Muốn làm lớn phải biết chấp nhận thua thiệt lúc đầu: Từ Tesla đến Amazon hay VinFast, mấy ai dám nghĩ lớn như những doanh nghiệp này!
Một ngày cuối tháng 7 năm 2019, CEO Tesla Elon Musk điện đàm trấn an các nhà đầu tư trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm mạnh và Tesla liên tục báo lỗ hàng tỷ USD kể từ khi IPO năm 2010. Trái ngọt thường đến muộn, và công nghiệp ô tô không phải cuộc chơi ngắn ngày. 1 năm sau đó, vốn hóa của Tesla vượt Toyota, trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, dù 10 năm lên sàn vẫn báo lỗ…
"Rất nhiều người đặt dấu hỏi về việc tại sao chúng tôi đã IPO dù không có lãi", CEO Elon Musk, trong trang phục quần jeans, áo sơ mi mix với blazer kẻ sọc, trả lời các phóng viên bên ngoài sàn chứng khoán Nasdaq tại quảng trường Thời Đại (New York, Mỹ) hồi cuối tháng 6/2010 - thời điểm Tesla phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
10 năm sau, Tesla vẫn không có lãi, các khoản lỗ có năm lên tới gần 2 tỷ USD. Nhưng giá trị vốn hóa của công ty sau 10 năm tăng lên 213 lần.
Từ mốc 1,6 tỷ USD ngày IPO, giá trị vốn hóa của hãng xe điện này đã vượt Toyota hồi tháng 7/2020, trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, mặc dù Tesla lỗ 862 triệu USD trong năm tài chính 2019 và Toyota lãi 19,6 tỷ USD (2,08 nghìn tỷ yen) trong năm tài chính 2020 (năm tài chính trong báo cáo của Toyota kết thúc vào tháng 3/2020).
Đến thời điểm ngày 10/9/2020, mức vốn hóa của Tesla đã xấp xỉ 1,5 lần vốn hóa của hãng ô tô truyền thống Nhật Bản.
Một bức tranh "lỗ" kinh điển là ngành thương mại điện tử, mà đại diện tiêu biểu là Amazon đã đạt lợi nhuận bấp bênh trong 9 năm đầu trước khi có khoản lãi đều đặn.
Vì đâu cả doanh nghiệp và nhà đầu tư chấp nhận bài toán lỗ?
Câu chuyện chấp nhận lỗ của doanh nghiệp thường nằm trong 2 trường hợp.
Với một thị trường mới, doanh nghiệp cần chịu lỗ để educate (tạm hiểu: Định hướng) người dùng.
Với một thị trường cũ, doanh nghiệp cần cạnh tranh với đối thủ sẵn có.
Bài toán đặt ra cho cả hai trường hợp này đều chỉ có 1: Giành thị phần. Tất nhiên, để có thể theo đuổi cuộc chiến giành thị phần này, doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính và một sản phẩm "chất", để khi không còn giảm giá, khách hàng vẫn trung thành với sản phẩm họ đã lựa chọn.
Tại Việt Nam, VinFast cũng đang chấp nhận lỗ để giành thị phần.
Ông Phạm Nhật Vượng: Chơi lớn phải chấp nhận thua thiệt giai đoạn đầu!
Báo cáo thường niên năm 2019 của Vingroup nhan đề "Tiên phong mở lối", mở đầu bằng tuyên bố của Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng, với định hướng phát triển của Vingroup trở thành một Tập đoàn đẳng cấp quốc tế, lấy khối Công nghiệp, Công nghệ làm trọng tâm để hình thành các thương hiệu quốc tế.
"Điều này không chỉ có ý nghĩa với Vingroup, mà còn là sứ mệnh đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Nhưng trước hết cần phải thành công ở thị trường trong nước".
"Để làm được điều đó, chúng ta sẽ phải nỗ lực vượt bậc, liên tục vượt qua chính bản thân mình, phải đầu tư mạnh mẽ, chấp nhận thua thiệt trong giai đoạn đầu, phải hết sức quyết liệt và sáng tạo, phải làm điều chưa ai làm", ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ.
6 tháng đầu năm, VinFast báo cáo lỗ 6.591 tỷ đồng. Đổi lại khoản lỗ ấy là gì? Quý 1/2020, VinFast bán được 5.100 chiếc, đứng thứ 5 thị trường.
Còn với riêng tháng 7/2020, VinFast bán được 2.214 chiếc, trong đó có 355 chiếc Lux A2.0, 282 chiếc Lux SA2.0 và 1.577 chiếc Fadil. Đáng chú ý, doanh số Fadil lọt top 4 những chiếc ô tô bán chạy nhất tháng 7, trở thành đối thủ nặng ký của Hyundai Grand i10.
"Mảng công nghiệp của Vingroup (Vinsmart và VinFast) phải đầu tư lớn và kiên trì, chấp nhận bù lỗ trong 3-5 năm… Câu chuyện mấy năm tới không phải kiếm lợi nhuận mà là chiếm lĩnh thị trường, gia tăng thị phần", Chủ tịch Vingroup chia sẻ tại ĐHCĐ tập đoàn diễn ra hồi tháng 5/2020.
Xe của VinFast sẽ được xuất khẩu sang thị trường rất khó tính là Mỹ. Ông Phạm Nhật Vượng coi đây là phép thử cho toàn bộ hệ thống vì nếu sản phẩm làm ra không tốt, giá cả không cạnh tranh thì đương nhiên sẽ không có logic để tồn tại.
Một điểm giống nhau của VinFast và Tesla là dần hướng tới việc tự chủ về pin. Vài năm trước, Tesla xây dựng nhà máy Gigafactory tại Nevada, Mỹ để sản xuất pin quy mô lớn, với kỳ vọng việc tự chủ về pin sẽ giúp xe điện Tesla rẻ hơn so với các đối thủ vốn dựa vào nguồn cung từ bên thứ ba.
VinFast cũng đang tự phát triển các công nghệ về Pin thông minh – một xu thế dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô, với việc thành lập Công ty TNHH Sản xuất Pin Lithium Vinfast, với khoản đầu tư trong năm 2019 là gần 189 tỷ đồng.
Trong cuộc chiến giành thị phần ấy, khách hàng sẽ là người được hưởng lợi. Theo tiết lộ của sếp VinFast hồi cuối năm 2019, hãng này đang bù lỗ 300 triệu đồng cho mỗi chiếc xe bán ra.
Tại Việt Nam, những tên tuổi lớn trên thị trường ô tô gồm Toyota, Hyundai, Mazda, Honda, Ford, VinFast…
Thị trường ô tô Việt Nam được cho là một trong những thị trường hứa hẹn nhất khu vực với tỷ lệ sở hữu ô tô vẫn thấp, trung bình 23 xe trên 1.000 dân. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (IPSI), đến năm 2035, toàn thị trường sẽ tiêu thụ tới 1,85 triệu xe ô tô, tương đương mức tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm. Sự tăng trưởng mạnh của tầng lớp trung lưu cùng với cơ sở hạ tầng giao thông không ngừng được xây dựng, nâng cấp là hai động lực chính thúc đẩy thị trường ô tô trong những năm tới.
Cơ sở hạ tầng phát triển tạo tiền đề cho việc mở rộng quy mô các tỉnh, thành phố, và việc hình thành các khu đô thị vệ tinh xung quanh 2 thành phố lớn – Hà Nội và TPHCM cũng sẽ khiến ô tô ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu với các gia đình. Ngoài ra, sản xuất ô tô đang là ngành công nghiệp mũi nhọn được Chính phủ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Những điều kiện trên dự báo sẽ thúc đẩy thị trường ô tô nội địa phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.