Ô tô chìm dưới nước, bạn chỉ có 1 phút để sống sót: Dùng búa đóng đinh có được không?
Búa đóng đinh liệu có thể thay thế chiếc búa thoát hiểm chuyên dụng trong việc phá vỡ cửa kính ô tô, hãy cùng tìm kiếm câu trả lời qua bài viết này.
Theo tiến sĩ Gordon Giesbrech của Đại học Manitoba (Canada) - một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng thoát hiểm dưới nước thì khi ô tô của bạn bị tai nạn dưới nước thì bạn chỉ có khoảng 1 phút để có thể thoát hiểm trước khi nó bị chìm hoàn toàn.
Có thể thấy thời gian lúc này thực sự là vàng và chỉ cần chậm một chút thôi thì khả năng sống của bạn cũng như những người trên xe sẽ giảm đi rất nhiều. Bạn đọc có thể xem lại những nguyên tắc mà tiến sĩ Giesbrech đưa ra qua bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn tại đây .
Trong nguyên tắc số 3, tiến sĩ Giesbrech khuyên mọi người nên mang theo dụng cụ chuyên dụng để phá cửa xe (búa thoát hiểm (LifeHammer) và móc chìa khóa (ResQMe keychain)), đồng thời hãy luôn để nó trong tầm với để phòng trường hợp nguy cấp là có thể tìm thấy ngay.
Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu trong xe của bạn không có những dụng cụ chuyên dụng này (thực tế ở Việt Nam, không phải chủ xe nào cũng trang bị chúng trên xe) thì liệu có thể phá cửa xe bằng búa đóng đinh được không?
Hãy cùng tìm kiếm câu trả lời qua bài viết dưới đây:
1. Tìm hiểu về kính ô tô
Để có thể giải đáp câu hỏi này thì chúng ta phải hiểu rõ đặc tính và cấu trúc của kính trên xe ô tô, mặc dù chúng đều được làm bằng thủy tinh nhưng kính trên xe lại khác kính của một ngôi nhà và thậm chí các kính được lắp ở mỗi vị trí khác nhau trên xe cũng rất khác nhau.
Điều này xuất phát từ những vai trò khác nhau của kính trên xe, trong đó có 2 loại kính là kính nhiều lớp (được dùng làm kính chắn gió trước xe) và loại kính thứ hai chính là kính cường lực (được lắp ở các cửa xe và kính phía sau xe).
Kính trên xe cũng có vai trò và nhiệm vụ khác nhau. Ảnh: T&S Auto Glass
Sở dĩ những loại kính này được dùng cho xe ô tô vì có thể chịu được sự tác động từ bên ngoài lẫn dưới mặt đường.
- Trong đó kính nhiều lớp gồm có một lớp nhựa polyvinyl butyral (PVB) nằm giữa hai lớp kính nhằm phòng khi tai nạn thì kính sẽ không bể vụn và gây nguy hiểm.
Lớp PVB còn tăng độ chịu lực và hấp thụ lực những va chạm mạnh (thậm chí kính chống đạn cũng được thiết kế trên nguyên lý này), từ đó hỗ trợ túi khí trong việc bảo vệ người trong xe khi xảy ra va chạm.
Ngoài ra kính chắn gió còn có nhiệm vụ quan trọng khác là bảo vệ và chống đỡ cho vòm mái của chiếc xe cũng như giúp khung xe được vững hơn (bảo vệ người trong xe khi xe không may bị lật hay lăn nhiều vòng).
- Loại kính cường lực gắn ở các cửa xe và phía sau vốn là loại kính thường nhưng đã được tôi nhiệt đến điểm hóa mềm ở nhiệt độ rất cao (650 độ C), sau đó được làm nguội nhanh bằng một luồng khí lạnh.
Loại kính này đúng như tên gọi, có độ cứng rất cao với sức chịu lực va đập tốt hơn 4-5 lần so với loại kính thông thường. Hơn nữa chúng còn khó bị trầy xước và có sức chịu nén bề mặt cao nên đảm bảo an toàn khi xe bị rung chấn, va đập mạnh.
Việc thiết kế kính xe cong có liên quan đến vấn đề khí động lực học. Ảnh: News.oto-hui
Một lý do khác làm tăng sức chịu lực và độ bền cho kính trên xe là chúng được thiết kế cong vì lý do vật lý và khí động lực học (ngoài ra kính cong giúp giảm hình ảnh phản chiếu bên ngoài xe và làm tăng phạm vi quan sát cho người trong xe).
Cụ thể dựa trên nguyên tắc vật lý: Bề mặt hình cầu luôn chịu lực tốt hơn bền mặt phẳng. Mặt khác, bề mặt cong của kính sẽ giúp làm giảm lực cản của không khí (đồng nghĩa với việc giảm tiêu hao nhiên liệu tốt hơn).
2. Nếu thay thế búa thoát hiểm chuyên dụng bằng búa đóng đinh có được không?
Quay lại với vấn đề được đặt ra ở đầu bài, giả sử khi gặp tình huống nguy hiểm như xe chuẩn bị chìm dưới nước và bạn chỉ có rất ít thời gian để thoát ra ngoài mà trên xe chỉ có một chiếc búa đóng đinh thì liệu bạn có thể đập vỡ kính được không?
Chúng ta hãy xét tới trường hợp tối ưu nhất, đó là bạn sẽ gõ búa vào mép của kính cửa sổ xe. Tại sao lại là kính cửa sổ chứ không phải kính chắn gió phía trước?
- Đầu tiên, lý do rất đơn giản là do hầu hết các ô tô hiện nay đều sử dụng động cơ đặt trước nên phần đầu xe là phần nặng nhất và sẽ bị chìm dưới nước trước.
- Lý do thứ hai là kính nhiều lớp có độ bền rất cao rất khó vỡ (hơn cả kính cường lực) nên việc đập vỡ nó mất rất nhiều thời gian và công sức.
Xem video:
Thí nghiệm về điểm yếu nhất của kính cường lực
Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách để phá vỡ một chiếc kính cường lực dễ dàng vì để có thể liệt kê vào hàng 'cường lực' thì bề mặt kính phải chịu được áp lực ít nhất là 69 megapascal (tương đương với áp lực tại điểm sâu >6.500 mét dưới đáy đại dương).
Để làm được loại kính này thì người ta phải đun nóng các tấm kính thông thường rồi tiến hành làm nguội nhanh nhưng yếu điểm của kính cường lực lại chính là các cạnh (rìa) vì bị làm lạnh quá nhanh.
Ảnh: Forbes
Đây cũng là lý do những tên trộm xe thường sử dụng một thanh kim loại cứng để chèn vào phần khu vực mà chiếc kính được cuộn xuống (Gọi là kỹ thuật ‘pry open’) để phá vỡ chiếc kính từ phần rìa.
Như vậy chúng ta hoàn toàn dùng búa đóng đinh để phá vỡ cửa kính (nếu biết gõ vào điểm yếu nhất), tuy nhiên việc này có thể mất nhiều thời gian hơn so với một chiếc búa thoát hiểm chuyên dụng vì bạn có thể phải mất nhiều lần gõ mới có thể phá vỡ được chiếc kính cường lực.
Tiểu kết: Trong tình huống mà mạng sống chỉ còn được tính bằng giây thì rõ ràng việc lựa chọn một chiếc búa thoát hiểm gọn nhẹ (có trang bị dao để cắt đai an toàn) vẫn là một lựa chọn tối ưu hơn mà mỗi người lái xe nên có bên mình.
Bài viết được dịch từ các nguồn: Onedayglass, Lassonweb, Cartoq, Only1autoglass