Mỹ: Pin Li-on phát nổ trong thùng rác và gây ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng trong 6 tháng vừa qua
Các chuyên gia cho biết sau khi tháo khỏi thiết bị, pin Li-on vẫn có thể tích trữ một lượng điện năng đủ để tạo ra tia lửa khi cực của pin tiếp xúc với những vật dụng kim loại, trong đó có thùng rác và xe rác.
Hiện nay, pin lithium-ion (pin Li-on) đang ngày càng trở nên phổ biến và có mặt trên hầu hết những thiết bị điện tử thông dụng nhất như smartphone hay laptop. Tuy nhiên, chính những viên pin này đã từng gây ra không ít vụ cháy nổ nghiêm trọng chỉ vì một số người dùng vô tình vứt chúng vào các thùng rác công cộng.
Mới đây, chương trình tái chế Call2Recycle của Mỹ đã tiết lộ pin Li-on chiếm đến 65% lượng rác thải tại bang California trong năm 2017. Và tồi tệ hơn, chỉ cần một viên pin phát nổ thôi sẽ gây ra chuỗi phản ứng dây chuyền gây có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Cũng trong năm này, có đến gần 80 triệu tấn pin Li-on đã được bán ra tại thị trường Mỹ.
Pin Li-on hiện được sử dụng trong nhiều thiết bị điện tử phổ biến trên toàn thế giới.
Chính vì thế, họ đã tiến hành một chiến dịch quy mô lớn tại bang California nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc xử lý những viên pin Li-on sau khi đã sử dụng sao cho phù hợp và an toàn nhất. Đây cũng được xem là một phần của dự án quốc gia trong những nỗ lực ngăn chặn tình trạng cháy nổ pin.
Hồi tháng 3 vừa qua, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã bất ngờ xảy ra tại một nhà máy tái chế rác thải ở thành phố New York. Vụ cháy này kéo dài 2 ngày liên tục và khiến cho 4 chi nhánh tại Long Island phải ngừng hoạt động trong 4 giờ vì khói quá dày. Vụ việc tương tự cũng xảy ra đối với một nhà máy tái chế khác ở Indianapolis trong cùng khoảng thời gian này.
Một vụ cháy khác do pin Li-on gây ra tại Portland vào tháng 12/2017.
Trên đây mới chỉ là một số ví dụ tiêu biểu nhất về mức độ nghiệm trọng của việc tái chế pin Li-on sai cách tại Mỹ trong vòng 6 tháng vừa qua. George Kerchner, Giám đốc tại Rechargeable Battery Association cho biết: “Người dùng thường có xu hướng vứt bỏ những viên pin Li-on hỏng vào thùng rác và cho rằng các nhân viên vệ sinh môi trường sẽ giúp họ tái chế chúng”.
Đây là một quan niệm sai lầm nghiêm trọng bởi ngay cả khi đã được tháo bỏ ra khỏi thiết bị, pin Li-on vẫn có thể tích trữ một lượng điện năng đủ để tạo ra lửa nếu cực của pin tiếp xúc với một vật dụng kim loại, trong đó bao gồm thùng rác hay xe rác. Kerchner khẳng định: “Pin Li-on là loại pin năng lượng cao. Nếu không được xử lý cẩn thận, chúng hoàn toàn có thể phát nổ và gây ra hỏa hoạn”.
Các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên cách ly cực của pin Li-on với các chất kim loại khác để tránh gây cháy nổ.
Để hạn chế tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên bọc pin Li-on vào túi nilon trước khi bỏ vào thùng rác để tránh cực của pin tiếp xúc với kim loại. Ngoài ra, người dùng cũng không nên vứt chúng vào những thùng rác thông thường vì quá trình nghiền rác thải tại những nhà máy tái chế vẫn có thể khiến pin cháy nổ. Một phương án khác là người dùng có thể sử dụng băng dính cách điện và dán kín cực của pin trước khi vứt bỏ.
Cuối cùng, cần phải lưu ý rằng pin Li-on không giống như những loại pin kiềm thường được sử dụng trong đồ chơi hay một số thiết bị khác không cần quá nhiều điện năng để hoạt động. Pin kiềm hoàn toàn có thể tái chế như những rác thải thông thường vì chúng không chứa nhiều năng lượng nên không thể phát nổ.
Tham khảo BGR/CNBC