Nền kinh tế Hàn Quốc yếu vì bùng nổ công nghiệp bán dẫn
Ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò động lực cho sự phát triển của kinh tế Hàn Quốc trong năm 2017 nhưng đằng sau nó là hàng loạt khuyến cáo như tạo ra quá ít việc làm và che giấu những yếu điểm trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Lợi nhuận của Samsung Electronics , nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã tăng mạnh do nhu cầu toàn cầu tăng lên. Tính đến tháng 11 vừa qua, xuất khẩu bán dẫn của Hàn Quốc đã tăng tới 56%. Số tiền khổng lồ từ bán chip được Samsung tái đầu tư, bao gồm kế hoạch mở rộng trị giá 19 tỷ USD nhằm gia tăng sản lượng.
Hết năm nay, nền kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng 3%, mức tăng tốt nhất kể từ năm 2014. Tuy nhiên, do việc sản xuất chip được tự động hóa rất cao nên bùng nổ xuất khẩu vẫn chỉ tạo ra được rất ít việc làm. Theo dữ liệu của Ngân hàng Hàn Quốc, trong 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp này chỉ tạo ra 1% số việc làm mới.
“Sự bùng nổ trong ngành công nghiệp bán dẫn kéo theo các hoạt động đầu tư vào các cơ sở sản xuất nhưng không tạo ra nhiều việc làm. Hiệu ứng lan tỏa của ngành công nghiệp này trong hỗ trợ các nhu cầu nội địa và mặt bằng lương là rất yếu”, ông Hong Jun-pyo, thành viên Viện nghiên cứu Hyundai có trụ sở ở Seoul, nhấn mạnh.
Trong khi đó, Viện Phát triển Hàn Quốc cho rằng thực trạng này có ý nghĩa với các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Hàn Quốc. Do không có sự cải thiện rõ rệt trong thị trường lao động cũng như không có áp lực lạm phát mạnh, chưa tới thời điểm để Hàn Quốc chuyển sang các chính sách tiền tệ chặt chẽ. Ngân hàng Hàn Quốc đưa ra chuẩn lãi suất mới vào tháng trước, lần đầu tiên kể từ năm 2011, nhưng khẳng định chính sách vẫn khá thoải mái.
Đắc cử hồi tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết trở thành “Tổng thống của việc làm” đồng thời giúp các hộ gia đình kiếm được nhiều tiền hơn. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc vẫn ở mức thấp, 3,6% vào tháng 10, chính phủ vẫn quan ngại về tình trạng thất nghiệp ở thanh thiếu niên, thiếu việc làm có chất lượng hay mức độ tăng lương yếu.
Hiện tại, nhiều người vẫn lạc quan về triển vọng của ngành bán dẫn trong trung hạn. Viện Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc dự báo ngành này sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu vào năm tới, tương đương 20%.
Dù vậy, một số người lại cho rằng ưu thế của ngành bán dẫn trong nền kinh tế Hàn Quốc gây ra những rủi ro. Jeong Dae-hee, nhà nghiên cứu của Viện Phát triển Hàn Quốc ở Sejong, nhấn mạnh: “Sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào ngành công nghiệp bán dẫn đồng nghĩa với việc nếu giá chip phải đối mặt với sự điều chỉnh thì sẽ không còn ngành công nghiệp nào có thể thay thế nó trong vai trò công cụ thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc”.