Năm Đinh Dậu, lần đầu tiên con gà của Việt Nam có thể sẽ bước ra thế giới
Kỳ vọng 2017 là năm đầu tiên sản phẩm thịt gà Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường “khó tính” như Nhật Bản, EU...
3 điểm ấn tượng của ngành chăn nuôi gà 2016:
- Thứ nhất: gà lông màu tiếp tục ổn định và phát triển. Tốc độ tăng trưởng của đàn gà vẫn tiếp tục tăng trưởng chưa có dấu hiệu dừng lại, cho thấy đây là xu hướng phát triển trước mắt trong vòng 5-10 năm tới, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa.
- Thứ hai: suốt trong năm 2016 đàn gia cầm hầu như không có dịch bệnh và có thì cũng rất ít, lẻ tẻ chỉ vài vùng và đã được Cục Thú Y dập tắt ngay cho nên đàn gia cầm duy trì phát triển đến khi được thu hoạch.
- Thứ ba: những gien bản địa năm 2016 đã được các địa phương quyết tâm giữ vững và đã biết xây dựng ngay chỉ dẫn địa lý, định dạng vùng sản xuất, thương hiệu gà của địa phương để giữ vững tên tuổi của giống gà. Hiện nay, cơ bản chúng ta đã giữ được, tiêu chuẩn quy chuẩn về giống gà Hồ, gà Mía.
Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của đàn gà trong nước tăng thấp nhất là 4%, cao nhất là 12%/năm và vẫn liên tục tăng, đến nay chưa có dấu hiệu giảm. Việt Nam đang lưu giữ những giống gà bản địa rất giá trị như gà Đông Tảo, gà Hồ, gà Tiên Yên, gà Mía, gà Ri…
Năm 2017, con gà sẽ ra sao?
Năm Đinh Dậu, ngành chăn nuôi vẫn được xác định là sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Nguyên nhân do:
- Tăng trưởng “nóng” năm 2016 sẽ tạo ra một số điểm trễ của sự phát triển trong năm 2017.
- Nếu như trước đây mỗi người Việt Nam ăn khoảng 38kg thịt/năm thì trong những năm gần đây đã ăn khoảng 40-45kg thịt/năm. Năm 2017, mỗi người dân Việt Nam chỉ ăn khoảng 45-47kg thịt /năm. Như vậy một năm Việt Nam chỉ tiêu thụ ở trong nước khoảng 4,5 - 4,8 triệu tấn thịt. Trong khi đó, năng lực sản xuất ngành chăn nuôi đã sản xuất được khoảng 6 triệu tấn. Như vậy, sẽ dẫn đến dư thừa sản phẩm.
- Năm 2017 vẫn có những đánh giá là năm thời tiết có những bất lợi chung cho ngành nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi.
- Năm 2017 hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới do đó những sản phẩm nhập khẩu trong đó có sản phẩm thịt gà của các nước sẽ tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam cũng gây ra những hiệu ứng về mặt thị trường. Do đó giá cả trong nước chúng ta sẽ phải chấp thuận theo hướng chung của thị trường trong nước và các nước trên thế giới.
- Ngành chăn nuôi đang cần rất nhiều vốn nhưng việc hỗ trợ vốn cho chăn nuôi thì vẫn ở mức rất thấp.
Nhiệm vụ và triển vọng ngành gà 2017:
- Giữ ổn định cơ cấu khoảng 60-65% tỷ lệ gà lông màu. Trong đó, có các giống lông màu chủ lực sản xuất trong nước, cũng như nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước với thị hiếu của người dân Việt.
- Tìm cách giảm giá thành sản phẩm.
Nếu sản xuất theo chuỗi, thịt gà trắng công nghiệp hiện nay có giá khoảng 22.000 đồng/kg, nếu tiếp tục cải tiến một bước sâu hơn nữa giá có thể xuống 20.000 đồng/kg thì Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu.
Hiện nay, thịt gà hơi ở đại đa số các trang trại nuôi có giá bình quân từ 26.000-26.500 đồng/kg ở phân khúc trung bình cao, do đó cần tiếp tục tìm mọi cách để giảm giá.
- Kỳ vọng 2017 là năm đầu tiên sản phẩm thịt gà Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường “khó tính” như Nhật Bản, EU...