Năm 2020, tiền “đổ” vào bất động sản đến từ đâu?

27/01/2020 16:32 PM | Kinh doanh

Các chuyên gia đánh giá, ngoài vốn ngân hàng, doanh nghiệp cũng có thể tính đến nhiều nguồn vốn khác. Đối với việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu thì chỉ những chủ đầu tư có kinh nghiệm, năng lực mới có thể thu hút được thành công.

Với việc "siết" tín dụng vào bất động sản (BĐS), bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, thực tế đòi hỏi chủ đầu tư đưa ra tính toán, chiến lược, bền vững để có thể tồn tại, phát triển. Ngoài vốn ngân hàng, doanh nghiệp cũng có thể tính đến nhiều nguồn vốn khác.

Bà Hằng cho hay, trong xu thế hiện nay, liên kết là một giải pháp. Nhà đầu tư gặp khó trong việc phát triển đơn lẻ, nên tính tới việc hợp tác cả trong và ngoài nước. Không chỉ là vấn đề thêm vốn mà còn có khả năng tạo ra những dòng sản phẩm mới khác biệt, tốt hơn. Sự liên kết có thể phát huy thế mạnh của nhau, dòng tiền tốt hơn.

Ngoài các kênh cổ phiếu, trái phiếu, liên kết thì còn huy động được nguồn vốn trong dân, từ nhà đầu tư cho bất động sản 2020. Tạo ra được sản phẩm tốt thì nguồn cầu lớn, đó chính là nguồn vốn rất tốt mà chủ đầu tư cần đẩy mạnh khai thác thay vì chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng.

Riêng về phát hành cổ phiếu, trái phiếu, theo bà Hằng chỉ những chủ đầu tư có kinh nghiệm, năng lực mới có thể thu hút được thành công, không phải chỉ có cam kết lãi suất cao.

Nhận định về xu hướng dòng vốn vào bất động sản, ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn vào bất động sản thời gian qua có thận trọng nhưng rất tích cực. Có nhiều nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS, trong đó đáng chú ý là nguồn vốn tín dụng, đến tháng 10/2019, cho vay xây dựng vào khoảng gần 800.000 tỷ đồng, tăng 8,5%. Tổng dư nợ tín dụng BĐS vào khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế (không kể cho vay xây dựng).

Thứ hai là huy động nguồn vốn tư nhân, đến hết tháng 11/2019, có khoảng 15.800 doanh nghiệp xây dựng (tăng 1,7%) và 7.300 doanh nghiệp kinh doanh BĐS mới thành lập (tăng 13,8% về số doanh nghiệp, tăng 27,5% về vốn đăng ký).

Thứ ba là vốn FDI đăng ký mới đạt 2,86 tỷ USD (chiếm 8,5%) và góp vốn, mua cổ phần là 1,9 tỷ USD (chiếm 17%).

Về trái phiếu doanh nghiệp, tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 11 tháng 237.000 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ 2018; trong đó doanh nghiệp bất động sản là 71.000 tỷ đồng. Đây là mức ấn tượng trong năm qua và là một dòng vốn quan trọng. Các quỹ trong tương lai sẽ phát triển rất tốt. Với việc được phép thành lập quỹ tín thác đầu tư bất động sản, ông Lực cho rằng, đây là một kênh huy động vốn tiềm năng trong tương lai.

Về Fintech, đây cũng có thể là một kênh thu hút vốn cho BĐS vì fintech hiện chủ yếu là thanh toán, nhưng trong tương lai, sẽ có những fintech huy động vốn cộng đồng để đầu tư vào bất động sản hoặc góp phần tạo hệ sinh thái BĐS.

Đánh giá về dòng vốn ngoại, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội - JLL Việt Nam cho rằng, đây là dòng tiền tiềm năng. Họ đem theo kinh nghiệm, dòng vốn và các doanh nghiệp trong nước không chỉ có thêm tiền mà còn có thể tích lũy thêm kinh nghiệm để phát triển dự án của mình lên một tầm cao hơn. Các nhà đầu tư ngoại cũng không bị giới hạn tầm nhìn ở một lĩnh vực nào mà họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực.

"Hiện nay, vốn đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc là những dòng vốn tốt. Còn Trung Quốc cũng đầu tư nhiều nhưng chủ yếu là khu công nghiệp, còn trung tâm thương mại, nhà phố thì nguồn vốn nhiều nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản", bà Vân cho hay.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, năm 2020, dòng vốn tư nhân vào cơ sở hạ tầng cũng sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh, sẽ có tác động lớn đến BĐS trong năm nay và những năm tới.

Thậm chí, ông Nghĩa cho rằng, 10 năm sau vẫn sẽ tiếp tục xu hướng này. Đó là dòng vốn đô thị hóa đang rất mạnh, tạo ra trào lưu đô thị hóa mới bắt đầu từ năm 2017 và còn kéo dài đến năm 2027, nhất là cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Theo Minh Thư

Cùng chuyên mục
XEM