Mỗi năm Honda Việt Nam ngừng hợp đồng với 2.000-3.000 công nhân ở Vĩnh Phúc, tương đương 40% tổng số lao động

31/08/2016 10:58 AM | Kinh doanh

Năm 2015, Công ty Honda Việt Nam (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đã chấm dứt hợp đồng hơn 3.000 trong tổng số 7.827 lao động, chiếm tới gần 40%. Nhiều gia đình nhượng đất xây nhà máy cho DN tại địa phương mất ruộng, không có việc làm lâm vào tình cảnh khó khăn.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc, nhu cầu sử dụng lao động của Công ty Honda Việt Nam (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) mỗi năm dao động 7.000 - 8.000 lao động. Tuy nhiên, số lượng công nhân bị sa thải lại có biến động rất lớn, lên tới hàng nghìn người.

Cụ thể năm 2013, tổng số lao động được đóng bảo hiểm xã hội là 8.014 lao động, nhưng số lượng bị dừng đóng là 1.837 lao động. Năm 2014, Honda tuyển dụng mới thêm 2.391 lao động, nhưng tiếp tục dừng đóng bảo hiểm xã hội 1.670 lao động.

Trong năm 2015, tổng số lao động của Honda Việt Nam tại Vĩnh Phúc là 7.827 lao động, nhưng dừng đóng bảo hiểm xã hội cao kỷ lục là 2.968 lao động (chiếm gần 40% tổng số lao động).

Số lượng dừng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số lao động phải nghỉ việc tại Honda.

Theo ông Diệp Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Phúc Thắng (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), năm 1996, 100% hộ dân ở các tổ dân phố Xuân Mai 1, 2, 3 đã giao hết đất nông nghiệp để Honda xây dựng nhà máy.

Một trong những cam kết của nhà đầu tư này là sẽ tạo việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là con em của những nông dân mất đất. Đây cũng là điều mà người dân mất ruộng đất tại đây mong muốn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, rất nhiều người dân phản ánh bị Honda cho thôi việc sau khi làm được 1-4 năm. Nhiều hộ dân có người nhà bị cho thôi việc, cuộc sống rất khó khăn.

Chị H. (Xuân Mai 2) có con trai 22 tuổi vừa bị Honda sa thải cho biết, 20 năm trước, gia đình chị nhượng lại 4 sào đất ruộng cho dự án xây dựng nhà máy Honda. Giá đền bù khi đó rất rẻ, chỉ 7 triệu đồng/sào. Khi đó, Honda có cam kết tạo điều kiện, công ăn việc làm cho người dân địa phương.

"Tuy nhiên, vợ chồng tôi đã quá tuổi lao động nên cho con vào làm việc. Nhưng sau 3 năm, cháu bị sa thải. Honda đưa ra nhiều lý do như không đạt tiêu chuẩn, vị trí không phù hợp... Mất đất, mất ruộng, cháu không có việc làm nên hiện gia đình rất khó khăn", chị H. than thở.

Theo Tổ trưởng tổ dân phố Xuân Mai 2, chưa có con số cụ thể, nhưng hầu như năm nào cũng có rất nhiều con em địa phương bị Honda cho thôi việc. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người lao động xin nghỉ sang công ty khác làm hoặc có lý do cá nhân.

Được biết, tháng 3/2016, Honda Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 20 năm hoạt động ở Việt Nam. Trong 20 năm có mặt ở Việt Nam, tổng số vốn đầu tư của Honda vào Việt Nam đạt khoảng 530 triệu USD, sử dụng khoảng 10.000 lao động.

Hiểu Minh

Cùng chuyên mục
XEM