Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận những vấn đề gì tại Hội nghị G20?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sẵn sàng để đặt bút cho chương mới nhất của "câu chuyện" về chiến tranh thương mại, khi tham dự cuộc họp vào sáng thứ Bảy tại Nhật Bản.
Nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ thảo luận về một loạt các vấn đề trong cuộc họp diễn ra vào lúc 11 giờ 30 (giờ địa phương) bên lề Hội nghị G20 ở Osaka. Tuy nhiên, thương mại sẽ là ưu tiên hàng đầu của chương trình nghị sự. Cuộc đàm phán của hai bên không những có thể "vẽ" nên tương lai ngắn hạn cho mối quan hệ Mỹ - Trung, mà còn tạo ra những thay đổi rõ rệt cho nền kinh tế toàn cầu.
Michael Hirson, đứng đầu khu vực Trung Quốc và Đông Bắc Á tại công ty tư vấn chính trị Eurasia Group, nhận định: "Rõ ràng rằng, cuộc họp gây cảm giác hồi hộp nhất về tác động đối với thị trường và nền kinh tế toàn cầu chính là cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập."
Nhiều chuyên gia dự đoán rằng hai nhà lãnh đạo có thể đồng ý tạm ngừng đẩy chiến tranh thương mại leo thang, nhưng chính ông Trump cho biết rằng ông có thể tìm cách áp mức thuế quan mới với Trung Quốc nếu có điều gì khiến ông không hài lòng với ông Tập. Mặt khác, một vài ý kiến cũng hy vọng rằng cuộc họp tới sẽ đi đến một thoả thuận dài hạn.
Theo Hirson, thoả thuận ngừng bắn có thể sẽ được đưa ra nhưng một thoả thuận thương mại cụ thể thì có phần căng thẳng hơn. Ông nói: "Tôi nghĩ sẽ có sự lạc quan sau cuộc họp. Nhưng có thể đó là tâm lý kỳ vọng quá mức, bởi theo tôi phía trước sẽ là một con đường gập ghềnh."
Không chỉ Hirson là người duy nhất có kỳ vọng không cao về cuộc họp này. David Adelman, cựu đại sứ Mỹ tại Singapore, cho biết ông dự đoán kết quả sẽ tương tự như cuộc họp hồi tháng 12 - khi hai nhà lãnh đạo đồng ý tạm thời nâng thuế để các nhà đàm phán nỗ lực giải quyết những mâu thuẫn. Ông cho hay: "Tôi dự đoán đây sẽ là 2 câu chuyện giống nhau, nhưng cuộc họp lần này có phần khó khăn hơn bởi rất nhiều điều đã xảy ra vào những tháng trước."
Dù nhiều ý kiến cho rằng khả năng tạm ngừng căng thẳng sẽ diễn ra, nhưng các chuyên gia cho biết không phải không có khả năng ông Trump sẽ còn có động thái đe doạ mạnh mẽ hơn. Hirson cho hay: "Tôi nghĩ rất có thể chúng ta sẽ thấy Mỹ cứng rắn hơn với 300 tỷ USD hàng hoá còn lại chưa bị áp thuế." Ông còn nhận định, việc áp thuế bổ sung có thể là nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất để các hộ gia đình Mỹ.
Huawei
Ngoài thuế quan, chính phủ Mỹ cũng đã có những biện pháp trừng phạt đối với công nghệ của Trung Quốc, đáng chú ý là những động thái ngăn chặn Huawei trên nhiều "mặt trận". Nhiều thông tin cho thấy ông Tập sẽ đưa Huawei vào bất kỳ thoả thuận nào với ông Trump. Theo nguồn tin thân cận, Trung Quốc cho rằng thoả thuận mới đạt được tại G20 cần có sự công bằng và 2 nguồn tin cho biết Huawei là yếu tố ưu tiên hàng đầu cho cuộc họp.
Ở diễn biến căng thẳng gần đây nhất liên quan đến việc ngăn chặn Huawei, chính quyền ông Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen "Entity List" với lý do lo ngại về an ninh quốc gia và kêu gọi các đồng minh thực hiện động thái tương tự. Cùng với đó là vụ việc bắt giữ CFO Mạnh Vãn Chu.
Hirson nhận định: "Động thái của Mỹ với Huawei đã thực sự khiến Bắc Kinh có suy nghĩ rằng Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Quốc, đặc biệt là kìm hãm những tham vọng về công nghệ của họ."
Hậu quả của chiến tranh thương mại
Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập là một sự kiện mang ý nghĩa toàn cầu, do cuộc chiến thương mại đã khiến nhiều nền kinh tế phải chịu rủi ro và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp quốc tế.
Tổng thư ký OECD Jose Angel Gurria phát biểu với CNBC rằng nếu các cuộc đàm phán giữa ông Trump và ông Tập thất bại, nó sẽ có tác động "tàn phá" cực kỳ mạnh. Ông nói thêm, sự thất bại ấy sẽ ảnh hưởng đến mọi nền kinh tế trên thế giới, bởi Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ rộng lớn với phần còn lại của thế giới. Các quốc gia sẽ không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực.
Trong tháng này, IMF đã cảnh báo rằng việc đề xuất và áp dụng thuế quan có thể khả năng làm giảm 0,6% sản lượng kinh tế vào năm 2020.
Dù có thể sẽ xảy ra khả năng "không thoả thuận", thì Charles Freeman - phó chủ tịch cấp cao về châu Á tại Phòng Thương mại Mỹ, cho biết có một số bằng chứng về cáo buộc của ông Trump đối với hành vi không công bằng từ Bắc Kinh. Ông nói thêm rằng quan điểm này nằm ở cách chính quyền đang lựa chọn cách giải quyết những điểm không hợp lý. Ông cho biết việc áp thuế quan không chỉ gây ra những tác động tiêu cực ngắn hạn mà còn là sự bất ổn cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc
Không chỉ Trung Quốc phải chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại. Nhiều công ty Mỹ cũng đang phải trả giá cho những căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Hồi đầu tháng này, theo Wall Street Journal, Apple được cho là đang cân nhắc di dời cơ sở lắp ráp ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ. Và Apple không phải là công ty duy nhất suy nghĩ về việc này.
Freeman cho biết, trong nhiều trường hợp, những công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc cho rằng họ đã chi quá nhiều để xây dựng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, và khi mức thuế 25% được áp dụng thì họ phải tìm cách để quản lý chuỗi này.
Adelman nhận định, việc dịch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho một số quốc gia Đông Nam Á và ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Trung Quốc, nhưng kẻ thua cuộc lớn nhất chính là danh tiếng của Mỹ.
Ông nói "cuộc chiến thương mại kéo dài" sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các doanh nghiệp đối với nước Mỹ. Họ có thể cảm thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới là khu vực không đáng tin cậy. Mục tiêu của G20 là tập hợp các nền kinh tế lớn nhất thế giới để nuôi dưỡng truyền thống xây dựng và tránh suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đối với Adelma, sự kiện lần này sẽ là "G2 trên nhiều phương diện", bởi cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập "được coi gần như là một hội nghị thượng đỉnh."