Mua thực phẩm “sạch” như bị… móc túi
Thông tin rau nhiễm sán, thịt bò điên, mực ống nhựa, thịt lợn nhiễm chất cấm... khiến người tiêu dùng lo lắng. Trong khi đó, tìm đến siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm sạch, mối lo của bà nội trợ là chi phí đắt đỏ.
Thực phẩm sạch “một mình một giá”
Trước những thông tin về thực phẩm bẩn khiến người tiêu dùng lo âu, nghi kỵ về mọi mặt, nhiều cửa hàng, siêu thị mini kinh doanh hàng thực phẩm sạch đã nhanh chóng mọc lên.
Từ quả mướp đắng, cải bó xôi, dưa chuột, rau lang, xà lách, cải ngọt, hành, bí, vú sữa, ổi, thanh long, tới cá trắm, gạo, đậu phụ, thịt lợn, cá hồi… đều gắn mác “sạch” và nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua được thực phẩm mà mình cho là sạch.
Chị Mai Phương (Mễ Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Hôm trước tôi vừa mua 2kg cải thảo, 1kg thanh long, một khúc cá trắm sạch và vài thứ lặt vặt, thế mà cũng “đi tong” gần 1 triệu đồng”.
Theo kinh nghiệm của chị Phương, thực phẩm được phân chia thành 4 cấp: Rẻ nhất là thực phẩm bán ngoài chợ cóc, sau đó là chợ lớn, siêu thị rồi cuối cùng là các cửa hàng thực phẩm sạch.
Ví dụ, ngoài chợ bắp cải giá 8.000 đồng/kg, siêu thị bán 15.000 đồng/kg thì trong các cửa hàng thực phẩm sạch giá lên tới 32.000 đồng/kg; cải bó xôi ngoài chợ bán 7.000 đồng/kg, siêu thị 16.000 đồng/kg thì cửa hàng rau sạch giá 32.000 đồng/kg; xà lách ngoài chợ giá 10.000 đồng/kg, siêu thị 16.000 đồng/kg thì cửa hàng rau sạch lên tới 50.000 đồng/kg.
Đối với thịt, thủy hải sản tươi sống, các cửa hàng thực phẩm sạch cũng "chặt chém" không thương tiếc.
Cụ thể, ngoài chợ cá trắm trắng cắt khúc giá 70.000 đồng/kg thì cửa hàng thực phẩm sạch bán tới 175.000 đồng/kg; tôm sú ngoài chợ bán 400.000 đồng/kg thì trong cửa hàng giá gần 600.000 đồng/kg. Dù biết thực phẩm sạch tốt hơn cho sức khỏe nhưng với giá bán “trên trời”, “một mình một giá” như hiện nay, nhiều người cũng khá bức xúc.
Chị Phạm Thương - một nhân viên ngân hàng ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Thu nhập của gia đình tôi không thấp, song nếu để ý kỹ, giá thực phẩm ở cửa hàng sạch rất vô lý. Có hôm mua vài món hàng mà hết cả triệu đồng, cứ như bị… móc túi”.
Bỏ tiền để mua... niềm tin
Anh Lưu Minh- một chủ cửa hàng thực phẩm sạch ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, anh có nhiều bạn bè đầu tư tiền của mở cửa hàng thực phẩm sạch. Người chuyên về rau quả, người chuyên về thịt cá, trong đó có người bỏ cả vài tỷ đồng ra đầu tư nhưng cũng có người chỉ 50 triệu hay 100 triệu đồng.
“Cửa hàng thực phẩm sạch hiện nay xuất hiện nhan nhản trên phố mà người dân đều mua bằng… niềm tin chứ không dựa vào cửa hàng lớn hay nhỏ. Đôi khi chỉ cần một cửa hàng trong ngõ hẻm nhưng có uy tín, khách vẫn tấp nập vào mua và ngược lại, cửa hàng ngoài phố lớn chưa chắc đã hút khách nếu như không đủ độ tin tưởng”- anh Minh chia sẻ.
Theo khảo sát của PV NTNN, tại các chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch lớn như Bác Tôm, Vinmart, FVF, Biggreen… giá bán các sản phẩm sạch chỉ cao hơn 10-20% so với sản phẩm bình thường. Trong khi giá bán tại các cửa hàng, ki-ốt nhỏ lẻ thì tùy vào mức niêm yết giá theo… quy định của chủ cửa hàng đó.
Theo anh Minh, mấy năm trước bản thân anh đã từng bắt tay vào kinh doanh thực phẩm sạch với số vốn 20 triệu đồng. Anh lên Hòa Bình bắt lợn của người dân trong bản, nhờ họ giết thịt rồi đóng thùng lạnh gửi xe khách về Hà Nội để bán tại nhà, mỗi lần 1-2 con tùy số lượng khách đặt hàng.
Sau một thời gian, thấy phản hồi của khách rất tốt, lượng khách đặt mua mỗi ngày một tăng anh mới tìm địa điểm mở rộng cửa hàng của mình, đồng thời cung ứng đa dạng sản phẩm hơn từ rau củ cho đến hoa quả, thịt cá.
“Nói thế không có nghĩa là khuyên các bạn nên làm ăn nhỏ. Nhưng các bạn phải hiểu rằng, để mở một hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch lớn cần có nguồn cung cấp cực kỳ dồi dào và đảm bảo độ tin cậy” – anh Minh cho biết.
Theo kinh nghiệm của anh Minh, nếu chỉ tìm kiếm được vài ba mối lấy thực phẩm sạch ở quê hay của người quen thì hãy nên bắt đầu từ cửa hàng nhỏ để tìm kiếm khách, sau đó mở rộng dần cũng không quá muộn.
Trong khi rất nhiều người như anh Minh gặt hái được thành công thì cũng có không ít cửa hàng rau sạch, thực phẩm sạch mở ra nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động phải lặng lẽ đóng cửa.
Ông Võ Minh Khải - Giám đốc Công ty Viễn Phú, đơn vị sản xuất gạo hữu cơ thương hiệu Hoa Sữa, cho rằng, Việt Nam đang thiếu hẳn một cơ chế để bảo vệ những người làm ăn đàng hoàng, đầu tư bài bản. Bất cứ ai bán rau cũng có thể tuyên bố họ bán rau sạch, rau hữu cơ mặc dù họ không có vùng trồng, không có chứng nhận nào cho thấy họ làm rau hữu cơ. Như vậy là lập lờ với khách hàng và làm ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính.