Mỹ chốt gói cứu trợ 25 tỷ USD cho ngành hàng không đang tê liệt vì Covid-19
Theo điều khoản của gói cứu trợ, từ nay đến 30/9, các hãng hãng không không được phép sa thải hoặc giảm lương của bất kỳ nhân viên nào.
Mới đây, chính quyền Mỹ đã đạt được thỏa thuận với các hãng hàng không lớn về điều khoản của gói cứu trợ trị giá 25 tỷ USD để giúp ngành công nghiệp này sống sót trong đại dịch Covid-19. Theo đó, các hãng hàng không sẽ nhận được hàng tỷ USD tiền tài trợ và một số khoản vay ưu đãi để trả lương cho tiếp viên, phi công và nhân viên khác. Họ cũng không được cho nghỉ không lương hay giảm lương của bất kỳ nhân viên nào từ nay đến 30/9.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết Alaska Airlines, Allegiant Air, American Airlines, Delta Air Lines, Frontier Airlines, Hawaiian Airlines, JetBlue Airways, United Airlines, SkyWest Airlines và Southwest Airlines là những hãng được hỗ trợ.
Thời gian gần đây, cuộc đàm phán "giải cứu" đã vướng nhiều tranh cãi khi Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng các hãng hàng không lớn hơn nên hoàn trả một phần số tiền họ nhận được. Hai bên cuối cùng đồng ý rằng sự hỗ trợ của chính phủ sẽ theo dạng một phần là tài trợ và một phần là cho vay.
Tổng thống Trump phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 14/4: "Thỏa thuận này sẽ hỗ trợ toàn diện cho người lao động trong ngành hàng không, duy trì vai trò quan trọng của các hãng hàng không trong nền kinh tế của chúng ta và bảo vệ người nộp thuế. Họ sẽ vượt qua khoảng thời gian khó khăn này". Trong khi đó, Bộ trưởng bộ Tài chính, ông Steven Mnuchin nói rằng thỏa thuận trên giúp bảo vệ tầm quan trọng chiến lược của ngành hàng không Mỹ.
Đại dịch Covid-19 đã đình trệ ngành hàng không suốt nhiều tuần. Vào tháng 2, lưu lượng hành khách của 25 hãng hàng không hàng đầu của Mỹ đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, một trong những mức tăng lớn nhất trong chuỗi tăng liên tiếp 29 tháng. Thế nhưng sang tháng 3, du lịch hàng không của Mỹ gần như bế tắc.
Đến ngày 9/4, các hãng hàng không Mỹ có khoảng 2.200 máy bay nhàn rỗi và lượng hành khách giảm tới 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, doanh thu toàn cầu dự kiến giảm 314 tỷ USD trong năm nay, tương đương giảm 55% so với 2019.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ xác định rằng 70% các khoản tài trợ cho hãng hàng không sẽ có lợi cho người nộp thuế bằng cách giảm các khoản thanh toán bảo hiểm thất nghiệp mà chính phủ phải trả cho nhân viên hàng không khi họ mất việc. 30% còn lại sẽ được hoàn trả dưới dạng khoản vay trong khoảng thời gian 10 năm.
Được biết, chính phủ Mỹ đã nhận được hơn 200 đơn đăng ký hỗ trợ từ các hãng hàng không và phần lớn trong số đó chỉ yêu cầu ít hơn 10 triệu USD. Trong một tuyên bố, Sara Nelson, Chủ tịch hiệp hội tiếp viên hàng không, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với gói cứu trợ kịp thời của chính phủ.
American Airlines cho biết họ sẽ nhận được 5,8 tỷ USD như một phần của thỏa thuận, với hơn 4 tỷ USD dưới dạng các khoản tài trợ và 1,7 tỷ USD còn lại dưới dạng cho vay lãi suất thấp. Bên cạnh đó, hãng còn định vay thêm gần 4,8 tỷ USD theo quy định thông thường.
Trong khi đó, Delta Air Lines nói rằng họ sẽ nhận được 5,4 tỷ USD, bao gồm khoản vay 1,6 tỷ USD. Hãng cho biết sẽ cung cấp cho chính phủ chứng quyền để mua khoảng 1% cổ phần công ty với mức giá 24,39 USD/cổ phiếu trong khoảng thời gian 5 năm. Giám đốc điều hành, Ed Bastian nói với nhân viên: "Đây là một bước quan trọng sẽ giúp chúng ta vượt qua vài tháng tới".
Southwest Airlines dự kiến sẽ nhận được 3,2 tỷ USD và 1 tỷ USD trong đó sẽ là khoản vay lãi suất thấp. United Airlines và Alaska Airlines cho biết sẽ hoàn thành thỏa thuận với Bộ Tài chính trong vài ngày tới.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng đang đàm phán với các hãng vận tải hàng hóa đủ điều kiện để nhận 8 tỷ USD tiền hỗ trợ và khoản vay tương tự các hãng hàng không.