Mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh có đạt được trong năm 2018?

24/05/2018 14:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Vẫn còn nhiều bộ chưa có phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh dù 5 tháng nữa sẽ là thời điểm phải trình Chính phủ.

Nhiều bộ chưa có kế hoạch cắt giảm

Tình hình thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã được Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2018 sáng 24/5.

Tính đến tháng 5/2018, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. 4 bộ khác đã có dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung ĐKKD nhưng chưa trình Chính phủ, gồm: Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên môi trường, Tư pháp. Dự kiến đến ngày 31/10, 1.968 ĐKKD sẽ được cắt bỏ và đơn giản.

Các bộ đã rà soát, có phương án, nhưng chưa xây dựng, gồm: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn hóa Thể Thao Du lịch, Giáo dục và Đào tạo. Các bộ chưa rà soát/chưa có phương án đơn giản hóa ĐKKD, gồm: Thông tin và Truyền thông, Khoa học công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội, Quốc phòng.

"Liệu các bộ này có kịp ban hành Nghị định sửa đổi trước ngày 31/10/2018? Trong 5 tháng, chắc không đủ thời gian. Nhưng nếu làm được, sẽ có thêm 403 ĐKKD được cắt giảm. Những bộ chưa tiến hành rà soát/chưa có phương án đơn giản hóa cũng cần cố gắng để giảm hơn 300 ĐKKD" – ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói.

Một thực tế diễn ra ngay trong quý I./2018 là việc các bộ ban hành thêm các ĐKKD ngay khi cắt bỏ được một vài điều kiện cũ. Cụ thể: ngày 1/3/2018, Bộ TTTT ban hành Nghị định 27 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. 11 ĐKKD được đơn giản hóa nhưng 115 ĐKKD được bổ sung.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, kết quả đạt được còn cách khá xa so với mục tiêu "trung bình ASEAN 4" về môi trường kinh doanh. Số ĐKKD thực sự được bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 50% số ĐKKD hiện hành. Số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chưa giảm đáng kể so với mục tiêu giảm ít nhất ½ danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

Các giải pháp cần nằm trong tổng thể chung

Thử thách được Chính phủ đặt ra trong năm 2018 là tăng thêm 8-18 bậc trên bảng xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới. Điều này đòi hỏi sự quyết liệt trong giải quyết vấn đề của các bộ ngành. Nếu cải cách được như nội dung Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện vượt bậc, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

"Hiện nay, chúng tôi đã trình kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ. Ngoài chi phí chính thức, chúng tôi mong muốn giảm chi phí không chính thức. Giảm chi phí không chính thức chỉ thực hiện được khi chúng ta thực hiện các giao dịch trực tuyến, doanh nghiệp không giao tiếp trực tiếp với người có thẩm quyền. Còn lúc này, khoản chi phí không chính thức đang rất lớn và doanh nghiệp cũng không lường trước được" – Viện trưởng CIEM cho biết.

 Mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh có đạt được trong năm 2018?  - Ảnh 1.

Nguồn: Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhưng cũng phải chú ý đến giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ cần có những biện pháp tổng thể trong dài hạn.

"Tỷ lệ doanh nghiệp không phát sinh thu nhập trong nền kinh tế ở mức 60%. Phần lớn doanh nghiệp lại có quy mô vừa và nhỏ. Tôi nghĩ, giai đoạn hiện nay là giai đọn khoan sức cho doanh nghiệp để tạo sự tăng trưởng. Chính sự tăng trưởng của doanh nghiệp cũng tạo ra nguồn thu thuế lớn hơn" – ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Cùng ý kiến trên, ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, bất cứ hành động nào làm tăng chi phí cho doanh nghiệp là không nên. Về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Bộ tài chính cần có phương án sử dụng quỹ hợp lý. Theo ông Cung, quỹ này nên được đầu tư cho phát triển các ngành mới, công nghệ sạch thay vì hòa chung vào ngân sách. Khi người dân và doanh nghiệp nhận thức được rõ ràng lợi ích, việc tăng thuế nới có thể nhận được sự đồng thuận.

Theo DQ

Cùng chuyên mục
XEM