Muốn trở thành một nhân viên được sếp yêu mến, đừng bao giờ nói 10 câu này!
Mối quan hệ giữa nhân viên và sếp là một mối quan hệ hết sức căng thẳng nhưng không phải là không có cách điều hòa nó, đơn giản như việc từ giờ trở đi hãy bỏ ngay thói quen nói 10 câu nói này.
Một trong những lí do chúng ta thường đưa ra để giải thích cho các mâu thuẫn giữa chúng ta và một ai đó, chẳng hạn như nửa kia, chẳng hạn như bạn bè hay thậm chí là với sếp của mình chính là "tại tính cách của cả hai không hợp nhau". Và nếu bạn bị sa thải khỏi vị trí bạn đang làm thì thường bạn sẽ lấy cớ "vì tôi muốn thế" ra để biện minh.
Tuy nhiên, chỉ người trong cuộc mới hiểu phía sau những lời nói ấy là vô vàn vấn đề cũng như sai lầm. Mối quan hệ giữa nhân viên và sếp vẫn luôn được xếp vào top các mối quan hệ căng thẳng, thế nhưng, điều đó không có nghĩa là bạn không thể điều hòa được nó. Trái lại, có đôi khi, việc lấy được sự thiện cảm của sếp hay ít nhất là chung sống hòa bình với sếp dễ hơn bạn tưởng tượng đấy, đơn giản như việc bạn chỉ cần liệt kê ra danh sách những câu nói cần tránh để mối quan hệ cấp trên cấp dưới luôn vui vẻ.
Đừng nói "Em muốn tăng lương vì em phải sửa nhà/mua xe...", hãy nói "Em đã cố gắng làm việc năng suất gấp 3 lần trong 6 tháng qua, vì vậy em xin đề nghị được tăng lương"
Bạn có thể và nên đòi hỏi thêm quyền lợi cho mình, nhưng chỉ khi bạn thực sự tạo ra được thành tựu nào đó. Đừng để những vấn đề riêng tư ảnh hưởng đến công việc, vì như vậy sẽ làm giảm sự chuyên nghiệp của bạn xuống và cũng có thể là vì sếp của bạn sẽ chẳng quan tâm đâu. Bạn cần chứng minh được mình xứng đáng thay vì xin lòng thương của sếp.
Đừng nói "Sau giờ nghỉ trưa em có thể về sớm được không? Dù sao thì ở văn phòng cũng có việc gì để làm đâu", hãy nói "Sau giờ nghỉ trưa em có thể về sớm được không?"
Nếu công việc của bạn là một công việc mang tính tuần tự, lặp lại và không có yếu tố phát sinh, điều đó có nghĩa là bạn có thể thoải mái ra về nếu đã hoàn thành nó. Thế nhưng sự thật là một chuyện còn nói nó cho sếp lại là chuyện khác. Bởi khi bạn phát ngôn như câu nói thứ 1, sếp có thể sẽ hiểu rằng bạn không có hứng thú với công việc, hoặc tệ hơn là sẽ giao cho bạn một đống việc mới "giúp" bạn có thứ để làm.
Đừng nói "Tất cả là lỗi tại ABCXYZ", hãy nói "Vâng sếp, chắc em đã để sót chi tiết này. Từ giờ em sẽ để ý hơn. Giờ mình sửa thành như thế này được không ạ?"
Khả năng thừa nhận rằng bản thân mình sai mà không phán xét hay đổ lỗi cho người khác chính là dấu hiệu cho thấy bạn là một người đủ chín chắn và trưởng thành. Một nhân viên tốt sẽ được tin tưởng và tôn trọng khi họ sai và dám chịu trách nhiệm với cái sai của mình. Ngay cả khi đó là lỗi của người khác thật thì bạn cũng nên thông báo cho sếp một cách khách quan và công bằng.
Đừng nói "Tùy sếp vậy", hãy nói "Có vẻ như chúng ta có quan điểm khác nhau"
Nếu bạn không muốn tiếp tục tham gia vào một vấn đề, cứ im lặng và lùi ra. Đừng lập lờ kiểu ba phải, bạn không quan trọng đến thế đâu.
Đừng nói "Bọn em toàn làm như thế", hãy nói "Cách mà sếp gợi ý không được phổ biến lắm, có thể gây ra khó khăn"
Bất chấp cách làm mà bạn áp dụng trước giờ là do quyết định của sếp cũ hay do chính bản thân bạn đưa ra, câu nói này chẳng khác gì câu nói "Người yêu cũ của em blablablah" hay "Mẹ em nấu ngon hơn nhiều". Không ai thích bị so sánh, chưa kể đến việc câu nói này có thể khiến sếp của bạn nghĩ rằng bạn là người lười biếng, không thích thay đổi.
Đừng nói "Em sẽ thử"/"Em sẽ cố" hãy nói "Vâng, em sẽ làm"
Câu nói "Em sẽ thử" gần như tương đương với việc bạn sẽ không hoàn thành việc bạn được giao, hoặc sẽ làm với thái độ hời hợt. Chẳng có ông sếp nào thích nhân viên của mình làm ăn kiểu nửa vời vậy đâu.
Đừng nói "Em nhiều việc phải làm lắm rồi", hãy nói "Em cũng đang phải làm project sếp giao em hôm qua, thế cái nào cần ưu tiên hơn ạ?"
Bạn là nhân viên, việc của bạn phải làm là hoàn thành tất cả công việc sếp giao. Tuy nhiên, bạn không phải siêu nhân, bạn sẽ không thể ôm đồm quá nhiều thứ cùng lúc để rồi tất cả đều thiếu hiệu quả, sếp sẽ hiểu cho bạn điều ấy nếu bạn đưa ra nghi vấn và hỏi rõ việc gì cần ưu tiên làm trước.
Đừng nói "Thế em nhận được gì?", hãy nói "Vâng"
Đồng ý rằng chúng ta nên được trả công vì những gì chúng ta đã làm. Tuy nhiên, đòi hỏi được nhận lại thứ gì đó chỉ vì một vài giúp đỡ nho nhỏ sẽ khiến bạn trở nên rất buồn cười. Hãy nhớ rằng thứ bạn cần quan tâm không chỉ có tiền mà còn có kinh nghiệm, những gì bạn học được, những mối quan hệ bạn có thể có được nữa.
Đừng nói "Đây không phải vấn đề của tôi", hãy nói "Tôi không phải chuyên gia đâu nhưng trong trường hợp này, tôi nghĩ chúng ta nên..."
Là một phần của team nghĩa là tất cả các bạn đều trên một con thuyền. Bất kì vấn đề xảy ra khi làm việc theo nhóm đều là trách nhiệm của cả nhóm chứ không phải của riêng cá nhân ai. Hãy cùng nhau bắt tay giải quyết vấn đề, kể cả khi phương án của bạn không thích hợp thì việc bạn chủ động đứng ra cũng giúp bạn tạo được cảm tình trong mắt đồng nghiệp và cấp trên.
Đừng nói "Em chỉ nghĩ...", hãy nói "Có vẻ như chúng ta đã hiểu nhầm ý nhau. Em sẽ sửa sai và để ý hơn lần sau"
Mọi sự viện cớ đều sẽ gây ấn tượng xấu trong mắt sếp, nên nhớ bạn là người trưởng thành và cần gánh vác trách nhiệm liên quan đến công việc cũng như cuộc sống của mình. Nếu có mâu thuẫn hay điều gì thắc mắc, cứ nói thẳng ra, sự trao đổi và giao tiếp sẽ giúp vấn đề trở nên dễ dàng hơn.
Tranh: Brightside