Năm ngoái tôi đọc 40 cuốn sách, đây là 9 bài học khởi nghiệp hữu ích nhất mà tôi rút được ra
Seyi Fabode, một blogger có tiếng trên Medium đã đọc 40 cuốn sách trong năm ngoái nhân dịp anh vừa tròn 40 tuổi. Chúng tôi xin lược dịch những bài học chính anh rút ra được từ 40 cuốn sách này. Hy vọng bài viết vừa có thể mang đến những bài học hữu ích cho bạn vừa gợi ý được những cuốn sách đáng đọc.
Về marketing
Trong khi tất cả chúng ta đều muốn sản phẩm hay ý tưởng của mình được lan truyền chóng mặt, điều này không dễ xảy ra. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là có một cách tiếp cận hệ thống hơn với việc lan tỏa ý tưởng.
Đó là những gì Jonah Berger mang đến cho độc giả trong cuốn “Contagious”. Jonah Berger “bày cách” lan truyền thông điệp bằng cách châm ngòi cảm xúc giận dữ hoặc thiện chí. Tôi đã sử dụng cách này trong một vài bài blog của mình và chúng thực sự phát huy tác dụng.
Tôi cũng đọc cuốn “22 Immutable Laws of Marketing” của Al Ries và Jack Trout và “Traction” của Weinberg và Mares để cập nhật thêm kiến thức marketing vào “não bộ” của mình.
Tôi đọc dòng sách fiction (viễn tưởng, tưởng tượng, hư cấu) nhiều chẳng kém gì sách non-fiction (sách về người thật việc thật). Những cuốn sách fiction tuyệt vời có khả năng khai thác và đào sâu nhân vật tuyệt vời. Chúng giúp chúng ta cảm nhận những cảm nhận của nhân vật và thậm chí “sống” trong hành trình của chính họ.
Những cuốn sách đào sâu nhân vật tuyệt vời năm nay tôi đọc là “Say You’re One of Them” của Uwem Akpan và “Swing Time” của Zadie Smith. Khi bạn thực sự hiểu về con người (khách hàng của bạn), bạn sẽ đồng cảm với họ ở mức độ thậm chí làm bạn có thể kể luôn câu truyện của họ (và thực sự đáp ứng được nhu cầu của họ).
Để học cách kể chuyện, tôi cũng đọc cuốn “Writing Fiction for Dummies” của Ingermanson và Economy.
Tôi cũng tìm thấy lớp lang tiếp theo trong việc hiểu và giao tiếp với mọi người ở một cuốn sách không ngờ tới là “30 Million Words” của Dana Suskind. Nó nói về việc phát triển bộ não một em bé thông qua giao tiếp. Nó mang đến một cách tiếp cận để chúng ta, kể cả khi đã tưởng thành, đảm bảo rằng chúng ta nghe nhiều hơn nói bằng cách hỏi đúng câu hỏi. Ai cũng cần điều này.
Tôi cũng đọc lại cuốn sách “And Then There Were None” của Agatha Christie, một trong những cuốn tiểu thuyết viết tốt nhất được hàng triệu người công nhận. Tôi sẽ không nói cốt truyện của cuốn tiểu thuyết này ra đâu, phòng khi bạn chưa đọc nó, nhưng bài học về kinh doanh rút ra ở đây là sự kết hợp của những kế hoạch cụ thể phát triển dựa trên việc hiểu biết tâm lý tự nhiên của con người có kết quả thực sự “sát thủ”.
Tôi đọc thêm cuốn “Tribes” của Seth Godin. Một năm đọc sách về marketing thì không thể nào thiếu sách của ông được rồi!
Về thiết kế
Cuốn “Resonate” của Nancy Duarte là cuốn sách rất hay mang đến một cách nghĩ mới về slide và thuyết trình. Nhìn nhận vấn đề khác đi và truyền đạt thông tin một cách khác biệt và đơn giản hơn khiến thông tin dễ tiếp cận đến số đông độc giả.
Tôi cũng đọc một số cuốn sách khác về thiết kế như “Design Is How It Works” của Jay Greene, “Design: The Definitive Visual History”, “Change by Design” của Tim Brown và “Little Black Book of Design” của Adam Judge.
Về xu hướng
Những gì Robit Bhargava viết trong “Non-Obvious 2016” cũng giống như “dự báo thời tiết” cho những xu hướng kinh doanh trong tương lai vậy. Trong phiên bản 2016, tác giả đã dự đoán chính xác một vài xu hướng góp phần định hình năm 2016.
Ngoài ra, tôi cũng đọc cuốn “Small Data” của Martin Lindstrom. Trong một thế giới đang bị dữ liệu lớn lôi cuốn, Lindstrom cho rằng chúng ta vẫn có thể rút ra những thông tin kinh doanh tuyệt vời bằng cách thực sự hiểu những gì làm từng cá nhân trở nên quan trọng. Sử dụng các ví dụ từ hành trình vòng quanh thế giới của mình, tác giả mô tả công việc nghiên cứu thị trường tuy đơn giản nhưng cực kì tỉ mỉ đã mang lại những thông tin hữu ích tới thế nào.
Tôi cũng đọc thêm về phán đoán xu hướng tương lai trong “Superforecasting” của Philip Tetlock và Dan Gardner và “Visual Intelligence” của Amy Herman.
Về cách tân
Ngành công nghiệp điện – nước đang thay đổi. Trong cuốn “The Grid” Gretchen Bakke đã nêu rõ lịch sử, thực trạng hiện nay và những cơ hội cho các doanh nghiệp bền vững, lợi nhuận cao để thay đổi ngành công nghiệp này.
Tôi cũng đọc lại cuốn “Understanding Today’s Electricity Market” của Shiverley & Ferrare vài lần bởi để thay đổi thì bạn cần thực sự hiểu sâu vấn đề. Bạn cũng nên đọc “'The Colors of Energy” của Kramer. Đây là cuốn sách tập hợp nhiều bài viết của các chuyên gia trong lĩnh vực này có thể giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích. “How Google Works” viết bởi Eric Schmidt cũng là một cuốn sách hay về cách tân.
Về xu hướng
“The Inevitable” của Kevin Kelly mang đến cho người đọc một khung sườn để đánh giá sự phát triển của công nghệ, cả tích cực và tiêu cực. Tác giả nhấn mạnh một trong những việc mà công nghệ sẽ nắm được giá trị khi làm thay con người là làm “bộ lọc” của chính con người. Điều gì sẽ xảy ra khi công nghệ tác động đến chính trị, chủ động lọc tin tức của bạn, bởi nó nghĩ rằng chúng không có giá trị, mặc dù thực tế thì có?
“The Third Wave” của Steve Case, “The Master Algorithm” của Pedro Domingos, “The Shift” của Lynda Gratton và “Big Bang Disruption” của Larry Downes và Paun Nunes cũng mang đến những góc nhìn hay về điều này.
Về cải thiện bản thân
Khi đọc một nửa cuốn “Mastery” do Robert Greene viết, tôi quyết định mình sẽ trở thành một con người viết tốt hơn trong năm nay. Những bài blog của tôi đã đi từ chỉ có vài trăm lượt xem lên tới thu hút được vài trăm nghìn lượt xem và chia sẻ chỉ trong một năm. Còn rất xa và rất lâu nữa tôi mới làm chủ được kĩ năng này nhưng tôi đang học và liên tục cải thiện nhiều nhất có thể từ hành trình này.
Tôi cũng đọc cuốn “The Excellence Habit” của Vlad Zachary. Mặc dù không dựa trên các bằng chứng khoa học, tác giả chia sẻ sự hoàn thiện có thể phát triển như một thói quen và cuối cùng thì thành công sẽ đến dựa trên điều đó. Bạn cũng đừng bỏ qua cuốn “Faster, Higher, Stronger” của Mark McClusky.
Về sự vận hành
“Sprint” của Jake Knapp, “Bend The Curve” của Andrew Razeghi, “Venture Deals” của Brad Feld và Jason Mendelsohn đều là những cuốn sách đã giúp nhiều nhà sáng lập vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của mình. Chúng giúp người đọc cảm nhận được niềm vui của việc vực dậy thành công dự án hay nỗi đau đớn khi phải dừng lại.
Về sự phá vỡ
Đôi sự sự hỗn loạn lại giành chiến thắng. Vì tính chất ngẫu nhiên và thường không thể đoán trước được của chúng, con người luôn cảm thấy hào hứng. Đây là những gì cuốn “Messy” của Tim Harforh nhắc đến. Cuốn sách này nên là một tựa sách gối đầu giường của những ai đang khởi nghiệp.