Mỹ kiện Trung Quốc: Tất cả chỉ vì "con gà"

12/05/2016 19:28 PM | Kinh tế vĩ mô

Chính phủ Mỹ đã đệ đơn khiếu nại đối với Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Toàn cầu (WTO) do quốc gia Châu Á này có những rào cản ngăn sản phẩm gà từ Mỹ nhập khẩu vào thị trường nội địa.

Theo đó, chính quyền Washington yêu cầu phía Bắc Kinh mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt gà Mỹ, đặc biệt là mặt hàng chân gà vốn được người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng. Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đa vi phạm các quy định về tự do thương mại của WTO và có thể sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt trả đũa.

Đại diện Thương mại Mỹ Mike Froman nhận định rằng rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm luật chơi và điều này là không thể chấp nhận.

Trong khi đó, Bộ Thương Mại Trung Quốc tỏ ra lấy làm tiếc về quyết định trên của Mỹ, còn phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết nước này luôn tôn trọng và tuân thủ các quy định của WTO.

Vụ kiện sản phẩm thịt gà là một trong những vụ kiện thương mại mới nhất của Mỹ trong vòng 6 năm qua liên quan đến các ản phẩm thịt nhập khẩu từ Mỹ.

Năm 2013, các quan chức Mỹ tuyên bố đã thắng kiện Trung Quốc khi chính quyền Bắc Kinh áp thuế lên sản phẩm thịt gà Mỹ với lý do bán phá giá nhờ được trợ cấp từ chính phủ.

Dẫu vậy, sau vụ kiện trên, chính quyền Bắc Kinh vẫn áp đặt nhiều rào cản thuế quan lên thịt gà nhập khẩu Mỹ cũng như hạn chế sự tiếp cận của sản phẩm này đối với thị trường nội địa Trung Quốc.

Năm 2015, phía Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt gà Mỹ với lý do lo ngại dịch cúm gia cầm. tính riêng trong năm 2014, Mỹ chỉ xuất khẩu được khoảng 118 nghìn tấn thịt gà và trứng vào Trung Quốc, thấp hơn rất nhiều so với 331 nghìn tấn vào năm 2009.

Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể đi đến một thỏa thuận chung thì theo quy định của WTO, chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ phải bồi thường một khoản tiền hoặc chịu các biện pháp trừng phạt thương mại từ phía Mỹ.

Donald Trump muốn trả đũa

Những cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề “con gà” bắt đầu từ khi chính quyền Washington gia tăng các khiếu nại về tự do thương mại nhằm thu hút sự ủng hộ của Nghị viện đối với Hiệp định Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Kể từ năm 2009, phía Washington đã có 21 khiếu nại lên WTO và có đến 12 trong số đó là nhằm vào chính quyền Bắc Kinh.

Những nỗ lực của Mỹ đã đạt được một số kết quả khi tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã đồng ý chấm dứt chương trình trợ cấp xuất khẩu chó các doanh nghiệp nội địa nhỏ.

Ngoài ra, phía Mỹ cũng đe dọa có các biện pháp trả đũa nếu Trung Quốc không giảm sản lượng sản xuất thép, vốn đang gây thiệt hại cho ngành thép Mỹ cũng như nhiều nước khác.

Tranh luận về các giao dịch thương mại tại Mỹ đang ngày một nóng lên khi chiến dịch tranh cử tổng thống đang dần tăng tốc. Chính trị gia Donald Trump, người đang gây sóng gió cho Đảng Cộng hòa thời gian gần đây đã nhiều lần phản đối các hiệp định thương mại tự do cũng như đe dọa sẽ tăng thuế nhằm trả đũa đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Cả ứng cử viên Trump, người nhiều khả năng sẽ trở thành đại diện của Đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton, úng cử viên sáng giá của Đảng Dân chủ đều không đồng ý với bản thỏa thuận TPP hiện tại. Tồi tệ hơn, có vẻ hiệp định thương mại này cũng không nhận được đủ sự ủng hộ tại Nghị viện để được thông qua sớm.

Tổng thống Barack Obama và các cố vấn của ông đã cố gắng thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại nhằm buộc Trung Quốc cũng như các thị trường mới nổi khác phải giao thương theo luật quốc tế.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng biện pháp trên không chỉ ảnh hưởng đến lao động Mỹ mà còn tốn quá nhiều thời gian để đem lại hiệu quả. Ững cử viên Trump thậm chí cho rằng Mỹ nên áp đặt các hàng rào thuế quan nhằm trả đũa ngay lập tức đối với những nước như Trung Quốc.

Hiện Mỹ nhập khẩu khoảng 482 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc năm 2015, cao hơn nhiều so với mức xuất khẩu 116 tỷ USD vào quốc gia Châu Á này.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM