Khi các chính phủ "phát" tiền cứu kinh tế: Không phải bao nhiêu, mà là khi nào và như thế nào!

15/04/2020 14:25 PM | Kinh tế vĩ mô

Tại Singapore, gói cứu trợ của chính phủ cũng được thực hiện đơn giản, minh bạch, chứ không nặng về vấn đề thủ tục. Bất cứ SME nào tại Singapore không có nợ xấu trước khi đại dịch diễn ra đều có thể tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng mà không phải nêu bất kể lý do gì.

Trong khi nhiều người ấn tượng với những khoản tiền khổng lồ mà các nền kinh tế lớn tuyên bố thì nhiều chuyên gia lại lo lắng chúng chẳng đến được tay người dân.

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp tiếp tục phải đóng cửa, thiệt hại nặng nề nhất có lẽ là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn được coi là xương sống của nhiều nền kinh tế.

Một cuộc khảo sát mới đây của Phòng thương mại Mỹ (ACC) cho thấy 25% doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ đối mặt nguy cơ sụp đổ trong 2 tháng nữa. Để đối phó với tình hình này, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề xuất gói cứu trợ bổ sung 250 tỷ USD, nâng tổng mức cứu trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lên 600 tỷ USD.

Tuy nhiên, vấn đề với các doanh nghiệp SME của Mỹ hiện nay không phải là có bao nhiêu tiền hỗ trợ, mà là khi nào và như thế nào.

Khi các chính phủ phát tiền cứu kinh tế: Không phải bao nhiêu, mà là khi nào và như thế nào! - Ảnh 1.

Anh Kevin Clark, một chủ hàng ăn nhỏ tại Atlanta từ 10 năm nay, đã phải tạm đóng cửa và cho 40 nhân viên nghỉ việc suốt 2 tuần qua. Mặc dù chính phủ Mỹ đã tăng cường các gói vay ưu đãi để giúp những SME như của anh Clark sống sót qua mùa dịch nhưng mọi chuyện lại chẳng dễ dàng như thế.

"Chúng tôi thực sự chưa nghe được những thông tin gì ngoài những tuyên bố như chương trình đang hoạt động, tiền đang tới, nhưng cho ai? Tôi muốn nói chuyện với một chủ doanh nghiệp đã thực sự nhận được gói cứu trợ khẩn cấp để hiểu họ làm thế nào để nhận được chúng", anh Clark cho biết.

Sau nhiều lần nộp đơn thất bại, anh Clark giờ cảm thấy thất vọng với gói cứu trợ. Ngân hàng Wells Fargo mà Clark đã hợp tác suốt 10 năm qua cũng từ chối đơn xin vay vốn ưu đãi của anh do có quá nhiều yêu cầu tương tự.

"Chúng tôi có lẽ phải chấm dứt việc kinh doanh của mình, đó là điều tệ nhất nhưng chúng tôi buộc phải làm vậy", anh Clark ngậm ngùi nói.

Không riêng gì các doanh nghiệp nhỏ cảm thấy thất vọng, các ngân hàng và cơ quan chính phủ Mỹ cũng đang bối rối với những gì đang diễn ra.

Theo hãng tin CNN, chương trình cho vay ưu đãi với SME của Mỹ đã phải xử lý lượng công việc gấp 10 lần so với 1 năm trước đó. Hệ quả là các ngân hàng không nhận được những hướng dẫn rõ ràng và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp. Số đơn vay vốn tăng đột biến khiến nhiều trang web của các ngân hàng rơi vào tình trạng quá tải.

"Khi bạn thiết kế một chương trình áp dụng cho 90% doanh nghiệp tại Mỹ, tiêu tốn tới 350 tỷ USD và chỉ có 6 ngày để thực hiện, bạn sẽ gặp trục trặc", Thượng nghị sĩ Macro Rubio nhận định.

Hiện chính quyền Washington cùng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn đang thực hiện các gói hỗ trợ bổ sung dành cho SME, nhưng hãng tin CNN lo ngại nếu không tăng tốc đưa tiền đến được tay người dân, dù khoản tiền lớn đến đâu cũng vô dụng.

Không riêng gì Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang đau đầu huy động 540 tỷ Euro để cứu nền kinh tế. Sự bất đồng quan điểm khiến các thành viên chia rẻ và dù cuối cùng cũng đạt được một thỏa thuận chung nhưng các SME tại đây chưa biết bao giờ mình mới cầm được tiền.

Tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, Thủ tướng Shinzo Abe cũng tuyên bố một chương trình cứu trợ cung cấp tiền mặt cho doanh nghiệp, hộ gia đình lên đến 6.000 tỷ Yên, tương đương 50 tỷ USD. Dẫu vậy, dư luận Nhật Bản đã chỉ ra những khó khăn trong thủ tục giúp đỡ doanh nghiệp này.

Khi các chính phủ phát tiền cứu kinh tế: Không phải bao nhiêu, mà là khi nào và như thế nào! - Ảnh 2.

Theo tờ Nikkei, doanh nghiệp muốn nhận được khoản hỗ trợ tối đa lên đến 2 triệu Yên (18.600 USD) thì các SME phải chứng minh được doanh thu của họ giảm trên 50% do Covid-19. Đó là chưa kể nếu quy trình chứng minh phức tạp thì có thể tạo nên sự hỗn loạn ở khâu làm thủ tục. Nếu khoản hỗ trợ này không thể đến tay ngay được người dân mà bị kéo dài thì tác dụng của nó chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể.

Tương tự, các hộ gia đình tại Nhật cũng phải chứng minh được thu nhập bị giảm do Covid-19 với chính quyền địa phương để có thể nhận được khoản trợ cấp 2.800 USD/hộ.


Kinh nghiệm từ những nước thành công

Tuy nhiên không phải không có những nước thành công trong việc phát tiền ngay đến tay người dân.

Tờ Financial Times cho biết Thụy Sĩ đã công bố gói cứu trợ 20 tỷ Franc, tương đương 20 tỷ USD để hỗ trợ các SME. Ngay trong tuần đầu tiên, khoảng 15 tỷ Franc đã được chuyển cho 76.034 SME. Chính phủ Thụy Sĩ cho biết sẽ tăng gấp đôi quy mô chương trình hỗ trợ lên 40 tỷ Franc.

Mấu chốt của thành công này là sự hợp tác hiệu quả giữa ngân hàng với chính phủ Thụy Sĩ. Các ngân hàng đã có sẵn thông tin, lịch sử tín dụng các tài khoản và cho phép chính phủ triển khai phát tiền ngay lập tức dựa trên dữ liệu đã có.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng như UBS cũng huy động tới 300 nhân viên và 100 robot áp dụng thuật toán xử lý nhanh các yêu cầu cấp tín dụng ưu đãi tại Thụy Sĩ. Nhờ đó, UBS đã xử lý hơn 10.000 đơn yêu cầu vay vốn chỉ trong 2 ngày đầu tiên áp dụng chương trình cứu trợ.

Trong khi đó tại Singapore, gói cứu trợ của chính phủ cũng được thực hiện đơn giản, minh bạch, chứ không nặng về vấn đề thủ tục. Bất cứ SME nào tại Singapore không có nợ xấu trước khi đại dịch diễn ra đều có thể tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng mà không phải nêu bất kể lý do gì.

Ngoài ra, họ cũng không cần phải trả tiền gốc vay cho đến tận 31/12/2020, mà chỉ cần thanh toán mức lãi vay theo thị trường. Đặc biệt, những doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi online có thể vay đến 200.000 USD. Chính phủ Singapore cũng hỗ trợ tới 90% cho các doanh nghiệp ăn uống trong việc triển khai bán hàng qua mạng.

Rõ ràng, vấn đề được người dân quan tâm hiện nay không phải là gói cứu trợ có bao nhiêu tiền, mà khi nào và như thế nào để nhận được giúp đỡ vượt qua cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19.

Khi các chính phủ phát tiền cứu kinh tế: Không phải bao nhiêu, mà là khi nào và như thế nào! - Ảnh 3.

Du Kỳ

Cùng chuyên mục
XEM