Mua nhà 3 năm sau khi tốt nghiệp, tôi đã tiết kiệm thế nào?
Đừng ngại thử sức mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bởi chỉ khi bạn làm càng nhiều, để lộ càng nhiều khuyết điểm thì bạn mới biết mình thiếu sót ở đâu và đang làm tốt điều gì.
Tháng 7/2013, tôi tốt nghiệp đại học. Tháng 10/2016, tôi mua được căn nhà đầu tiên trong đời. Tôi không phải xin bố mẹ một đồng nào, tất cả đều do tôi và chồng tiết kiệm từng chút từng chút để tự mua lấy.
Hồi mới ra trường, tôi cũng như nhiều người, nghèo cực nghèo. Nghèo đến mức mà đi chợ tôi không dám mua ở chợ dân cư gần nhà mà phải đi bộ ra chợ nông sản cách đó cả cây số mua cho rẻ. Nhiều người hỏi tôi vậy làm sao mới tiết kiệm được tiền mua nhà. Tôi sẽ làm một bản tóm tắt đơn giản, coi như bản tổng kết hành trình một giai đoạn cuộc đời mà tôi đã trải qua luôn.
1. Ghi chép chi tiêu: Muốn tiết kiệm tiền, điều đầu tiên bạn cần phải làm là ghi chép mọi chi tiêu
Muốn tiết kiệm tiền, điều đầu tiên bạn cần phải làm là ghi chép mọi chi tiêu. Tôi tin rằng mọi người đều đã ít nhất một lần nghe nói về điều này nhưng thực tế có rất ít người thực sự làm được.
Hồi còn học đại học, sinh hoạt phí hàng tháng của tôi là 1,5 triệu đồng, là con số thấp nhất so với cả phòng kí túc xá. Vì sinh hoạt phí không nhiều nên tôi luôn phải thận trọng trong việc chi tiêu, thói quen ghi chép chi tiêu của tôi bắt đầu từ lúc này.
Vào mỗi đầu tháng, tôi lập một dự toán sơ bộ xem mình sẽ tiêu bao nhiêu tiền cho việc ăn uống, mua hoa quả cải thiện, sẽ chuẩn bị sắm những đồ gì. Nếu dự toán vượt quá tiêu chuẩn, tôi sẽ dời lại kế hoạch mua đồ hoặc giảm lượng hoa quả xuống.
Sinh hoạt phí ít ỏi khi ấy giúp tôi nhận ra mình phải sống như thế nào với thu nhập bao nhiêu. Khi ấy, tôi chọn những món rẻ hơn để ăn, tôi cũng đi làm thêm, đi phát tờ rơi để tăng thêm thu nhập. Cộng thêm việc đều đặn nhận học bổng, cuộc sống đại học của tôi trôi qua thực sự khá yên bình.
Vào thời điểm đó, mấy cô bạn được gia đình cho 5-6 triệu/tháng vẫn phải vay tiền của tôi đều đều. Tới lúc tốt nghiệp đại học, gom đống lì xì nhận được mỗi dịp năm mới cũng như học bổng cuối của trường, tôi đã tiết kiệm được 30 triệu - một con số khá bất ngờ đúng không?
Mọi chi tiêu ngày đó đều được tôi ghi chép cẩn thận trong một cuốn sổ nhỏ. Tiếc là sau nhiều lần chuyển nhà tôi đã đánh mất nó.
Bên cạnh đó, tôi hy vọng mọi người cũng cảnh giác hơn với việc thanh toán online. Tôi cũng sử dụng ví điện tử để mua sắm, thanh toán nhưng tôi luôn duy trì thái độ cẩn trọng với cách thức tiêu dùng này. Nó làm thay đổi cách thức thanh toán ban đầu, khiến việc thanh toán bằng tiền mặt trở nên bất tiện hơn, không còn cảm giác thực tế.
Ví dụ, khi bạn rút 3 triệu đồng tiền mặt và tiêu từng tờ từng tờ một, bạn sẽ cảm nhận được cảm giác tiêu tiền thực tế, bạn sẽ thấy xót tiền, sẽ nhớ: À, hôm qua mình mới rút 3 triệu xong sao giờ còn có nhiêu đây? Bạn biết tiền của mình đang ít dần, phương pháp thanh toán nguyên bản này giúp bạn nhận ra bạn đã tiêu 3 triệu trong vòng bao lâu, bạn có khái niệm về dòng tiền của chính mình.
Trong khi đó, khi hình thức thanh toán trực tuyến được triển khai, mọi người đều trở nên mơ hồ với dòng tiền của chính mình và khái niệm tiền bạc dường như bị ảo hóa. Tiện, đúng là có tiện khi bạn có thể mua bất kì thứ gì chỉ bằng cách quét thẻ, nhập mã… Mọi thứ diễn ra quá nhanh chóng khiến bạn không còn quá quan tâm đến việc mình mất bao lâu để tiêu hết con số 3 triệu.
Chính vì vậy, tôi hy vọng mọi người có thể cảnh giác một chút và theo dõi các hóa đơn mình chi trả thường xuyên hơn, làm vậy để biết bạn thực sự đã tiêu rất nhiều tiền trong một tháng, thực sự đã mua rất nhiều thứ mà có lẽ bạn chẳng hề cần đến.
* Một vài lời khuyên về việc ghi chép chi tiêu:
Ghi chép chi tiêu là bước đầu tiên để tôi kiểm soát cuộc sống của mình. Mỗi phút mỗi giây tôi đều muốn biết mình hiện đang có bao nhiêu, đang nợ bao nhiêu tiền và nợ bao nhiêu người. Từ dùng sổ tay hồi đại học, sau này tôi đã chuyển sang ghi chép bằng Excel, tiếp đó là dùng một app chuyên dụng trên điện thoại.
Hãy cứ đặt trước dự toán, số tiền bạn định chi tiêu, sau đó là ghi lại các khoản bạn đã "móc hầu bao". Khi thấy mình sắp tiêu quá ngân sách, tôi sẽ kìm lại mọi chi tiêu, trừ khi khoản đó là bắt buộc.
Cuối tháng, hãy lại phân loại nguồn thu và chi để biết tiền của bạn bỏ ra nhiều nhất cho thứ gì, khoản chi đó có đáng không và có cần thiết phải tiếp tục chi hay không. Nói chung, việc ghi chép cẩn thận giúp tôi trở nên tỉnh táo hơn cả trong việc mua sắm lẫn trong cuộc sống thường ngày.
2. Tiêu dùng: Bạn phải kiểm soát và khống chế được ham muốn của bản thân, chứ đừng để bị nó chi phối
Về tiêu dùng, tôi luôn nghĩ mình là người theo phong cách tối giản. Tất nhiên, trước đây tôi cũng từng có thời gian nghiện mua đồ online, vác về nhà cả đống đồ không dùng được. Nhưng dần dà, tôi nhận ra phong cách nào thực sự phù hợp với mình và thói quen mua đồ vô tội vạ kia biến mất.
Lời khuyên dành cho các bạn là hãy cố gắng tìm được phong cách thời trang của riêng mình. Tôi rất ít khi đi shopping và hiện tại nếu có đi tôi cũng chỉ ghé các cửa hàng quen thuộc như Zara hay Uniqlo. Có lẽ vì cá tính riêng nên tôi không tìm thấy niềm vui trong việc mua sắm, mua sắm bừa bãi chỉ khiến tôi cảm thấy mệt mỏi. Nói một cách tương đối, tôi thà đi leo núi, đi bộ đường dài còn hơn lang thang trong mấy trung tâm thương mại. Công nghiệp thời trang càng ngày càng phát triển, sự đa dạng về mẫu mã kiểu dáng màu sắc khiến con người ta cảm thấy khó tập trung. Ví dụ nhiều khi bạn chỉ muốn mua một chiếc quần nhưng lại không tìm được chiếc quần ưng ý trong ngày hôm đó, kết quả lượn lượn lờ lờ và bạn vác về 2 bộ váy.
Vì vậy, mục tiêu của tôi luôn rất kiên định: Tôi chỉ ghé 2-3 shop mà tôi thích, chỉ nhìn những món đồ tôi có dự định mua. Mỗi năm, tôi sẽ có 2 lần lên kế hoạch shopping: 1 là đồ mùa hè, 2 là đồ mùa đông.
Năm ngoái, tôi đã có kế hoạch mua đồ đông cho mình rồi và năm nay thì tôi hủy kế hoạch này. Bởi lẽ tỷ lệ sử dụng quần áo dày vào mùa đông hiện tại là rất thấp. Sau khi tổng kết lại đồ năm ngoái, tôi nhận ra mình đã có tới 5 chiếc áo khoác, 6 chiếc áo len trong tủ, như vậy là quá đủ để thay đổi trong mấy tháng thời tiết nhiệt độ giảm xuống. Tôi thậm chí còn dự định sẽ ngừng việc mua thêm áo khoác dày trong vòng 3 năm tới cơ.
Vào mùa hè và mùa thu thì tôi kiểm soát bản thân bằng việc không mua quá một bộ quần áo mỗi tháng. Trên thực tế, nếu bạn sắp xếp lại tủ quần áo của mình và đếm số lượng cụ thể, bạn sẽ nhận ra mình thực sự có rất nhiều quần áo, như tôi đã có tới ít nhất 100-200 bộ rồi mà trong đó tôi thường chỉ mặc 1-2 bộ, còn lại là đồ ở nhà và những đồ cả năm chưa chắc mặc được 1 lần.
Bạn cũng nên hình thành khái niệm skincare của riêng mình. Tôi cũng đã từng mua nhiều sản phẩm chăm sóc da khác nhau cho đến khi tìm được sản phẩm thực sự phù hợp với mình, tôi ngừng việc thử và kiếm các sản phẩm mới. Da tôi là da nhạy cảm thiên dầu. Sau khi thử qua nhiều sản phẩm, quan niệm chăm sóc da của tôi được tổng kết lại như sau: tự nhiên, nhẹ nhàng, dưỡng ẩm tốt và phù hợp bản thân.
Đừng quên đặt cho mình những hạn chế khi mua sắm bất kì thứ gì. Sau khi ra quyết định chỉ được mua một bộ quần áo/ tháng vào mùa thu và đông, tôi trở nên thận trọng hơn trong việc mua sắm, sự cẩn thận này cũng giúp tôi chọn được những trang phục phù hợp nhất với mình. Các bạn cũng nên vậy, nếu không đặt ra giới hạn, bạn sẽ nghĩ: Ôi cái này đẹp quá, phải mua thôi! Ôi cái này cũng đẹp, mua luôn! Cách của tôi chính là cứ thêm những bộ đồ tôi thấy thích vào giỏ hàng, 2-3 ngày sau kiểm tra lại xem còn thích không rồi mới quyết định thanh toán.
Thực tế, ham muốn mua sắm nhất thời cộng với nghệ thuật quảng cáo khiến bạn bị mê hoặc. Bạn không hề biết điều này. Nói chung, đừng chi tiêu một cách bốc đồng, đừng mua những món đồ mà bạn gần như sẽ không bao giờ mặc lại lần thứ 2. Ngoài ra, để mua đồ phù hợp với mức giá vừa phải, bạn cũng nên mặc thử chúng tại cửa hàng sau đó là mua online trong các dịp sale, như vậy, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá. Hãy kiểm soát các ham muốn của mình chứ đừng để nó chi phối bạn.
3. Quản lý tài chính
Mỗi nhân viên công sở muốn quản lý tiền bạc tốt nhất cần có cho mình thói quen tiết kiệm. Câu này là câu tôi nói và nó có thể không chính xác lắm nhưng ít nhất, nó luôn đúng với tôi.
Từ khi đi làm, tôi đã bắt đầu tiết kiệm dù lúc đó, lương tôi mới ở con số 5 triệu.
Nhờ việc ghi chép chi tiêu, tôi biết mình đã tiêu bao nhiêu và có thể tiết kiệm bao nhiêu. Việc đặt ra một con số buộc phải tiết kiệm khiến tôi suy xét mọi thứ rõ ràng hơn. Tôi thường đặt kế hoạch tiết kiệm theo năm và sẽ tùy chỉnh nó theo năm. Sau khi đã có tiền tiết kiệm, bạn sẽ học cách quản lý chúng.
Nên nhớ mỗi người sẽ có khái niệm quản lý tài chính riêng. Tôi thích đầu tư, tôi cũng chọn mua bảo hiểm để có thể gia tăng con số trong tài khoản của mình. Tôi cho rằng mọi nỗ lực lúc này của mình đều có thể giúp mình được nghỉ ngơi sớm hơn. Đương nhiên, bạn cũng có thể chọn cách khác, miễn là bạn thấy nó ổn với tình hình của riêng mình.
4. Các cách kiếm tiền
Ngoài việc tiết kiệm, ghi chép chi tiêu, quản lý tài chính và kiểm soát tiêu dùng, bạn cũng cần phải học cách cải thiện khả năng kiếm tiền của bản thân.
Mỗi người có sở trường khác nhau nhưng dù đang hoạt động trong lĩnh vực gì, hãy nhớ duy trì thái độ học hỏi, cầu tiến, học cách phân tích tình hình khách quan và đánh giá năng lực bản thân. Hãy tìm các hướng đi khác nhau và tiếp tục cải thiện chính mình.
Đừng ngại làm nhiều việc hơn, thử sức mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bởi chỉ khi bạn làm càng nhiều, để lộ càng nhiều khuyết điểm thì bạn mới biết mình thiếu sót ở đâu và đang làm tốt điều gì, từ đó nhận thức rõ hơn.
Trưởng thành có đôi khi chính là quá trình khám phá bản thân. Bạn thích màu gì. Bạn thích ăn gì. Bạn giỏi hội họa. Bạn ghét viết lách. Bạn không thích những người quá hiếu thắng. Bạn thích nắng, thích làm việc nhà. Chỉ bằng cách này, bạn sẽ từng chút từng chút một biết mình là ai.
Tôi thích cuộc sống hiện tại của tôi, có phương hướng, có mục đích, cứ từng bước từng bước tiến về phía trước. Tuy có hơi vất vả thật đấy nhưng tôi cảm thấy rất an tâm. Tôi tin tôi có thể sẽ không bao giờ đủ tốt như người khác mong muốn nhưng tôi sẽ luôn phấn đấu để tốt hơn.
Và tôi hy vọng bạn cũng thế.
Ảnh: Paco_Yao