỏi các hiệp định khí hậu và môi trường mà Mỹ ký với Trung Quốc, đồng thời giải quyết vấn đề kiểm soát tỷ giá của Trung Quốc. Tuy nhiên, những hứa hẹn trên chỉ có một kết quả duy nhất là ngày càng nhiều tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc chứ hầu như không có hiệu quả gì. Rõ ràng, chính quyền Washington chưa đủ mạnh để buộc chính quyền Bắc Kinh phải thay đổi chính sách tài chính.

Tỷ phú Trump sẽ dọa sẽ đưa vấn đề kiểm soát tỷ giá và thiên vị trong cạnh tranh thương mại lên tòa án tại Mỹ cũng như lên Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) để phân giải. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp kinh tế giữa 2 nước sẽ tốn rất nhiều thời gian.

Không chịu từ bỏ, ông Trump còn định dùng quyền tổng thống để áp đặt thuế đơn phương lên hàng hóa Trung Quốc, nhưng luật pháp chỉ cho ông chủ Nhà Trắng áp tối đa 15% thuế và chỉ trong 150 ngày.

Mặc dù Đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ, nhưng có lẽ Trump vẫn sẽ phải thuyết phục các nghị sĩ của 2 đảng về ý tưởng xây dựng hàng rào thương mại và bảo vệ lợi ích cho người Mỹ.

Trong phiên ngày 9/11, ngay sau khi kết quả ông Trump chiến thắng, thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm 5,3% trong khi các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu trên sàn Thượng Hải ở mức nhiều nhất kể từ tháng 7/2016.

Đồng Nhân dân tệ tại nước ngoài cũng giảm 0,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2016.


Mỹ đã từng có quan điểm khá ôn hòa với Trung Quốc.

Mỹ đã từng có quan điểm khá ôn hòa với Trung Quốc.

Việc nước Mỹ có một nhà lãnh đạo cứng rắn là một thông tin không thực sự tốt với Trung Quốc khi nước này đang gặp phải nhiều vấn đề. Chính quyền Bắc Kinh đang phải đối phó với sự xì hơi của bong bóng bất động sản nhưng cũng phải ngăn chặn tỷ lệ nợ xấu. Ngoài ra, Trung Quốc đang cố gắng tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời gia tăng sự đầu tư hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia vẫn hy vọng ông Trump sẽ hành xử hợp lý hơn khi đã lên làm tổng thống. Ngay sau khi giảnh chiến thắng, tỷ phú Trump đã tuyên bố sẽ cố gắng đoàn kết nước Mỹ cũng như 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác với các quốc gia khác.

Trung Quốc chịu nhiều thiệt hại

Tập đoàn UBS nhận định thị trường 11 nghìn tỷ USD của Trung Quốc sẽ chịu thiệt khi ông chủ Nhà Trắng là một người có quan điểm dân túy hơn người tiền nhiệm. Kinh tế Trung Quốc đã bùng nổ nhờ sự mở rộng của toàn cầu hóa và tự do thương mại nhưng ông Trump lại là người có quan điểm chống lại các điều này.

Có lẽ chính vì nguyên nhân này mà người phát ngôn bộ ngoại gia Trung Quốc, ông Lu Kang nói: “Thương mại giữa 2 nước Trung-Mỹ cũng đem lại lợi ích cho người Mỹ thay vì gây tổn hại cho họ. Cho dù có bất kỳ vấn đề gì giữa 2 quốc gia, chúng tôi vẫn hy vọng mối quan hệ giữa 2 nước sẽ ngày càng thắt chặt.”

Chiến thắng của ông Trump, người có quan điểm dân túy là bằng chứng mới nhất cho chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi trên thế giới. Trước đó là việc người Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Một số chuyên gia nhận định cuộc bầu cử tại Đức và Pháp vào năm 2017 tới đây sẽ tiếp tục chứng kiến chủ nghĩa dân túy bành trướng khi quá trình toàn cầu hóa khiến thu nhập người dân không tăng và làm cạnh tranh thương mại ngày một gay gắt.

Ông David Loevinger, cựu chuyên gia của Bộ tài chính Mỹ nhận định Trung Quốc là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và nước này chắc chắn sẽ chịu thiệt nhiều nhất khi chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi.


Xuất khẩu Trung Quốc sẽ chịu nhiều áp lực

Xuất khẩu Trung Quốc sẽ chịu nhiều áp lực

Ảnh hưởng lan rộng

Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại quan điểm chỉ trích Trung Quốc và tự do thương mại của ông Trump sẽ đẩy nền kinh tế nhiều nước Châu Á phụ thuộc vào chính quyền Bắc Kinh hơn. Việc ông Trump có khả năng rút Mỹ khỏi hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho Trung Quốc khi nước này không là thành viên trong nhóm.

Hãng Daiwa Capital Market nhận định nếu Mỹ chấm dứt hiệp định TPP, kinh tế Trung Quốc sẽ tránh được những tác động tiêu cực từ việc không nằm trong nhóm này.

Trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất siêu 208 tỷ USD sang Mỹ.

Trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc kiểm soát tỷ giá và trợ giúp các tập đoàn thép quốc doanh đẩy thép giá rẻ tràn vào thị trường nước này. Dẫu vậy, ngân hàng DBS Bank nhận định việc chỉ trích Trung Quốc vốn không có gì mới trong các kỳ bầu cử tại Mỹ.

“Rất nhiều ứng cử viên Mỹ chỉ trích Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử của họ nhưng khi đã thắng cử, họ vẫn giao thương bình thường với nước này”, chuyên gia kinh tế Chris Leung của DBS Bank nói.

Mặc dù vậy, cho dù ông Trump có thực hiện lời hưa của mình hay không thì đồng Nhân dân tệ cũng phải chịu áp lực giảm giá rất lớn. Hiện đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 6 năm qua so với đồng USD.

Trong khi đó, hãng Standard Chartered cho rằng áp lực xuất khẩu sẽ khiến chính quyền Bắc Kinh tiếp tục hạ giá Nhân dân tệ nhằm duy trì lợi thế về giá. Như vậy, việc ông Trump thực hiện cam kết tăng thuế với hàng Trung Quốc sẽ khiến cả 2 nước chịu thiệt hại.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM