Một loạt địa phương có bộ máy “phình” to, vượt gần 8.000 biên chế
Theo thống kê, hiện nay có 11 địa phương sử dụng vượt tới 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao.
Chính phủ vừa có báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Theo thống kê, năm 2016, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện (khối Chính phủ quản lý) là gần 270.000 người.
Có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao, bao gồm Hà Nội , Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An.
Ngoài ra, tính đến 30/11/2016, các Bộ, ngành, địa phương ký lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp là: 19.900 người (18 Bộ, ngành: 10.218 người; 46 địa phương: 9.682 người).
Bên cạnh đó, tình trạng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố rất lớn. Cụ thể, tính đến tháng 12/2016, số cán bộ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước là gần 1,3 triệu người, trong đó, cán bộ, công chức cấp xã hơn 234.200 người.
Trong khi số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là gần 201.000, hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là hơn 837.600 người.
Vì vậy, tổng quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (đã bao gồm BHXH và tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng) là hơn 32.400 tỷ đồng mỗi năm (trong đó quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã là hơn 19.600 tỷ đồng mỗi năm).