Cắt giảm điều kiện kinh doanh: "Khen ông này tức là chê ông kia"

29/01/2018 08:44 AM | Kinh tế vĩ mô

Các bộ cầm nhầm mãi quyền của doanh nghiệp và của dân, "cải lùi" bao lâu rồi giờ tiến được một tí thì cứ khen nhau, có đáng hay không?...

Đó là bình luận của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại hội thảo về do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức cuối tuần qua, khi việc cắt giảm điều kiện kinh doanh được coi như điểm nhấn đáng kể trong cải cách thể chế kinh tế thời gian gần đây.

Điểm lại kết quả cải cách năm 2017 về điều kiện kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết, Thủ tướng giao các bộ rà soát đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện đăng ký kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý của các bộ.

Một số kết quả nổi bật được Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhắc đến như ngành công thương bãi bỏ được khoảng 600 điều kiện kinh doanh. Ngành nông nghiệp cũng đang chuẩn bị bãi bỏ 34% điều kiện và đơn giản hoá phần lớn các điều kiện khác.

Cũng tạo được ấn tượng mạnh mẽ là Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 5 ngành nghề không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng được quy định tại các nghị định do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo. Bộ này cũng đề xuất bãi bỏ 6 ngành nghề thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Rồi đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%), đơn giản hoá 94 (43,7%)...

Là người ít khi khen, nhưng TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá đó là những thay đổi khác biệt, những chuyển động từ bên trong, không quá phụ thuộc vào áp lực bên ngoài như trước nữa.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì không nên "khen quá". Dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ có chưa đến 500 điều kiện kinh doanh mà nay, sau hơn một thập kỷ, đã mọc lên gần 6.000 điều kiện. Bởi vậy, yêu cầu của Chính phủ cắt, xóa 50%, và chuyển động từ vài bộ chưa phải là điều gì đáng ca ngợi.

Các bộ đã cầm nhầm mãi các quyền của doanh nghiệp, của người dân. Cầm nhầm mãi, cải lùi bao nhiêu lâu rồi, bây giờ bắt đầu trả lại, mới cải tiến một tí thì cứ quay ra khen nhau liệu có đáng không ? bà Lan nhận xét.

Từ vị trí chủ toạ, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm: đặt và bỏ điều kiện kinh doanh là những người khác nhau, nên vẫn cần phải khen.

Có thể trước đây ba, bốn người đặt ra, nay một vài ông cắt thì những người này có thay đổi nên động viên cũng là tạo áp lực, khen ông này tức là chê ông kia, ông Cung nói thêm.

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng hiện nay tư duy về quản lý cũng chưa phải đã thay đổi nhiều, mà dự thảo nghị định mới về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô là một ví dụ. Tại đây không ít những quy định hành chính vô lý còn được duy trì, như lái xe phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh, trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới sở giao thông vận tải các thông tin của chuyến đi...

Với cái nhìn và quan điểm nhất quán, đây cũng phải lần đầu tiên chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cắt giảm điều kiện kinh doanh không phải là việc làm đáng khen.

Cũng tại CIEM, vài tháng trước, trong một diễn đàn về chính sách cạnh tranh quốc gia, bà Lan đã nhận xét rằng các cơ quan có thể lạm quyền rất nhiều khi mà đưa ra rất nhiều điều kiện kinh doanh, việc gì cũng chia ra 5- 7 bộ cùng phụ trách, thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình.

Khi đó, đề cập việc cắt giảm cùng lúc gần 700 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương, bà Lan cũng tỏ ra ngạc nhiên khi hành động này lại được khen. Bởi theo bà thì khi bộ đó đẻ ra quá nhiều điều kiện kinh doanh như thế, gây bao nhiêu khó khăn cho doanh nghiệp thì việc cần làm là phải chặn, phải phạt chứ không phải giờ chạy theo để cắt.

Theo Nguyên Vũ

Cùng chuyên mục
XEM