Nếu bạn nghĩ TV chỉ để xem "Người phán xử" thì đây là cách thiết bị này giải cứu hàng triệu phụ nữ ở Ấn Độ

29/06/2017 11:39 AM | Xã hội

Chỉ có 10% gia đình Ấn Độ có hai con trai muốn sinh thêm, trong khi có gần 40% gia đình có hai con gái muốn cố thử sinh thêm một "quý tử".

Vấn nạn trọng nam khinh nữ tại Ấn Độ

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ nhảy vọt trên trường quốc tế, quốc gia này vẫn đang oằn mình chịu nhiều đau đớn. Triển vọng sống và tỷ lệ biết đọc biết viết thấp; ô nhiễm, và đặc biệt là văn hóa trọng nam khinh nữ nặng nề. Chỉ có 10% gia đình Ấn Độ có hai con trai muốn sinh thêm, trong khi có gần 40% gia đình có hai con gái muốn cố thử sinh thêm một "quý tử".

Ở Ấn Độ, sinh con gái đồng nghĩa với bố mẹ phải chịu thiệt thòi khi phải lo của hồi môn. Dù đã bị lên án nhưng phong tục này vẫn còn rất phổ biến, thể hiện bằng việc nhà gái phải tặng chú rể và nhà trai tiền mặt, xe cộ hoặc đất đai. Gia đình nhà gái cũng thường bị gắn trách nhiệm lo tiền tổ chức đám cưới.

Các bé gái ở quốc gia này bị phân biệt đối xử đến mức hệ quả là số lượng nam giới hiện nay đã dư thừa chục triệu người. Năm 2009, chính Thủ tướng Modi từng phát động chiến dịch "Save the Daughter, Teach the Daughter" tại bang Haryana, nơi có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao nhất Ấn Độ: 879 nữ trên 1.000 nam. Con số trung bình của quốc gia này là 917/1.000.

Phụ nữ tại Ấn Độ còn phải chịu những tác động gián tiếp như bị cha mẹ bỏ đói hoặc không được chăm sóc y tế, hay có thể là để nhường phần chăm sóc cho anh/em trai); hoặc bị làm hại trực tiếp (bé gái vừa ra đời đã bị bà đỡ hoặc cha mẹ giết ngay), hoặc, ngày càng phổ biến, là phá thai khi biết giới tính của đứa trẻ. Trong những năm gần đây, khi việc nạo phá thai để lựa chọn giới tính đã trở nên phổ biến, tỷ lệ nam nữ ở Ấn Độ - phát triển lệch lạc hơn bao giờ hết.

Một bé gái Ấn Độ sinh ra và lớn lên, rồi hòa nhập vào xã hội cũng chịu nhiều bất công ở hầu hết mọi bước ngoặt của cuộc đời. Cô sẽ kiếm được ít tiền hơn đàn ông, nhận được sự chăm sóc sức khoẻ tồi hơn, ít được học hành hơn và có thể sẽ là đối tượng của nạn bạo hành thường xuyên.

Phụ nữ Ấn Độ cũng phải chịu tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và các nguy cơ bị lây nhiễm bệnh tật qua đường tình dục, trong đó bao gồm cả tỷ lệ bị nhiễm HIV/AIDS cao. Một lý do là hơn 15% bao cao su dành cho đàn ông Ấn Độ có vấn đề về chất lượng.

Theo Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ, khoảng 60% đàn ông Ấn Độ có dương vật quá nhỏ so với bao cao su được sản xuất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đó là kết luận từ một nghiên cứu khoa học sau 2 năm đo đạc và chụp ảnh dương vật của hơn 1.000 đàn ông Ấn Độ. "Bao cao su," như tuyên bố của một nhà nghiên cứu, "không phù hợp với người Ấn Độ".

Chính phủ nước này có nỗ lực giúp đỡ bằng cách bài trừ hủ tục hồi môn nặng nề khi con gái về nhà chồng, cũng như việc lựa chọn sinh con theo ý muốn, nhưng những luật này hầu như bị người dân bỏ qua. Rất nhiều quỹ hỗ trợ dành riêng cho phụ nữ Ấn Độ được thành lập như quỹ Apni Beti, Apna Dhan, một dự án trả tiền cho phụ nữ nông thôn để họ không nạo phá thai nhi có giới tính nữ; một loạt các quỹ tín dụng nhỏ cho phụ nữ vay tiền; và một loạt các chương trình từ thiện do các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế khởi động.

Chính phủ Ấn Độ cũng hứa hẹn sẽ sản xuất những chiếc bao cao su phù hợp hơn với đàn ông Ấn Độ.

Anh hùng giải cứu mang tên ti-vi

Đáng tiếc thay, hầu hết những dự án đó đều rất phức tạp, tốn kém và, tệ hơn hết, chỉ thành công trên danh nghĩa.

Trong khi đó, một kiểu hỗ trợ khác lại có vẻ phát huy tác dụng. Thiết bị này không bị Chính phủ Ấn Độ hay bất cứ tổ chức từ thiện đa quốc gia nào kiểm soát: một phát minh cũ, được gọi là ti-vi.

Mạng lưới truyền hình quốc gia tại Ấn Độ đã có mặt từ nhiều thập kỷ, nhưng đơn giản vì độ phủ sóng kém và các chương trình nghèo nàn nên rất ít người theo dõi truyền hình. Gần đây, nhờ giá thành các trang thiết bị truyền hình và hệ thống phân phối giảm mạnh nên một số lượng lớn người dân Ấn Độ đã được tiếp cận rộng rãi với truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh.

Họ được tiếp xúc với những chương trình trò chơi và các bộ phim truyền hình mới mẻ nhất, các bản tin thời sự và các phóng sự điều tra được phát đi từ các thành phố lớn của Ấn Độ cũng như các kênh nước ngoài. Đối với nhiều người dân Ấn Độ, ti-vi là cánh cửa đầu tiên nhìn ra với thế giới tươi đẹp bên ngoài.

Theo nghiên cứu của 2 nhà kinh tế học người Mỹ, Emily Oster và Robert Jensen bằng cách tìm hiểu sự thay đổi ở các làng khác nhau dựa trên việc làng đó đã có truyền hình cáp để xem hay chưa và thời điểm xuất hiện phương tiện truyền thông này mà họ có thể đưa ra mức độ ảnh hưởng của TV đối với phụ nữ Ấn Độ.

Họ khảo sát số liệu từ một cuộc thăm dò của chính phủ trên 2.700 hộ gia đình, hầu hết đều sống ở nông thôn. Phụ nữ từ 15 tuổi trở lên được hỏi về phong cách sống, sở thích và các mối quan hệ gia đình. Và họ phát hiện ra rằng, những phụ nữ được tiếp cận với truyền hình cáp sớm hơn bộc lộ một thái độ ít khoan dung hơn với hành động bạo hành phụ nữ, thái độ sùng bái con trai giảm đáng kể, và có xu hướng thực hành sự tự chủ của bản thân hơn. TV, theo một cách nào đó đã tiếp sức cho phụ nữ mà bản thân chính phủ cũng không hình dung được khi họ phát triển hệ thống truyền hình.

Oster và Jensen phát hiện ra bằng chứng thuyết phục của sự thay đổi thực sự. Tỷ lệ sinh của những gia đình Ấn Độ có truyền hình cáp thấp hơn so với những gia đình không có phương tiện truyền thông này. (Ở một đất nước như Ấn Độ, tỷ lệ sinh nở thấp hơn thường đồng nghĩa với sự tự chủ hơn cho phụ nữ và hạn chế những nguy cơ về sức khoẻ). Các gia đình có ti-vi có xu hướng cho con đi học lâu hơn, tương ứng với việc các cô bé được coi trọng hơn, hoặc ít nhất là được đối xử bình đẳng hơn. (Điều đặc biệt là tỷ lệ này đối với các cậu bé lại không hề thay đổi).

Rõ ràng là truyền hình cáp đã thực sự truyền thêm sức mạnh cho phụ nữ nông thôn của Ấn Độ, ngay cả ở những nơi mà sự khoan dung đối với nạn bạo hành gia đình vẫn chưa kịp vươn tới.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM