Một quốc gia ĐNÁ sắp thành 'cường quốc xe điện': Nhắm sản xuất 600.000 xe/năm, xuất khẩu sang 54 nước, nắm trong tay lượng 'vàng trắng' khổng lồ

03/07/2024 15:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Nước này tham vọng xây dựng một hệ sinh thái sản xuất xe điện hoàn chỉnh.

Nhà máy pin đầu tiên của Indonesia vừa được khánh thành, qua đó đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực của quốc gia ĐNÁ nhằm xây dựng một hệ sinh thái sản xuất xe điện hoàn chỉnh. Nhà máy đặt tại Karawang, tỉnh Tây Java, được phát triển bởi HLI Green Power - liên doanh giữa nhà sản xuất pin LG Energy Solution của Hàn Quốc và nhà sản xuất ô tô Hyundai Motor.

Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia phát biểu tại sự kiện cho biết kế hoạch xây dựng nhà máy, bắt đầu vào năm 2021, đã tiêu tốn ít nhất 1,2 tỷ USD. Công suất sản xuất lên tới 10 Gigawatt giờ pin mỗi năm, tức đủ cung cấp năng lượng cho 150.000 ô tô điện. Giai đoạn phát triển thứ hai trị giá 2 tỷ USD đã được lên kế hoạch để công suất tăng thêm 20 Gwh như một phần trong cam kết của Hyundai và LG: đầu tư hơn 11 tỷ USD vào hệ sinh thái xe điện Indonesia.

Theo Tổng thống Joko Widodo, cơ sở này sẽ đưa Indonesia trở thành “doanh nghiệp toàn cầu trong chuỗi cung ứng xe điện”. Bộ trưởng Bộ Đầu tư Bahlil Lahadalia ca ngợi đây là nhà máy đầu tiên thuộc loại hình này ở Đông Nam Á, đồng thời cho biết Indonesia sẽ là quốc gia đầu tiên có chuỗi cung ứng xe điện tích hợp đầy đủ, từ nhà máy pin đến sản xuất xe.

Nhà máy mới nằm gần cơ sở sản xuất ô tô Hyundai ở Karawang và hầu hết pin sẽ được sử dụng cho Kona Electric - dòng SUV được mệnh danh là ô tô điện “thuần Indonesia” đầu tiên. Euisun Chung, chủ tịch điều hành của tập đoàn, cho biết tại buổi lễ: “Sự hợp tác của Tập đoàn ô tô Hyundai và Indonesia sẽ quyết định tương lai của xe điện, không chỉ ở châu Á mà còn trên toàn cầu”.

Huyndai đã biến Indonesia thành cơ sở sản xuất khu vực ở Đông Nam Á, với công suất hàng năm rơi vào khoảng 250.000 chiếc. Mẫu Ioniq 5 EV sẽ cạnh tranh với dòng hatchback Air EV của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Wuling tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Trước đó, Bộ Công nghiệp Indonesia đã đạt thỏa thuận với bốn công ty xe điện (EV) của Trung Quốc là Neta, Wuling, Chery và Sokon nhằm xây dựng Indonesia trở thành trung tâm sản xuất xe điện để xuất khẩu. Theo thỏa thuận, hai bên đã nhất trí giúp Indonesia có thể xuất khẩu xe điện sang 54 quốc gia trên thế giới sử dụng tay lái bên phải. Bộ trưởng Agus Gumiwang Kartasasmita nêu chi tiết rằng Neta, thông qua Neta Auto Manufacturing Indonesia, đặt mục tiêu tăng mức độ linh kiện nội địa lên 60% vào năm 2025, với mục tiêu doanh số hàng năm là 10.000 chiếc.

Là nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, Indonesia có ý định tận dụng vị thế này để trở thành trung tâm xe điện chiếm phần lớn chuỗi cung ứng. Chính phủ đặt mục tiêu sản xuất 600.000 xe điện mỗi năm vào năm 2030, trong đó hãng Kona Electric sẽ sản xuất tới 50.000 chiếc.

Một số nhà máy luyện chế biến quặng niken thành nguyên liệu pin đã hoạt động trong nước, song hầu hết bị kiểm soát bởi các công ty Trung Quốc. Nhà máy mới của LG-Hyundai ở Karawang là cơ sở sản xuất pin đầu tiên của Indonesia.

Indonesia trước đó đã thỏa thuận với gã khổng lồ pin CATL của Trung Quốc nhằm phát triển hệ sinh thái xe điện trị giá gần 6 tỷ USD. Theo Airlangga Hartarto, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, Jakarta cũng đang tìm cách khuyến khích phát triển ô tô hybrid để đẩy nhanh cuộc cách mạng.

Một quốc gia ĐNÁ sắp thành 'cường quốc xe điện': Nhắm sản xuất 600.000 xe/năm, xuất khẩu sang 54 nước, nắm trong tay lượng 'vàng trắng' khổng lồ- Ảnh 1.

Theo Tổng thư ký Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia Dadan Kusdiana, gói tài chính trị giá gần 500 triệu USD nằm trong chính sách thúc đẩy sử dụng phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường. Khoản trợ cấp này sẽ áp dụng với việc mua 800.000 xe máy điện mới và chuyển đổi 200.000 xe máy sử dụng động cơ đốt trong.

Chính phủ Indonesia đang đưa ra các ưu đãi và trợ cấp về thuế đối với ô tô điện, ô tô hybrid và xe máy điện để từng bước đạt mục tiêu vận hành 2 triệu chiếc ô tô điện và 13 triệu xe máy điện vào năm 2030. Trong đó, việc tăng cường xây dựng các trạm sạc xe điện công cộng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ước tính đến năm 2030, Indonesia cần có 32.000 trạm sạc xe điện công cộng để đáp ứng nhu cầu.

Theo Rahul Gupta, đối tác liên kết tại McKinsey, xe máy điện có thể chiếm tới 50% thị trường xe máy tổng thể tại ĐNÁ vào năm 2030, cao hơn so với mức 20% của ô tô. Các quốc gia như Indonesia - vốn đã là những thị trường lớn đối với xe tay ga và xe máy - sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng này, đặc biệt khi các công ty giao hàng như Grab và GoJek cam kết chuyển hoàn toàn đội xe sang xe điện.

“Các khu vực đông đúc với phương tiện giao thông công cộng không đầy đủ sẽ tiếp tục lựa chọn xe máy điện”, một chuyên gia nhận định.

Theo Rest of World, Gojek đang xây dựng một nhà máy để sản xuất 250.000 chiếc xe điện vào năm 2024. Hãng cũng đã liên doanh với các công ty năng lượng tư nhân và nhà nước để tung ra mẫu xe máy điện mới Electrum H5. Trong khi đó, Grab cùng chính phủ Indonesia triển khai Lộ trình hệ sinh thái xe điện vào năm 2019, đồng thời hợp tác với các nhà sản xuất ô tô điện và pin trong khu vực.

“Nhiều công ty bắt đầu nhận ra rằng phương tiện này sẽ trở nên phổ biến ở Indonesia. Đó là một phân khúc sẽ tăng tốc nhanh hơn nhiều trong thời gian tới”, Vivek Lath - một đối tác của McKinsey & Co cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Singapore.

Tuy nhiên, việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng trong nước cũng khiến các tài xế chật vật.

Một người tên Kurnianto, 51 tuổi, cho biết ông vừa thay pin xe máy điện vào đêm hôm trước song nay đã gần cạn.

“Chúng tôi làm việc dưới ánh nắng mặt trời đã đủ mệt mỏi rồi. Nếu pin không tốt, nó ảnh hưởng đến thu nhập hàng ngày của tôi”, Kurnianto nói và lưu ý rằng đây là chuyện thường xuyên xảy ra.

Theo các hành khách, chỉ có 5 trạm đổi pin trên khắp vùng Nam Jakarta. “Nên có nhiều hơn. Lý tưởng nhất là mọi trạm xăng đều cung cấp dịch vụ đổi pin”, Fajar Muhammad, một tài xế xe máy điện Gojek nói.

Theo: Nikkei Asia, Rest of World

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM