Muôn vàn nỗi khổ của người nước ngoài khi đi thuê nhà ở Nhật

21/02/2018 10:24 AM | Kinh doanh

Việc thuê nhà ở Nhật không hề dễ nếu không nói là vô cùng khó khăn và rắc rối đối với nhiều người nước ngoài, họ đối diện với đủ rủi ro bị chèn ép, bị lừa gạt và bị mất nhiều tiền vì những lý do không đáng.

Đối với những người nước ngoài sang Nhật sống dài hạn (khoảng 6 tháng trở lên), việc thuê nhà cực kỳ vất vả và khó khăn. Các công ty bất động sản Nhật giờ đây đã cải thiện dịch vụ hơn trước rất nhiều, ngôn ngữ giao dịch có thể là tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Việt.

Nhà ở của người Nhật đa phần được cho thuê theo kiểu bất kỳ chủ nhà nào có nhà để trống sẽ đăng ký với một số công ty bất động sản, mỗi công ty bất động sản có tiêu chí riêng của họ về việc nhận một số loại nhà nhất định.

Công ty bất động sản sẽ chịu trách nhiệm nhận ngôi nhà, khi tìm được khách thuê sẽ hỏi chủ nhà về việc họ có đồng ý cho khách quốc tịch này, quốc tịch khác thuê hay không. Nếu chủ đồng ý cho người quốc tịch đó thuê thì sẽ tiếp tục đến các điều khoản về thời hạn hợp đồng, điều kiện chi trả tiền, giao nhà, vệ sinh…vô vàn các điều kiện khác.

Có thể nói, với 5 năm sống tại Nhật và thử dịch vụ thuê nhà của khá nhiều công ty, tác giả bài viết cảm thấy rất hài lòng. Sẽ không ở đâu mà câu nói "tiền nào của ấy" xứng đáng như ở Nhật. Đồng tiền bạn bỏ ra bao nhiêu, bạn sẽ hưởng chất lượng dịch vụ tương xứng.

Hãy lấy tạm tỷ giá 1 man bằng khoảng 2 triệu đồng Việt Nam. Ví dụ với giá nhà trung bình ở Tokyo, nếu bạn bỏ ra 5 man/tháng, bạn thuê được một căn phòng nhỏ xíu ở cách Shinjuku khoảng 20 phút tàu.

Nhưng nếu bạn chấp nhận bỏ ra 7 man/tháng, bạn sẽ được một căn phòng gần trung tâm hơn, giúp bạn tiết kiệm thời gian công sức hơn rất nhiều khi phải đi lại hàng ngày. Nhà với giá cao hơn cũng sạch sẽ hơn, ở gần ga giúp bạn tiết kiệm được nhiều công sức, thời gian đi lại.

Ở Nhật bạn phải trả tối thiểu những khoản phí sau khi đi thuê nhà: tiền cọc (tiền sửa chữa trang thiết bị ngôi nhà sau khi bạn đi, khoản tiền này bạn sẽ được trả lại một phần nếu bạn không làm hỏng hóc gì quá lớn); tiền lễ (tiền gửi cho chủ nhà để cám ơn đã cho bạn thuê nhà); tiền phí môi giới (thường sẽ từ một nửa tháng đến hai tháng tiền nhà tùy căn); phí bảo lãnh (có thể mất hay không mất tùy có cần người bảo lãnh hay không); bảo hiểm hỏa hoạn (dao động từ 2 đến 3 triêu đồng tùy căn); phí thay chìa và ổ khóa (rơi vào khoảng 2 đến 3 triệu, bạn có thể không muốn mất, nhưng có thể bạn đối diện với rủi ro là người thuê nhà trước có thể vào nhà bạn).

Với ngần trên khoản tiền, có thể tưởng tượng chi phí bạn phải bỏ ra khi thuê một căn hộ không hề nhỏ. Với căn hộ có giá thuê khoảng 5 man, ngay cả nếu chủ nhà không yêu cầu bạn đóng tiền lễ để cám ơn họ thì bạn cũng phải đóng tiền đầu vào, tiền dọn vệ sinh, tiền bảo hiểm, phí bảo lãnh.

Vậy để được phép vào ở căn nhà có giá 5 man đó, tổng số tiền bạn phải bỏ ra ban đầu có thể lên đến 20 man (đã có một tháng tiền nhà).

Tuy nhiên mọi chuyện không đơn giản như vậy. Hợp đồng của tất cả các căn nhà chỉ kéo dài tối đa 2 năm dù bạn có thuê nhà đắt đến đâu đi nữa. Hết 2 năm này, công ty sẽ đến để thương lượng với bạn về việc bạn có muốn thuê tiếp không, nếu thuê tiếp bạn sẽ phải đóng lại một loạt các khoản phí kể trên.

Hoặc trong trường hợp khác, bạn muốn chuyển nhà, theo luật bạn sẽ phải báo với công ty bất động sản 2 tháng trước khi chuyển, thường phải trên 1 năm mới nên chuyển đi nếu không sẽ tốn khá nhiều phí.

Công ty đến kiểm tra nhà, tính tiền điện nước, kiểm tra xem nhà có hỏng hóc không rồi sau đó sẽ đồng ý cho bạn chuyển sau khi bạn thanh toán hết các khoản phí liên quan.

Trên lý thuyết và tại thực tế phần lớn các công ty bất động sản có chất lượng dịch vụ tốt của Nhật là như vậy, thế nhưng một số nơi lại phũ phàng hơn rất nhiều.

Là người nước ngoài, có những khi bạn phải đối diện với một thực tế rằng vẫn có quá nhiều công ty bất động sản của người Nhật có chất lượng dịch vụ cực kỳ tệ hại. Là một người mới sang, tiếng Nhật chưa giỏi, bạn không thể biết hết được, và đó chính là lúc bạn rơi vào cái bẫy của họ.

Họ sẽ quảng cáo cho bạn những căn hộ tuyệt vời ở mức giá tạm chấp nhận được, họ đưa cho bạn một bạn hợp đồng dài độ 5,6 trang giấy với thứ tiếng Nhật khó hiểu ngay cả với người Nhật, họ giải thích cho bạn bằng một tràng tiếng Nhật bắn như "súng liên thanh".

Thế nhưng mà khi bạn mới sang Nhật, bạn quá cần một nơi ở vì an cư mới lạc nghiệp, rồi bạn lại tin vào cái tiếng của người Nhật rồi nghĩ rằng người Nhật ai lại lừa, bạn đặt bút ký. Số phận của bạn đã được định đoạt.

Sau những khoản phí ban đầu vốn không hề nhỏ, bạn lại thấy ngân hàng trừ thêm nhiều khoản phí khác, bạn sẽ phải đi lại thắc mắc rất nhiều lần. Sau rồi, vào nhà ở bạn mới phát hiện ra ồ hóa ra ngôi nhà này không phải tuyệt như mình tưởng tượng, điện nước ga hoạt động không ổn định, số điện chạy nhanh hoặc ga không ổn định khiến việc dùng nước nóng và sưởi ấm giữa mùa đông nước Nhật lạnh giá trở nên không hề dễ dàng.

Tài khoản của bạn sẽ bị trừ vô cùng nhiều khoản phí trời ơi không biết ở đâu ra và rồi bạn lại phải đi thắc mắc tới lui.

Và nếu trong thời gian ở, bạn cảm thấy ngôi nhà có quá nhiều vấn đề khiến bạn không hợp, ví như chống ồn quá kém, ví như điện nước tính giá quá cao hoặc đơn giản bạn chuyển chỗ làm và muốn ở gần chỗ làm mới, bạn gọi điện đến công ty xin thôi không tiếp tục thuê nhà.

Lúc này, thảm kịch thực sự bắt đầu. Người của công ty bất động sản đến sẽ săm soi từng thứ một, rồi bắt bẻ bạn. Ban đầu họ đối xử với bạn như thượng đế thì bây giờ bạn sẽ không còn là thượng đế nữa. Họ soi mói từng cái nhỏ nhặt để bắt phạt bạn. Và cuối cùng, để thoát thân khỏi căn nhà đó, bạn cũng phải trả một đống tiền, có khi đến cả mười mấy man, bằng tiền thuê nhà của nhiều tháng.

Nếu không trả, họ nắm toàn bộ thông tin cá nhân của bạn và đi báo cảnh sát về việc bạn bỏ nhà đi không trả tiền, hẳn rằng bạn sẽ không hề có một lý lịch trong sạch chút nào và điều đó không hề tốt khi bạn sống trên đất Nhật.

Như vậy có thể thấy, việc thuê nhà ở Nhật không hề dễ nếu không nói là vô cùng khó khăn và rắc rối đối với nhiều người nước ngoài, họ đối diện với đủ rủi ro bị chèn ép, bị lừa gạt và bị mất nhiều tiền vì những lý do không đáng.

Lan Thanh

Cùng chuyên mục
XEM