Ai cũng muốn Việt Nam sạch đẹp, nhưng chúng ta đã sẵn sàng trả tối đa 8.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng?

24/01/2017 10:08 AM | Kinh tế vĩ mô

Cần thận trọng và cân nhắc kỹ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, để làm sao tạo được sự đồng thuận trong xã hội", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định.

Vừa qua Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó mặt hàng xăng dự kiến sẽ chịu thuế bảo vệ môi trường trong khung 3.000-8.000 đồng/lít. Dầu diezel cũng dự kiến tăng lên 1.500-4.000 đồng/lít.

Nếu dự thảo được thông qua, giá xăng có thể sẽ tăng chóng mặt trong năm 2017. Liệu người dân cũng như doanh nghiệp đã sẵn sàng cho thay đổi lớn này?

Chuyên gia Ngô Trí Long đã có bài viết bàn chia sẻ quan điểm của mình về dự thảo này.

“Năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật thuế bảo vệ môi trường và có hiệu lực từ ngày 1/1/2012, theo đó xăng dầu chính thức thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng từ năm 2012 với xăng là 1.000 đồng/lít; dầu diesel 500 đồng/lít…

Năm 2015, trước khi trình Thường vụ Quốc hội đề nghị thông qua việc tăng thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho rằng sẽ không làm tăng giá xăng dầu do thuế nhập khẩu giảm.

Ngày 1/5/2015, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu tăng tới 300%. Cụ thể xăng tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, còn dầu diesel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít…Sau khi tăng thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu lập tức đã tăng.

Tháng 2/2016, Bộ Tài chính đã có dự kiến nghiên cứu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên “kịch khung” là 4.000 đồng/lít do giá dầu thô giảm mạnh gây áp lực thu ngân sách. Còn dầu diesel được tính toán tăng 500 đồng thuế môi trường.

Vừa qua Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó mặt hàng xăng dự kiến sẽ chịu thuế bảo vệ môi trường trong khung 3.000-8.000 đồng/lít. Dầu diezel cũng dự kiến tăng lên 1.500-4.000 đồng/lít.

Dự thảo Luật này dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2017, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 8/2017, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2017.

Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã gần sát mức trần trong khung thuế, nên dư địa để điều chỉnh mức thuế còn lại là quá ít, khó phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; hơn nữa thuế nhập khẩu xăng ở một số thị trường đã giảm xuống còn 10%. Đến năm 2024 giảm xuống 0% và đề xuất này không có tác động tiêu cực.


Chuyên gia Ngô Trí Long.

Chuyên gia Ngô Trí Long.

Thuế là một trong những công cụ quan trọng để huy động nguồn lực bảo vệ môi trường. Hiện các nước đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chưa phải là quá nhiều, nếu có đánh thì mức thuế cũng không cao.

Hiện nước ta, môi trường đang bị xuống cấp, việc bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do vậy, việc đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là cần thiết.

Thuế nhập xăng dầu khẩu bình quân hiện 15,7%, tới năm 2024 là 0%. Hiện giá để tính thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân 15 ngày tại thời điểm này khoảng 9.500 đồng/1lít, nếu tăng kịch trần 8.000 đồng/lít so với giá tính thuế nhập khẩu chiếm 84,1%. Như vậy, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ lớn hơn rất nhiều so với khoản thuế nhập khấu bị giảm. Thuế bảo vệ môi trường đánh bằng số tiền đồng tuyệt đối trên một lít xăng dầu là chưa hợp lý.

Có lợi là ngân sách có nguồn thu cố định, dù giá xăng dầu có giảm đến như thế nào tuy nhiên phía người tiêu dùng thì không được hưởng lợi khi giá giảm.

Hiện nay, ngoài thuế bảo vệ môi trường, xăng đang chịu nhiều sắc thuế: Nhập khẩu, VAT, Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thuế là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành của giá bán lẻ. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với mức như vậy, cao hơn so với việc giảm thuế nhập khẩu, chắc chắn giá bán lẻ xăng dầu sẽ tăng.

Bên cạnh đó, xăng dầu là loại vật tư quan trọng đối với sản xuất, an ninh, quốc phòng và đời sống, là yếu tố đầu vào quan trọng của mọi ngành trong nền kinh tế, điều này chắc chắn sẽ tác động tới mặt bằng giá, tác động tới lạm phát.

Trong điều kiện năng lực cạnh tranh thấp, giá đầu vào tăng cao sẽ là rào cản lớn đối với khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và của DN. Cạnh tranh là yếu tố quyết định trong hội nhập kinh tế. Tuy thu nhập của nước ta vào loại trung bình của thế giới, nhưng là loại trung bình rất thấp. Đời sống của người dân còn khó khăn, nếu giá xăng tăng, đời sống sẽ không được cải thiện, cần phải khoan sức dân.

Thuế là công cụ quan trọng để khuyến khích sản xuất hoặc hạn chế tiêu dùng. Trong bối cảnh sản xuất và đời sống còn nhiều khó khăn cần có chính sách thuế hợp lý, để khuyến khích sản xuất phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu, khuyến khích tăng tiêu dùng. Những điều đó sẽ tạo cho nguồn thu tăng lên.

Theo số liệu số thu thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm, chiếm tỷ trọng khoảng 1,5% - 4,1% tổng thu ngân sách Nhà nước. Nhưng thực tế, số chi cho bảo vệ môi trường vẫn thấp hơn số thu, thậm chí chỉ bằng 1/4 số thu. Người dân mong muốn thuê bảo vệ môi trường, phải chi đúng mục đích, không thể để tiền này thu được này để chi cho việc khác.

Việc Bộ Tài chính cũng bổ sung xăng E5, xăng E10 vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường cũng khá cao, từ 2.700-7.200 đồng/lít với E5 và từ 2.500-6.800 đồng/lít với E10. Bản thân xăng E5, E10 đã giảm thiểu tác hại tới môi trường, thì liệu đề xuất này có hợp lý không ?

Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đã không ít lần được đưa ra với mục đích góp phần “cứu vãn” ngân sách. Việt Nam đã cam kết hội nhập với nhiều điều khoản giảm thuế để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Do đó, không chỉ nên nghĩ ra cách để tăng nguồn thu thuế này, mà cần có tổ chức chuyên trách việc bảo vệ môi trường, giám sát việc xử lý chất thải rắn, lỏng, khí, đồng thời xử lý nghiêm doanh nghiệp không chấp hành và kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu tiền thuế thu được cho công tác bảo vệ môi trường.

Cần thận trọng và cân nhắc kỹ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, để làm sao tạo được sự đồng thuận trong xã hội".

PGS.TS Ngô Trí Long

Cùng chuyên mục
XEM