“Mười năm chọn con người làm nền tảng văn hóa doanh nghiệp”
KMS Technology được thành lập năm 2009 bởi nhóm chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm, đến nay đã là đội ngũ gần 1.000 nhân sự cung cấp các dịch vụ, giải pháp phần mềm và phát triển vườm ươm công nghệ.
Ông Nguyễn Việt Hùng - đồng sáng lập, nguyên Tổng giám đốc và hiện là nhà cố vấn của KMS chia sẻ: "Chúng tôi đi từ khát vọng xây dựng môi trường làm việc mà ở đó nhân viên xem công ty là ngôi nhà thứ hai, để họ phát triển và thành công, khẳng định trình độ chuyên môn cao của kỹ sư người Việt bằng những sản phẩm chất lượng cho khách hàng toàn cầu.
* KMS Technology là công ty "trẻ", có 10 năm phát triển, ông có thể chia sẻ về triết lý nền tảng cho hành trình đó?
- Với chúng tôi, bất cứ thành công nào của công ty đều là thành công của cả nhóm người có cùng quan điểm, muốn làm được gì đó to lớn thì phải đoàn kết và gắn bó. Nền tảng của doanh nghiệp suy cho cùng được xây dựng trên mối quan hệ giữa người và người, nó phải thực sự là những con người gắn kết với nhau.
Ở KMS, sự gắn kết được thiết lập bằng giềng mối của chính trực (integrity), nó giúp chúng tôi nhất quán trong hành động và lời nói, gầy dựng niềm tin trong tổ chức của mình. Làm gì nói đó, nói cái gì làm cái đó, không có các phiên bản khác nhau của lời nói và hành động. Quan điểm "integrity" đó là nền tảng nhân văn mà người KMS giữ được ngay cả trong các điều kiện khó khăn.
* Trong thời gian ông điều hành KMS, sự chính trực được thể hiện thế nào?
- Ví dụ, một nhân sự có thể nghe ông Hùng nói, dù chưa hiểu hết nội dung nhưng vẫn chắc chắn ông ấy đang hành động cho điều tốt hơn, sẽ không ai hoài nghi.
Nhiều khi Chủ tịch KMS điều hành từ bên Mỹ gọi về: "Hùng ơi làm cái này", thì tôi bắt tay thực hiện, chứ không phải băn khoăn, điều này giúp giảm đi nhiều công đoạn để đến đích nhanh hơn.
Một công ty với nền tảng như vậy thì chúng tôi cũng phải tuyển người phù hợp như vậy, nếu không thì rốt cuộc cả đội hình phải vất vả, nặng nề.
Nguyên tắc gốc đó cũng đã gắn kết con người KMS, từ những người đã làm việc ở đây lâu năm đến người mới vào, từ quản lý cho đến lao công hay bảo vệ, khi cảm nhận mình phù hợp thì họ mới thật sự gắn bó và yêu thích.
Ông Nguyễn Việt Hùng - đồng sáng lập, nguyên Tổng giám đốc và hiện là nhà cố vấn của KMS |
* Với công ty có cả ngàn cá nhân, nguồn cảm hứng đó được lan tỏa thế nào để xây dựng đội nhóm vững mạnh?
- Khi còn tại vị, một lần nghe tôi chia sẻ về công ty là gia đình thứ 2 tại một hội thảo, có người đã phản biện rằng, vì tôi là Tổng giám đốc nên tôi làm được, còn đối với những người ở vị trí thấp hơn là không thực tế. Với cả ngàn con người, vị trí như tôi làm sao hiểu hết từng cá nhân, nhưng văn hóa đó được truyền đạt từ những người quản lý, trưởng nhóm đến từng cá nhân, giúp việc thực thi thông suốt.
Tôi nghĩ áp lực công việc nặng nề thường do hai khía cạnh: một là bản chất công việc luôn căng thẳng, với nhịp sống hiện đại thì ngày hôm sau đã khác hôm nay, để giải quyết căng thẳng này, mỗi người cần tự biết cách rèn luyện hằng ngày để trở nên sáng tạo, chuyên nghiệp, thuần thục hơn; hai là mối căng thẳng đến từ văn hóa doanh nghiệp không lành mạnh.
Doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến thách thức này, vì nó có thể dẫn con người ta đến trầm cảm. Một môi trường lành mạnh sẽ giúp nhân viên bớt lo lắng, tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực cho từng cá nhân làm được nhiều việc và làm hiệu quả hơn.
* Nhưng nếu lấy con người làm nền tảng thì văn hóa đó gắn liền với những chính sách như thế nào, thưa ông?
- Xây dựng môi trường mà công ty thành ngôi nhà thứ 2 là một trong các mấu chốt KMS Technology đã làm được. Khi nói nhân văn, tôn trọng con người thì phải đi liền với những hành động cụ thể, cả trong các tình cảnh ngặt nghèo.
Tôi còn nhớ những năm đầu công ty còn nhỏ và eo hẹp dòng tiền, nhưng chúng tôi vẫn muốn bảo vệ nhân viên hết sức có thể, đầu tiên là mua gói bảo hiểm y tế theo chuẩn quốc tế cho nhân viên và thân nhân. Lúc đó có ý kiến rằng nên ưu tiên nhóm kỹ sư và quản lý, nhưng tôi gạt ngay vì mọi người khi đến công ty làm việc đều mong có chế độ đãi ngộ tốt.
Kỹ sư, bảo vệ hay lao công đều cần làm tốt nhất phần trách nhiệm của họ. Và để làm được việc đó, tất cả đều cần sức khỏe.
* Bắt đầu từ lập trình viên, trải qua nhiều vị trí rồi quản lý một trong các công ty gia công phần mềm có tên tuổi tại Việt Nam, ông chia sẻ gì về quá trình đó?
- Bản thân tôi không xuất sắc về công nghệ nhưng giữ chân được các cộng sự xuất sắc. Với tôi đó là niềm vui lớn trong nghề, vì người ta quý và tin mình.
Họ tin nhóm quản lý KMS, tin vào sự gắn kết mà tôi đã chia sẻ ở trên. Thậm chí trong 10 năm qua, KMS không cần đưa ra quy trình phức tạp, cũng không quảng bá khuếch trương hoành tráng nhưng khi đã tuyển đúng người, họ có trách nhiệm và làm việc tốt hơn tôi nghĩ.
Khi mình có nhóm cộng sự như vậy thì dù có thể họ không phải là người giỏi nhất, nhưng khi hợp lực với nhau sẽ trở thành đội ngũ xuất sắc, đóng góp lớn vào thành công của bất cứ công ty nào.
* Ông có thể chia sẻ cách KMS nhìn nhận về người lãnh đạo?
- Đối với tôi khi đánh giá khả năng, tiềm năng của người quản lý, cách nhanh nhất là quan sát nội tâm của họ có sâu sắc hay không. Nếu là người sâu sắc họ sẽ chú ý, quan sát rất tốt và rồi có nhiều dữ liệu phân tích từ chính sự quan sát đó.
Người có óc quan sát nhạy bén và biết phải làm gì trong bất cứ hoàn cảnh nào, đó là sức bật riêng của mỗi người mà không phải ai cũng có được. Khi đứng đầu đội nhóm, người nội tâm sâu sắc luôn nhìn thấu vấn đề để giải quyết.
Một lãnh đạo có kỹ năng thì không thể một mình làm tất cả mà phải phát triển, nâng tầm đội ngũ để giải những bài toán lớn hơn cho cả nhóm. Họ còn phải hiểu được khách hàng của mình.
Ý tưởng lớn thì nhiều người có, nhưng nếu không triển khai được thì mãi vẫn chỉ là ý tưởng. Người giàu kỹ năng hiểu được thế mạnh hay điểm yếu của mình nằm đâu trong đội nhóm đó.
* Nhìn nhận lại những gì mà KMS Technology đã đi trong 10 năm qua, với ông có phải là hành trình thử thách?
- Nhìn chung, tôi cảm thấy may mắn vì KMS đã không phải đối mặt với quá nhiều khó khăn (theo quan điểm cá nhân của tôi). Quá trình đó thuận lợi hơn nhóm sáng lập chúng tôi mong đợi, từ nhóm 5 người làm dịch vụ gia công phần mềm đến nay công ty đã có cả ngàn người.
Lúc khởi nghiệp, chúng tôi mong muốn xây dựng được KMS khoảng 300 người để đủ kinh phí đầu tư thực hiện ước mơ phát triển sản phẩm. Ngày nay, KMS không chỉ làm dịch vụ, mà còn đầu tư ươm tạo, có những sản phẩm ra thị trường thế giới bằng chính trí tuệ của kỹ sư Việt.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ!