Nắm giữ kim loại cả thế giới cần: Việt Nam "tất tay" cho siêu dự án bom tấn 4.000 tỉ đồng
Việc đầu tư cho các dự án liên quan đến pin xe điện sẽ mang lại nguồn lợi khổng lồ cho Việt Nam.
Lithium là gì?
Lithium là một kim loại đặc biệt. Không chỉ nhẹ, mềm, lithium còn là một trong những kim loại có điểm nóng chảy thấp nhất và điểm sôi cao. Lithium chỉ chiếm khoảng 0,0007% lớp vỏ Trái Đất, và hầu như chỉ có thể tìm thấy trong các khoáng chất và muối.
Pin lithium-ion là "át chủ bài" trong việc sản xuất các bộ nguồn gọn nhẹ, sạc được dành cho laptop, điện thoại và các dụng cụ kĩ thuật số khác. Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), hơn một nửa nguồn tài nguyên lithium trên trái đất được xác định nằm ở "tam giác lithium" Nam Mỹ, đặc biệt tập trung ở những hồ trên cao và những mỏ muối trắng bạc nằm giữa Chile, Argentina và Bolivia.
Khai thác lithium ở Bolivia.
Riêng Bolivia tuyên bố sở hữu 70% trữ lượng lithium thế giới. Tuy nhiên, các khu mỏ ở sa mạc Atacama của Chile và vùng Hombre Muerto của Argentina mới là những nơi khai thác thuận lợi nhất. Chile là nơi có mỏ lithium lớn nhất nhờ vào đầm muối Salar de Atacama. Trong những thập kỷ gần đây, quốc gia Nam Mỹ này đã cung cấp tới 43% lượng tiêu thụ kim loại lithium cho thế giới.
Pin Lithium ion được sử dụng trong các thiết bị điện tử di động. Ảnh: Getty
Trong năm 2014, Argentina và Chile mỗi nước đã tăng 15% sản lượng lithium mới đáp ứng nhu cầu thế giới đang tăng dần. Kể từ năm 2017, 6 mỏ lithium đã được mở ở Australia và một số mỏ lithium lớn nhất thế giới đang được phát triển để đảm bảo nguồn cung kim loại liên tục trong tương lai.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính nhu cầu toàn cầu về lithium sẽ gấp 42 lần vào năm 2040 so với năm 2020, với giả định mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất tăng dưới 2 độ C. Nhu cầu coban dự kiến tăng 21 lần, trong khi niken là 19 lần.
Giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao được thúc đẩy bởi doanh số bán xe điện tăng mạnh trong nhiều năm trở lại đây.
Theo Công an Nhân dân, Ấn Độ đang đẩy mạnh sản xuất pin lithium bằng cách đầu tư 4 tỷ USD vào 4 nhà máy sản xuất loại kim loại hiếm này. Nhu cầu gia tăng này đã khiến các công ty khai thác mỏ đầu tư mạnh vào các dự án khai thác lithium trên khắp thế giới, với hy vọng tận dụng sự chuyển dịch toàn cầu sang các công nghệ tái tạo.
Đầu tư khai thác và sử dụng lithium tại Việt Nam
Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc đua về năng lượng trong tương lai.
Ở Việt Nam, kết quả điều tra, đánh giá của Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ từ năm 2005 đến năm 2009 phát hiện tài nguyên quặng lithium vùng La Vi, Quảng Ngãi gồm 40 thân quặng, thân khoáng hóa, chủ yếu là loại hình mạch pegmatoit chứa kim loại lithium và thiếc. Kết quả thăm dò tìm kiếm và đánh giá đã xác định, trữ lượng quặng lithium của vùng mỏ La Vi, tỉnh Quảng Ngãi là khoảng 1,0 triệu tấn quặng hay khoảng 10.000 tấn Li2O.
Chiều ngày 12/12 vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Vingroup tổ chức lễ khởi công Nhà máy sản xuất pin VinES tại Khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư 4.000 tỉ đồng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong những thập kỷ tới đây, năng lượng và an ninh năng lượng là then chốt cho mọi chiến lược phát triển. Thách thức lớn nhất không chỉ là sản xuất được năng lượng sạch để phục vụ phát triển bền vững, mà còn phải có khả năng dự trữ, vận chuyển linh hoạt đến tất cả những nơi có nhu cầu.
Theo Tuổi trẻ, nhà máy sản xuất pin VinES sẽ cung cấp pin lithium dành cho các dòng xe ô tô điện và xe buýt điện của VinFast.
Trong giai đoạn 1, nhà máy sẽ được triển khai xây dựng với quy mô 8ha và tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng.
Với mức độ tự động cao trên 80%, đây sẽ là nhà máy sản xuất pin đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam, sử dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, Vingroup cũng đang hợp tác với các đối tác chiến lược là những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ tiên phong để sản xuất pin xe.
Như vậy, có thể tin tưởng rằng Việt Nam đã bắt đầu tham gia cuộc đua công nghệ, tiến tới tận dụng các tiềm năng lớn về khoáng sản trong nước để cạnh tranh với các nước khác trong ngành công nghệ tương lai.