Nếu cứ phát triển rất nhanh như hiện tại, TMĐT sẽ "giết chết" cửa hàng bán lẻ truyền thống?

23/06/2017 18:03 PM | Kinh doanh

Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Phát triển Kinh doanh kiêm Thương mại Điện tử của FPT Digital Retail khẳng định TMĐT đang là xu hướng phát triển hiện nay, tuy nhiên dù loại hình này có phát triển thế nào, các cửa hàng vật lý vẫn sẽ luôn tồn tại.

Với một nền kinh tế đang phát triển và dân số trên 90 triệu người, Việt Nam đang là vùng đất hứa của ngành hàng bán lẻ, tiêu dùng. Sự phát triển của ngành bán lẻ cùng với thói quen mua sắm thay đổi theo hướng nhanh, gọn đang khiến thương mại điện tử phát triển bùng nổ tại Việt Nam.

Năm 2016, doanh số thương mại điện tử tăng gấp đôi so với trước đó, đe dọa cắt giảm thị phần ngành bán lẻ truyền thống xuống còn 79% trong năm 2017.

Từ quan điểm của một người trong ngành, ông Ngô Quốc Bảo đặt câu hỏi tại hội thảo Forbes Talks tổ chức ngày 22/6 vừa qua: “Nhiều người nhận định khi thương mại điện tử phát triển, đến lúc nào đó sẽ giết chết thương mại truyền thống. Vậy cửa hàng truyền thống sẽ chết hay vẫn tiếp tục tồn tại?”

Trước hết ông Bảo khẳng định thương mại điện tử và hình thức kinh doanh online có vai trò quan trọng trong thời đại hiện nay. Nếu chỉ dựa vào cửa hàng vật lý, các hãng bán lẻ sẽ mất đi một lượng khách hàng tiềm năng, những người được gọi là “thế hệ Gen Z”, sinh từ năm 1990 trở đi. Thế hệ này sinh ra đã có Internet và điện thoại thông minh nên quen với hình thức mua sắm online.

“Nếu chỉ mở cửa hàng vật lý, chúng ta mất đối tượng này đầu tiên”.

Thứ hai, nếu chỉ dựa vào kênh truyền thống, các hãng bán lẻ sẽ thiếu đi hình thức tương tác trực tiếp với khách hàng. Ví dụ, thay vì đến cửa hàng, nhiều khách hàng tìm kiếm thông tin ngay trên Internet, nếu hãng thiếu website về sản phẩm, những người này có thể tìm thông tin đến từ các đối thủ khác trong ngành. Đặc biệt trong trường hợp khiếu nại, nếu không có kênh online, cửa hàng chậm tương tác thì hệ lụy về sau sẽ phiền hà.

Ngoài ra, cửa hàng truyền thống bị giới hạn về mặt không gian địa lý. Nếu không có các kênh bán hàng online, hãng bán lẻ sẽ không thể tiếp cận khách hàng trong phạm vi rộng hơn và xa hơn.

Tuy nhiên, giám đốc FPT Digital Retail khẳng định dù kênh online có phát triển và quan trọng thế nào, các cửa hàng vật lý sẽ vẫn còn tồn tại.

“Giả sử chỉ hướng về thương mại điện tử và không có cửa hàng vật lý, khách hàng khó có thể mua sản phẩm giá trị lớn. Đặc biết với sản phẩm công nghệ, khách hàng thích đến tận nơi trải nghiệm, nếu không có có cửa hàng vật lý thì sao người ta mua hàng?”

Ông Bảo dẫn lại số liệu từ một nghiên cứu gần nhất của IBM cho thấy 67% thế hệ Gen Z của Mỹ vẫn thường mua sắm tại các cửa hàng truyền thống, 31% mua ở tần suất “thỉnh thoảng” nên cộng lại đến 98%, và như vậy cửa hàng bán lẻ thông thường vẫn còn “đất sống”.

Bên cạnh đó, một xu hướng phổ biến là khách hàng sẽ tìm kiếm thông tin trên các kênh online, nhưng đến cửa hàng “offline” để mua sắm sản phẩm. Một số liệu khác cho thấy có 44% khách hàng tìm hiểu sản phẩm online và tiếp tục đặt hàng online, trong khi tỷ lệ khách hàng tìm hiểu sản phẩm online nhưng mua tại các cửa hàng lên tới 51% - cao hơn 17 %.

“Dù cho các kênh online có phát triển thế nào đi nữa, khách hàng có mua qua kênh online hay không nhưng đầu tiên họ sẽ vẫn đến cửa hàng offline để thử”.

Bởi vậy, giám đốc FPT Digital Retail cho rằng các hãng bán lẻ nên phát triển theo hướng đa kênh. Nếu chỉ dựa vào một nền tảng, ví dụ bán hàng tại cửa hàng thực, hay bán hàng online, doanh nghiệp sẽ bị giới hạn, và dễ dẫn đến thất bại.

Tuy nhiên khi phát triển đa kênh, không nên cố gắng hướng khách hàng từ offline thành online, làm giảm lợi ích tổng thể của công ty vì thực tế đã chứng minh “khi mua offline, khách hàng có thể mua thêm nhiều sản phẩm nữa”.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM