Người Việt học để làm gì ngẫm từ những làn sóng '4 giờ sáng ở Harvard', 'lương khởi điểm 2.000 USD' ?

07/12/2016 10:11 AM | Sống

Phần đông người Việt quan tâm đến mục tiêu giáo dục là để con cái sau này có cuộc sống an nhàn, làm những việc nhẹ nhàng mà dễ ra tiền, tốt nhất là được làm quan.

Những con lừa thồ sách

Mới đây hình ảnh Harvard lúc 4 giờ sáng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Trung Quốc và sau đó là tại Việt Nam. Người ta ngưỡng mộ tinh thần học tập, đọc sách của sinh viên Harvard nhưng sự thật đây chỉ là một bức ảnh giả mạo.

Các sinh viên từng theo học tại Harvard cho rằng ở Harvard không có thư viện nào như thế này, chỉ có một vài thư viện tại Harvard mở cửa quá nửa đêm và sau khoảng thời gian nghỉ, kể cả khi cuối kì thì trong thư viện cũng không có đông người đến thế.

Điều gì khiến người ta chia sẻ bức ảnh này nhiều đến vậy? Có chăng xuất phát từ tâm lý chung của các bậc phụ huynh: Các bậc cha mẹ Trung Quốc mấy đời nay đều xem thành tích học tập của con là minh chứng cho mức độ thành công của mình trong việc nuôi dạy con cái. Và Harvard chính là cái đích danh giá, một cột mốc thành công.

Thế nhưng tại các nước như Do Thái, phụ huynh không quá xem trọng thành tích, điểm số học tập. Người Do Thái có biểu thức số học:

Điểm số tốt = Trường học tốt

Trường học tốt = Tấm bằng đẹp

Tấm bằng đẹp = Công việc tốt

Công việc tốt Sự nghiệp thành công

Biểu thức này không nói lên rằng, người Do Thái xem thường tri thức, không có gia đình Do Thái nào không có một hoặc một vài tiến sĩ danh giá. Chỉ có điều, người Do Thái coi trọng sự vận dụng tri thức hơn, tức là hiểu biết và kỹ năng. Họ coi những người có tri thức mà chưa có hiểu biết và kỹ năng là “con lừa thồ sách.”

Talmūdh từng nói: “Chưa có kỹ năng làm việc, bạn vẫn có thể học tập tốt, nhưng chưa biết vận dụng tri thức vào thực tiễn lao động thì cuộc đời của bạn không thể đơm hoa kết trái, ngược lại còn dẫn đến tội ác.”

Người Việt Nam học để làm gì?

Cách đây cũng chưa lâu, dư luận không ngớt quan tâm tới câu hỏi của một cô sinh viên: Cháu phải học thế nào để có lương khởi điểm 2.000 USD? Thế mới thấy người Việt quan tâm đến giáo dục như thế nào.

Tiến sỹ, doanh nhân Lương Hoài Nam từng chia sẻ trong cuốn sách Kẻ trăn trở của mình như sau: “Trong một gia đình Việt Nam, không có chuyện nào được nói đến, được bàn bạc nhiều hơn chuyện học hành của con cái. Ngoài việc kiếm sống, không có việc nào chiếm nhiều thời gian của bố mẹ hơn chuyện học hành của con cái. Chi phí cho chuyện học hành có lẽ chỉ đứng sau chi phí ăn uống hàng ngày.”

Ông cho rằng, phần đông người Việt quan tâm đến mục tiêu giáo dục là để con cái sau này có cuộc sống an nhàn, làm những việc nhẹ nhàng mà dễ ra tiền, tốt nhất là được làm quan. Ít ai che giấu mục đích đó. Nó thậm chí còn được bày tỏ, thể hiện như tấm lòng, tình thương của bố mẹ. Con cái thường cũng biết như thế và vui thích với những gì được bố mẹ dành cho. Con cái cũng chẳng lạ với việc bố mẹ chạy trường, chạy lớp, với chuyện quà cáp, phong bì cho các thầy cô giáo để chúng vào được trường tốt, lớp tốt, được điểm cao.

Nhưng kết quả là gì? Kết quả là năng suất lao động xã hội của người Việt Nam chỉ bằng 1/5 Thái Lan, 1/15 Singapore. Kết quả là Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Thu nhập bình quân tính theo sức mua (PPP) của Việt Nam thua Singapore 28 lần.

Rõ ràng là “chất lượng người” của chúng ta có vấn đề, mặc dù người Việt quan tâm rất nhiều đến giáo dục và các gia đình chi rất nhiều công sức, tiền bạc cho giáo dục.

Ông nhận định rằng: “Thật ra chúng ta quan tâm đến loại, kiểu giáo dục không khoa học và tiến bộ. Chúng ta có những mục tiêu giáo dục không lành mạnh. Nếu nói nặng hơn, cả trong giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường, đã và đang tồn tại những thứ phản giáo dục”.

Nhiều người muốn con cái được làm quan, nhưng trong bất kỳ xã hội nào, quan chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Xã hội càng phát triển, tỷ lệ quan càng giảm. Dù tấm lòng, mong ước của bố mẹ với đứa con của mình thế nào, cơ hội để nó trở thành quan vẫn rất nhỏ.

Nhiều người muốn con cái được an nhàn, làm những việc nhẹ nhàng mà dễ ra tiền. Ít có những cơ hội như thế trong cuộc sống thực và, nếu như có, thì cuộc cạnh tranh để chiếm được cơ hội cũng khốc liệt, người thắng thường là người có năng lực hơn. Xã hội càng phát triển, cạnh tranh trên thị trường lao động càng cao.

Vậy thì, cái quyết định tương lai của một đứa trẻ nằm ở “chất lượng người” của đứa trẻ; ở kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, đạo đức của đứa trẻ, hoàn toàn không nằm ở tấm lòng, tình cảm của bố mẹ dành cho nó, càng không phụ thuộc gì vào mong muốn của bố mẹ là nó sẽ trở thành ai, làm công việc gì trong tương lai.

Một điểm chung dễ nhận thấy trong sự phát triển mạnh mẽ của các nước Singapore, Hàn Quốc, Israel là chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Những gì một người học được ở môi trường quân đội khắc nghiệt rất tốt cho việc hoàn thiện, nâng cao “chất lượng người” ở các nước đó. Đó là tính kỷ luật; sự kết hợp giữa tính cụ thể và khả năng bao quát; khả năng, kỹ năng chịu đựng thách thức và giải quyết thách thức; tính đồng đội, khả năng chia sẻ, phối hợp, kỹ năng tổ chức nói chung...

Quân đội là một trường học lớn. Những điều học được và những mối quan hệ gây dựng được trong quân đội rất có ích để một người thành công trong nhiều công việc, cuộc sống của mình.

Vậy có chăng đã đến lúc người Việt Nam cần thay đổi tư tưởng học không phải để làm quan mà cần hướng tới mục tiêu tiến bộ như Unesco nhấn mạnh: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống; Học để tự lập.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM